Hậu Giang: Thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh mở ra cơ hội mới, khí thế mới
Thứ ba - 20/10/2020 11:45
Hậu Giang: Thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh mở ra cơ hội mới, khí thế mới
Vùng đất trẻ Hậu Giang đang trong quá trình phát triển. Một trong những nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp bền vững... Vị trí chiến lược, giàu tiềm năng phát triển công nghiệp
Hậu Giang nằm trên tuyến lưu thông của tiểu vùng Tây Sông Hậu, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh trong khu vực như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, liền kề Cần Thơ, Hậu Giang được thừa hưởng những thế mạnh về logistic, cơ sở hạ tầng, trình độ khoa học công nghệ,… của thành phố trọng điểm kinh tế khu vực Tây Nam bộ này.
Tới nay, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh đang tiếp tục được đầu tư đồng bộ. Theo kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, sẽ có hơn 9.400 tỷ đồng được đầu tư để hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hạ tầng giao thông Hậu Giang và liên kết vùng và trong tương lai, khi các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… hình thành sẽ tăng kết nối liên vùng, tạo lợi thế thu hút đầu tư vào Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Hậu Giang. Hạ tầng hoàn thiện sẽ là điều kiện cần tạo nên triển vọng thu hút đầu tư cho Hậu Giang nói riêng và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Bên cạnh đó, Hậu Giang còn tận dụng được lợi thế từ hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội của trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Sân bay quốc tế Cần Thơ.
Ngoài hệ thống giao thông, Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu - một trong hai nhánh sông lớn của sông Mekong và đây là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui. Bên cạnh đó, kênh xáng Xà No dài gần 40km, chạy xuyên qua Hậu Giang và kết nối với sông Hậu. Hiện kênh này đã trở thành một tuyến vận tải thủy quan trọng chuyên chở lúa gạo và các sản vật của miền đất trù phú này tới các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, tỉnh còn có kênh Quản lộ Phụng Hiệp nằm trong hệ thống đường thủy quốc gia từ Thành phố Hồ Chí Minh xuyên đồng bằng đổ ra Biển Tây, nối các tỉnh ĐBSCL với các nước Đông Nam Á.
Cảng Vinalines Hậu Giang với quy mô 150m cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT cùng hệ thống cầu dẫn, kè bảo vệ bờ, các công trình kho, bãi, công trình dịch vụ, mạng hạ tầng kỹ thuật và thiết bị khai thác đồng bộ với công suất thiết kế khoảng 1 triệu tấn/năm. Khu dịch vụ hàng hải được quy hoạch xây dựng công trình kho, nhà, xưởng, đường bãi, công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ cho khai thác cảng. Giữa hai khu chức năng là tuyến đường nội bộ rộng 30m, diện tích 2,71ha kết nối với đường 3A ra đường Nam Sông Hậu, kết nối với các tuyến hành lang đường bộ nối đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Nằm ở châu thổ sông Mekong trù mật, Hậu Giang còn nổi tiếng là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam bộ. Bên cạnh thế mạnh về cây lúa và nhiều loại cây ăn trái, Hậu Giang còn có nguồn thủy sản phong phú, dồi dào.
Để dọn sẵn “sân chơi” thuận lợi, hôm 2/10 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố chính thức vận hành các hệ thống thông tin đến toàn thể cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân trong toàn Tỉnh. Tỉnh cũng đạt được những bước tiến trong việc cải thiện chỉ số thành phần “Cạnh trạnh bình đẳng” của Chỉ số PCI, như: Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, công khai các thủ tục hành chính, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên Trang thông tin điện tử. Công khai minh bạch trình tự, quy trình thủ tục đầu tư, hệ thống doanh nghiệp (tên doanh nghiệp, loại hình, lĩnh vực đầu tư, hệ thống ngân hàng…) cũng như các trình tự, quy trình liên quan đến từng đơn vị trên Cổng Thông tin điện tử của đơn vị.
Tỉnh cũng xây dựng và ban hành Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để triển khai toàn ngành trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết mọi thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về vốn. Đồng thời công khai, minh bạch các chương trình, dự án trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng.
"Phát triển công nghiệp còn nhằm thúc đẩy khâu sản xuất, phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, các yêu cầu về chủng loại, mặt hàng để đáp ứng yêu cầu đầu vào của các nhà máy chế biến nông sản, của thị trường. Song song với đó, tỉnh phát triển lĩnh vực thương mại để giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản”, ông Lê Tiến Châu, Bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh công nghiệp chế biến, trong bối cảnh dư địa cho phát triển công nghiệp của các địa phương lân cận đang dần đến giới hạn. Trong khi đó, Hậu Giang đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai và lao động.
Do đó, tỉnh sẽ tận dụng cơ hội này để thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao, như: công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo và một số ngành công nghiệp ít gây tác động tới môi trường nhằm tạo giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội của địa phương. Nhanh chóng trở thành vùng “kinh tế trọng điểm” mới
Nói về địa kinh tế của Hậu Giang, một quan chức của bộ Giao thông Vận tải đánh giá, các tuyến giao thương tại Hậu Giang được xem là trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế biển trong khu vực, phát huy tối đa hiệu quả các cảng trên sông Hậu, bao gồm các cảng khu vực Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… giữ vai trò là lối ra huyết mạch ổn định lâu dài, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của ĐBSCL…
Bên cạnh đó, nhờ liền kề với Cần Thơ, Hậu Giang còn được thừa hưởng những thế mạnh về logistics, cơ sở hạ tầng, trình độ khoa học công nghệ... của thành phố trọng điểm kinh tế khu vực Tây Nam bộ.
Thời gian qua, Hậu Giang đã thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư, đặc biệt làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI mạnh mẽ về các tỉnh công nghiệp phát triển. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn Tỉnh có gần 500 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 123.860 tỷ đồng, 30 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 552 triệu USD. Toàn Tỉnh có 4.620 doanh nghiệp, tổng vốn hơn 46.960 tỷ đồng; 49.195 hộ kinh doanh cá thể. Ước tính, năm 2019, có 616 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 2.395,975 tỷ đồng.
Ngoài những dự án khai thác thế mạnh nông nghiệp vốn có, Hậu Giang cũng bắt đầu thu hút nhiều nhà đầu tư từ đa dạng lĩnh vực với nhiều doanh nghiệp lớn như: FLC, Vingroup, Cát Tường Group, Tân Hiệp Phát, Masan… với các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, thuỷ hải sản, bất động sản, thương mại dịch vụ, nước uống, bao bì, năng lượng, chế tạo công nghiệp nặng…
Chính sự góp mặt của các nhà đầu tư trong thời gian qua, cùng với tầm nhìn xa, quyết sách trúng của chính quyền đã giúp Hậu Giang chuyển mình về kinh tế, đang từng bước trở thành vùng “kinh tế trọng điểm” mới của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chính quyền cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Hậu Giang có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 7 đơn vị thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một đơn vị là Thành phố Vị Thanh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, các dự án đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, thuế suất, tiền thuê đất, thuê mặt nước… và có sự hỗ trợ nhiệt tình của các sở ban ngành tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh trong việc thu hút, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp khi đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Điều quan trọng hơn cả là lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thông các quyết sách hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng hiện đại, thân thiện bằng việc cắt giảm các thủ tục hành chính rườm ra để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tinh thần chung của các sở, ngành địa phương là xác định công việc của doanh nghiệp cũng là công việc của chính mình và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp; thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương.
Những cam kết mạnh mẽ này đã được minh chứng bằng kết quả chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) không ngừng được cải thiện tích cực. Theo công bố mới nhất, PAPI Hậu Giang đạt 44,49 điểm, xếp hạng 19/63 tỉnh, thành, tăng 2,43 điểm và 39 bậc. Trong đó, có 6/8 tiêu chí tăng điểm cao như tiêu chí công khai, minh bạch (tăng 0,5 điểm); tiêu chí về trách nhiệm giải trình với người dân (tăng 0,26 điểm); tiêu chí kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (tăng 0,94 điểm); tiêu chí về thủ tục hành chính công (tăng 0,13 điểm)…
Việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vừa qua đã mở ra cơ hội mới, khí thế mới để vùng đất trẻ giàu truyền thống “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động” tiếp tục rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác trong khu vực, biến những khó khăn thành lợi thế, thành động lực vươn lên trở thành điểm sáng của miền Tây Sông Hậu.
“Thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là nguồn sức mạnh hết sức to lớn, cổ vũ mạnh mẽ đối với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Bí thư tỉnh Ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh chiều ngày 14/10.