Hội Việt Nam - Hàn Quốc hiện có 98 hội viên
Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quôc nhiệm kỳ 2013-2018:
1. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan - Chủ tịch (TUV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ tỉnh)
2. Bà Hồ Thu Ánh - Phó Chủ tịch
3. Bà Nguyễn Thị Lý - Phó Chủ tịch
4. Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm - Thư ký
5. Bà Võ Thị Thu Hương - UV
6. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan - UV
7. Bà Võ Thị Cẩm Tú- Uỷ viên
8. Ông Huỳnh Trường Vĩnh - Uỷ viên
9. Bà Huỳnh Thị Ngọc Hường - Uỷ viên
Thông tin về Hàn Quốc
I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG
- Tên nước: Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc. Tên chính thức tiếng Anh là Republic of Korea (ROK) (không gọi là Nam Hàn, Nam Triều Tiên, Cộng hòa Triều Tiên)
- Thủ đô: Xơ-un (Seoul), dân số 10,2 triệu người (12/2016)
- Thành phố lớn: Bu-san (Busan), Te-gu (Daegu), Te-chơn (Daejon), Quang-chu (Gwangju), In-chơn (Incheon), Un-san (Ulsan)
- Vị trí địa lý: Ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên; Đông, Tây, Nam giáp biển; Bắc giáp Triều Tiên qua giới tuyến quân sự chạy dọc vĩ tuyến 38o Bắc
- Diện tích: 99.392 km2 (toàn bán đảo: 222.154 km2)
- Khí hậu: Khí hậu ôn đới, có 4 mùa rõ rệt
- Dân số: 51,6 triệu người (12/2016)
- Dân tộc: Chỉ có 1 dân tộc là dân tộc Hàn (Triều Tiên gọi là dân tộc Triều Tiên)
- Tôn giáo: Phật giáo 17,8 triệu; Cơ đốc giáo 14,38 triệu; Thiên chúa giáo 5,4 triệu; Nho giáo 104 nghìn; Hồi giáo 75 nghìn
- Ngôn ngữ: Tiếng Hàn Quốc/ Triều Tiên (một tiếng nói, một chữ viết)
- Tiền tệ: Đồng Won (tỉ giá thời điểm 20/12/2016: 1 USD =1.191 won)
- Quốc khánh:
+ Ngày 03/10/2333 trước CN: Ngày Lập quốc, còn gọi là Lễ Khai thiên. Cơ quan đại diện của Hàn Quốc ở ngoài nước tổ chức chiêu đãi.
+ Ngày 15/8/1945: Ngày Giải phóng (Bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản). Tổ chức mít tinh kỷ niệm long trọng, Tổng thống đọc diễn văn. Lãnh đạo các nước gửi điện mừng.
+ Ngày 15/8/1948: Thành lập Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc.
- Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:
+ Tổng thống: Moon Jae-In
+ Thủ tướng: Hoang Kyô An (Hwang Kyo An), từ 18/6/2015
+ Chủ tịch Quốc hội: Châng Sê Kyun (Chung Se Kyun), từ 09/6/2016.
+ Bộ trưởng Ngoại giao: Yun Biêng Sê (Yun Byung Se), từ 11/3/2013.
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ, ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI
1. Lịch sử:
Dân tộc Triều Tiên có khoảng 5.000 năm lịch sử. Năm 2333 trước Công nguyên, nước Ko-Choson (Cổ Triều Tiên) ra đời, gồm cả vùng Mãn Châu, Hoa Đông (nay thuộc Trung Quốc) và Bán đảo Triều Tiên. Nhà nước này tồn tại khoảng 1.000 năm, liên tiếp bị nhà Chu, nhà Hán (Trung Quốc) xâm lược.
Năm 57 trước Công nguyên, ba nhà nước phong kiến mới lần lượt hình thành là Kô Ku Ryơ (Ko-Guryo, âm Hán: Cao Cú Lệ ) gồm phía Bắc Bán đảo và vùng Mãn Châu (Trung Quốc), Péc Chê (Paekche, âm Hán: Bách Tế) và Xi La (Shilla, âm Hán: Tân La) ở phía Nam Bán đảo, còn được gọi là thời kỳ Tam quốc. Năm 668, Xi La thôn tính Cô Ku Ryơ và Péc Chê, lập nên triều đại Xi La thống nhất kéo dài gần 3 thế kỷ (668-918). Từ 918-1392, vua Oang Gơn (Wang Kon) lập ra nước Cô Ryơ (Cao Ly), lấy thủ đô là Ke Sơng (Kaeseong, âm Hán: Khai Thành). Từ 1392-1910, vua Li Sơng Kyê (Lee/Yi Seong Gye) lập ra nước Chô Sơn (Choson, âm Hán: Triều Tiên), rời đô về Xơ-un (1394), triều vua thứ 4 là Sê Chông (Sejong) đã sáng tạo bảng chữ cái Hangul được sử dụng tới tận ngày nay.
Năm 1910, Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Năm 1945, Bán đảo Triều Tiên được giải phóng và bị chia cắt thành hai nhà nước theo hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau, lấy vĩ tuyến 38o Bắc làm ranh giới, phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc (thường gọi là Hàn Quốc, tên tiếng Anh: Republic of Korea) và phía Bắc là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (thường gọi là Triều Tiên, tên tiếng Anh: Democratic People’s Republic of Korea).
Chiến tranh Triều Tiên nổ ra ngày 25/6/1950, lúc đầu là giữa hai miền Triều Tiên nhưng sau đó có sự tham chiến của quân đội Mỹ, một số lực lượng đồng minh và quân đội Trung Quốc. Năm 1953, Mỹ và Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến, Bán đảo Triều Tiên được coi là vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do Hiệp định Hòa bình chưa được ký.
2. Đất nước, con người:
- Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của Nho giáo, coi trọng lễ nghĩa, trật tự trên dưới, nhất là trong các mối quan hệ cùng huyết thống, đồng môn, đồng hương. Giới trẻ Hàn Quốc ngày nay có xu hướng ưa chuộng văn hóa Mỹ, Nhật.
- Hàn Quốc đang chuyển dần từ một đất nước chỉ có một dân tộc, một ngôn ngữ sang xã hội “đa dân tộc, đa văn hóa”. Đến tháng 11/2016, có khoảng 2 triệu người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, gồm: 609.000 lao động, 152.000 người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc, 106.000 du học sinh.
- Bóng đá không được yêu thích bằng bóng chày, bóng rổ mặc dù đội tuyển bóng đá Hàn Quốc từng đứng thứ 4 tại Worldcup 2002. Hàn Quốc đã đăng cai Olympic 1988, World Cup 2002 và giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông vào năm 2018.
- Hàn Quốc có nền điện ảnh, âm nhạc, thời trang tương đối phát triển. Hallyu (tạm dịch: Làn sóng văn hóa Hàn Quốc) đang du nhập mạnh vào các nước châu Á.
- Đặc trưng của món ăn Hàn Quốc là cay và mặn. Các món ăn nổi tiếng gồm: Kim-chi (các loại rau muối với ớt), thịt nướng (thịt ba chỉ, thịt bò), miến lạnh...
III. CHÍNH TRỊ
1. Thể chế Nhà nước:
Hiến pháp Hàn Quốc ban hành lần đầu tiên ngày 17/7/1948 quy định Hàn Quốc theo chế độ Cộng hoà, tam quyền phân lập. Quốc hội và Tổng thống do dân bầu trực tiếp, Thủ tướng và Chánh án Toà án nhân dân do Tổng thống đề cử và Quốc hội thông qua (trong vòng 20 ngày). Sau khi thành lập nước, các tướng lĩnh quân đội lần lượt nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ngày 25/02/1993, Kim Yơng Sam (Kim Young Sam) được bầu làm Tổng thống, bắt đầu thời kỳ chính phủ dân sự đầu tiên.
- Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội. Quốc hội Hàn Quốc theo chế độ một viện, gồm 300 ghế. Nghị sỹ Quốc hội được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, có nhiệm kỳ 04 năm. Ngày 13/4/2016, Hàn Quốc tiến hành bầu cử Quốc hội khóa 20. Đảng cầm quyền Saenuri chỉ giành được 122 ghế, đảng Dân chủ - đảng đối lập chính - giành được 123 ghế. Như vậy, lần đầu tiên sau 16 năm phe đối lập đã áp đảo phe cầm quyền tại Quốc hội.
Các đảng phái chính trị
Tên Đảng Số ghế tại Quốc hội (12/2016)
Đảng Dân chủ đồng hành
(tên tiếng Anh: The Democratic Party of Korea) 122
Đảng Thế giới mới
(tên tiếng Anh: Saenuri Party) 122
Đảng Nhân dân
(tên tiếng Anh: People’s Party) 38
Đảng Chính nghĩa
(tên tiếng Anh: Justice Party) 6
Khác 11
Tổng số: 299
- Hành pháp: Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp, chỉ được giữ một nhiệm kỳ 5 năm. Ngày 19/12/2012, ứng cử viên Đảng Thế giới mới Pắc Cưn Hê đắc cử Tổng thống thứ 18 với tỉ lệ ủng hộ đạt 51,6%, chính thức nhậm chức ngày 25/2/2013, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Bố bà Pắc là cố Tổng thống Pắc Chơng Hi.
- Chế độ tư pháp ba cấp của Hàn Quốc gồm Toà án Tối cao, toà Thượng thẩm và các Toà án cấp Quận (cơ sở) ở những thành phố lớn. Toà án Tối cao xem xét, ra kháng cáo đối với quyết định của các Toà Thượng thẩm. Quyết định của Toà án Tối cao là cuối cùng. Hệ thống các cơ quan kiểm sát gồm Viện Công tố, 5 Viện Công tố cấp cao, 13 Viện Công tố cấp quận.
IV. KINH TẾ
Kinh tế Hàn Quốc lớn thứ 4 tại Châu Á, thứ 15 trên thế giới. Năm 2015, GDP tính theo PPP đạt 1.849 tỷ USD (thứ 13 thế giới), tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,3%, thu nhập bình quân đầu người tính theo PPP là 36.601 USD; kim ngạch thương mại vượt 962 tỷ USD (thứ 4 thế giới), trong đó xuất khẩu đạt 526 tỷ USD, nhập khẩu đạt 436 tỷ USD. Tính đến tháng 11/2016, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đạt 365 tỷ USD, đứng thứ 6 thế giới.
“Kỳ tích sông Hàn” là quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc được Tổng thống Pắc Chơng Hi khởi xướng, kéo dài từ sau Chiến tranh Triều Tiên (70s) tới thời kì Khủng hoảng kinh tế Châu Á (1997). Trong thời gian này, Hàn Quốc áp dụng chiến lược “Phát triển kinh tế định hướng đối ngoại” nhằm chuyển đổi hoàn toàn của nền kinh tế quốc gia thông qua xuất khẩu. Từ những năm 1960, Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy xuất khẩu bằng những đạo luật, qui định hướng tới xây dựng kế hoạch phát triển định hướng xuất khẩu. Trong thập niên 1970, công nghiệp hóa chất là trọng tâm của chính sách công nghiệp quốc gia. Trong những năm 1980, quá trình tái cấu trúc nền công nghiệp được triển khai nhằm thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mở cửa và tự do hóa thị trường là điểm nổi bật trong thập kỷ 1990. Nhằm phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997), Hàn Quốc thực hiện nhiều cải tổ táo bạo, cụ thể: chính phủ thực thi các chính sách khuyến khích kinh doanh và các doanh nghiệp tăng cường minh bạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Kể từ năm 2000, cải cách chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia. Để lồng ghép cải cách vào ngành công nghiệp nhiều hơn nữa, Hàn Quốc đẩy mạnh thực hiện các chính sách thân thiện với doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác giữa những doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đặc biệt nhấn mạnh vào việc khơi dậy những động lực tăng trưởng, nâng cấp cấu trúc nền công nghiệp. Để làm được điều đó, Hàn Quốc đặt mục tiêu phát triển hơn nữa công nghiệp sản xuất linh kiện, vật liệu và ngành dịch vụ tri thức. Dựa trên chiến lược này, nhiều chương trình phát triển được thực hiện thành công. Hiện các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hàn Quốc gồm: nguyên vật liệu bán dẫn, dầu mỏ và chế phẩm từ dầu, ô tô, tàu thủy, thiết bị điện tử viễn thông...
Hiện Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy chính sách kinh tế định hướng đối ngoại, nhấn mạnh yếu tố sáng tạo và tri thức trong kinh tế; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; chủ động thúc đẩy chính sách “ngoại giao bán hàng” (sales diplomacy). Các tập đoàn, công ty Hàn Quốc tích cực xúc tiến đầu tư; tham gia vào các dự án, liên doanh ở nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, thăm dò, khai thác tài nguyên. Hàn Quốc đã giành được hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở UAE; ký nhiều hợp đồng khai thác tài nguyên-năng lượng với các nước Trung Đông, Trung Á; tích cực ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) với các đối tác tiềm năng. Tính đến tháng 12/2016, Hàn Quốc đã ký 15 FTA với 53 quốc gia, trong đó có nhiều đối tác quan trọng (Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN...); đang đàm phán 06 FTA và nghiên cứu tính khả thi của 06 FTA.
Trong các đối tác kinh tế chính (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, ASEAN...), Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc. Năm 2015, kim ngạch thương mại Hàn - Trung đạt 227 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Hàn Quốc đạt 137 tỷ USD, nhập khẩu đạt 90 tỷ USD.
Phong trào “Làng mới”(Saemaul) là mô hình phát triển nông thôn điển hình tại Hàn Quốc đóng góp vào “Kỳ tích sông Hàn”; được Tổng thống Pác Chơng Hi khởi xướng vào thập niên 70. Mô hình đã được triển khai trên toàn quốc, chủ yếu dựa vào ngân sách và lực lượng lao động địa phương. Sự cần cù, tự lực, đoàn kết đã giúp người dân xứ sở kim chi nhanh chóng bứt khỏi tình cảnh đói nghèo, xây dựng xã hội tiên tiến, quốc gia thịnh vượng./.
V. Thông tin cơ bản về quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 22/12/1992
2. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ:
- Hàn Quốc đưa khoảng hơn 30 vạn quân sang Việt Nam tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ (1964 – 1973).
- Từ 1975 - 1982, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu có quan hệ buôn bán tư nhân qua trung gian; từ 1983 có quan hệ buôn bán trực tiếp và một số quan hệ phi chính phủ.
- Ngày 20/4/1992, ký thoả thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước.
- Ngày 22/12/1992, ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Cùng ngày, Hàn Quốc khai trương Đại sứ quán tại Hà Nội.
- Tháng 03/1993, Việt Nam khai trương Đại sứ quán tại Seoul.
- Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh.
- Tháng 8/2001, hai nước ra tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21 Việt Nam – Hàn Quốc” nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
- Tháng 11/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành Đối tác hợp tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Bác (Lee Myeong Bak).
VI. Tình hình quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc hiện nay
1. Quan hệ chính trị, hợp tác an ninh và quốc phòng:
Hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương được duy trì thường xuyên. Trong năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc (3/2015), Cựu Tổng thống Lee Myung Bak (10/2015) thăm Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (5/2015), Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải (5/2015) thăm Hàn Quốc. Trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê bên lề HNCC ASEM 11 (15/7, Mông Cổ), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Biêng Sê bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 49 (24/7, Lào); Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân (8/2016) và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng (9/2016) thăm Hàn Quốc.
Ngoài cơ chế “Đối thoại chiến lược Ngoại giao – An ninh – Quốc phòng cấp Thứ trưởng” ngày càng phát huy hiệu quả, hai bên đang duy trì kênh trao đổi theo cơ chế “Đối thoại an ninh Việt – Hàn cấp Thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt – Hàn cấp Thứ trưởng”. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc (5/2015), Phó Giám đốc Cơ quan tình báo Hàn Quốc (6/2016) góp phần quan trọng vào việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Ngày 14/6/2016, Chính phủ Hàn Quốc đã viện trợ không hoàn lại 20 triệu USD cho Việt Nam để triển khai Dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về bảo mật, an toàn thông tin (28/6/2012), Bản ghi nhớ về bảo mật thông tin quân sự (21/7/2014), Biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (14/6/2016), hiện đang trao đổi để xúc tiến ký Bản ghi nhớ hợp tác về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và Bản ghi nhớ về tương trợ tư pháp dân sự.
2. Hợp tác kinh tế:
Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ta, đứng thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về ODA (sau Nhật Bản), thứ 3 về thương mại (sau Trung Quốc, Mỹ). Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc, Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp.
Kim ngạch thương mại 11 tháng đầu năm 2016 đạt 39,3 tỷ USD (tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó ta xuất khẩu đạt 10,4 tỷ USD và nhập khẩu đạt 28,9 tỷ USD, thâm hụt thương mại khoảng 18,5 tỷ USD (tăng 6,3%). Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 sẽ tạo động lực mới góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 70 tỷ USD vào năm 2020 theo thỏa thuận cấp cao hai nước năm 2013.
Tính lũy kế đến tháng 11/2016, Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 5.593 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 50 tỷ USD, trong đó có 5,29 tỷ USD vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng đầu năm 2016. Hàn Quốc đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo (35 tỷ USD), bất động sản (8,2 tỷ USD), xây dựng (2,7 tỷ USD); 52 tỉnh thành, chủ yếu tại Bắc Ninh (6,2 tỷ USD), Hà Nội (5,8 tỷ USD), Đồng Nai (5,5 tỷ USD), Hải Phòng (5,4 tỷ USD) và Thái Nguyên (5 tỷ USD).
Hàn Quốc là đối tác cung cấp ODA lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cho giai đoạn 2012-2015, tập trung vào ba lĩnh vực: tăng trưởng xanh, xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Nhìn chung, các dự án ODA của Hàn Quốc đều nằm trong lĩnh vực ưu tiên cao của ta; triển khai đúng tiến độ; có mức giải ngân tăng đều qua các năm. Hiện hai bên đang trao đổi về việc ký Hiệp định tín dụng khung Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2016 – 2020 mà theo đó, Hàn Quốc dự kiến cung cấp 1,5 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam.
3. Hợp tác lao động:
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ 2 của ta (sau Đài Loan) và ta là nước xuất khẩu lao động lớn thứ 2 (sau Trung Quốc). Hàn Quốc đã bỏ chế độ tuyển tu nghiệp sinh Việt Nam, áp dụng chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) từ năm 2004 thông qua việc ký Bản ghi nhớ thông thường về hợp tác lao động (gia hạn hàng năm). Sau khi tạm hoãn tiếp nhận lao động Việt Nam từ tháng 8/2012 do tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước ở mức cao (58%), Chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý ký Bản ghi nhớ đặc biệt về hợp tác lao động (31/12/2013, 10/4/2014) và ký lại Bản ghi nhớ thông thường (17/5/2016) trên cơ sở coi trọng quan hệ và đánh giá ta đã áp dụng nhiều biện pháp chống trốn hiệu quả. Đến cuối năm 2015, ta đã đưa khoảng 103.000 lượt lao động theo diện EPS sang Hàn Quốc.
4. Hợp tác du lịch:
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Năm 2015, số du khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 1,13 triệu lượt người (lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 triệu lượt). Trong 11 tháng đầu năm 2016, trên 1,38 triệu lượt du khách Hàn Quốc đã tới Việt Nam, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện trung bình mỗi tuần có hơn 100 chuyến bay trực tiếp Việt Nam - Hàn Quốc.
5. Về hợp tác tư pháp: Quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Hàn Quốc được triển khai từ năm 2002. Dự án Tăng cường năng lực Trường Cán bộ tòa án (nay là Học viện Tòa án) là dự án hợp tác nổi bật nhất; nhằm đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, cán bộ Tòa án, đào tạo nâng ngạch các chức danh trong hệ thống Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án. Dự án đã thực hiện 02 giai đoạn. Trong giai đoạn I, Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Tòa án Tối cao Hàn Quốc và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA) đã hỗ trợ xây dựng Trường Cán bộ Toà án (quy mô 5 ha tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) với tổng kinh phí 3 triệu USD. Ngày 18/7/2012, Trường Cán bộ Tòa án khánh thành giai đoạn I. Trong giai đoạn II, Hàn Quốc đã viện trợ 9,8 triệu USD; cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho Trường Cán bộ Tòa án. Trường được nâng cấp lên thành Học viện Tòa án trực thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) vào ngày 30/7/2015; khánh thành Dự án giai đoạn II vào ngày 4/7/2016. Hiện TANDTC đã gửi KOICA đề xuất Dự án giai đoạn III (2017 - 2020) về các cấu phần để tăng cường năng lực cho Học viện Tòa án, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng mở rộng quy mô.
6. Hợp tác giáo dục:
Hai nước đã ký Hiệp định văn hoá (8/1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch (10/2008) cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Năm 2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Ngày 16/02/2016, Bộ Giáo dục đào tạo và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học.
7. Hợp tác nông nghiệp:
Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình Nông thôn mới, nổi bật nhất là Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị và Lào Cai. Thỏa thuận hợp tác về Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị được ký kết ngày 19/5/2012, chính thức triển khai từ 06/2/2015 tại 07 xã thuộc tỉnh Quảng Trị, tổng mức đầu tư đạt 11,6 triệu USD (Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại 9,67 triệu USD; Việt Nam cung cấp 1,93 triệu USD vốn đối ứng). Chương trình hạnh phúc tại Lào Cai được khởi động từ 10/02/2015; tổng vốn đầu tư đạt 31 triệu USD (Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại 14 triệu USD, Việt Nam cung cấp 17 triệu USD vốn đối ứng); gồm 04 hợp phần (phát triển cộng đồng, tăng cường năng lực cho nhân viên y tế, phát triển giáo dục, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và công chức).
8. Hợp tác khoa học kỹ thuật:
Năm 1995, Việt Nam – Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ. Trong lĩnh vực công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam – Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận hợp tác (tháng 6/2010). Dự án Vườn ươm công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành ngày 14/11/2015, chuẩn bị đón 11 doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư, sản xuất. Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST), nhất là khâu tuyển chọn đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua việc trao đổi cán bộ, thông tin, đào tạo cán bộ theo các chương trình đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Trung tâm đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPTI), hợp tác trong lĩnh vực tự động hóa quản lý sở hữu trí tuệ, thực thi quyền và các vấn đề liên quan đến Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT). Về năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (3/2007).
9. Về giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương:
Hiện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có khoảng 140.000 người và Hàn Quốc có cộng đồng 130.000 kiều dân tại Việt Nam, đại bộ phận là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tích cực phối hợp với các đối tác Hàn Quốc (Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc, Cơ quan Thanh niên Hàn Quốc, Ủy ban thanh niên phía Nam Seoul, Hội đồng Quốc gia về các tổ chức thanh niên Hàn Quốc) nhằm duy trì các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn (Trại hè thanh niên vì tương lai Châu Á, Chương trình giao lưu thanh niên ASEAN – Hàn Quốc, Diễn đàn thanh niên tiên phong ASEAN – Hàn Quốc, Chương trình giao lưu thanh thiếu niên Việt Nam – Hàn Quốc)
Hơn 40 tỉnh, thành, địa phương của hai nước đã ký kết và đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác (kèm phụ lục danh sách các cặp địa phương). Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, làm việc tại nước kia.
Tháng 12 năm 2016