Hội Việt Nam - Trung Quốc

Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc hiện có 75 hội viên. 
Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2016-2021
1. Ông Trần Quốc Thẻo - Chủ tịch (Phó Trưởng ban Dân tộc)
2. Ông Kha Thành Phát - Phó Chủ tịch
3. Ông Lâm Diệu Quang - PCT
4. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thư ký
5. Ông Hứa Nghiệp Hồng - Uỷ viên
6. Ông Trần Văn Tiếp- Uỷ viên
7. Ông Nguyễn Văn Sơn- Uỷ viên
8. Ông Phạm Văn Lực- Uỷ viên

--
I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ TRUNG QUỐC
1. Giới thiệu chung
- Tên nước:     Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (The People's Republic of China) 
- Quốc khánh: 01/10/1949
- Thủ đô: Bắc Kinh
- Vị trí địa lý: Trung Quốc nằm ở phần nửa phía Bắc của Đông bán cầu; phía Đông Nam đại lục Á - Âu, phía Đông và giữa Châu Á, phía Tây của Thái Bình Dương. Trung Quốc có đường biên giới chung với 14 nước gồm: Nga, Mông Cổ (phía Bắc); Kazakhstan, Kirgistan, Tajikistan (phía Tây); Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Butan (phía Tây Nam); Myanmar, Lào, Việt Nam (phía Nam); Triều Tiên (phía Đông).
- Diện tích: 9,6 triệu km2 
- Dân số: 1,37 tỷ người (cuối 2015), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,52%, trong đó dân số thành thị 771 triệu, chiếm 56,1%, dân số nông thôn khoảng 603 triệu, chiếm 43,9%.
- Dân tộc: Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó dân tộc Hán chiếm đa số (94%), 55 dân tộc thiểu số khác chiếm 6% dân số và sinh sống phân bố trên 50 - 60% diện tích cả nước.
- Hành chính: gồm 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh (trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương, 22 tỉnh và 5 khu tự trị), 02 Đặc khu hành chính (Hồng Công, Ma Cao). Bốn cấp hành chính gồm tỉnh, địa khu, huyện, xã.
- Tôn giáo: 04 tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo.
- Ngôn ngữ: Tiếng Hán phổ thông lấy âm Bắc Kinh làm tiêu chuẩn.
2. Thể chế chính trị
- Thể chế nhà nước: Hiến pháp Trung Quốc quy định, CHND Trung Hoa là nhà nước Xã hội chủ nghĩa của nền chuyên chính nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh công - nông làm nền tảng; chế độ Xã hội chủ nghĩa là chế độ cơ bản; chuyên chính nhân dân là thể chế của nhà nước. 
Cơ cấu Nhà nước bao gồm: Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), Chủ tịch nước, Quốc Vụ viện (Chính phủ), Ủy ban Quân sự Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ở địa phương: Đại hội Đại biểu Nhân dân (HĐND), Chính quyền và Toà án, Viện Kiểm sát các cấp.
- Đảng cầm quyền: Là Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành lập 01/7/1921). Tính đến cuối 2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc có khoảng 88,75 triệu Đảng viên. Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 376 Ủy viên (205 chính thức và 171 dự khuyết); Bộ Chính trị gồm 25 người, trong đó có 7 Ủy viên Thường vụ; Ban Bí thư Trung ương có 7 người.
Ngoài Đảng Cộng sản, Trung Quốc còn có 8 đảng phái khác, đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong khuôn khổ “hợp tác đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Các đảng phái này bao gồm: Hội Cách mạng Dân chủ, Liên minh Dân chủ, Hội Kiến quốc dân chủ, Hội Xúc tiến dân chủ, Đảng Dân chủ công nông, Đảng Chí công, Cửu tam học xã và Đồng minh tự trị dân chủ Đài Loan.
Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân (Chính hiệp) là tổ chức chính trị - xã hội rất quan trọng của Trung Quốc, có chức năng, vai trò tương tự như Mặt trận Tổ quốc của ta. 
- Lãnh đạo chủ chốt: 
+ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương: Tập Cận Bình 
+ Thủ tướng Quốc Vụ viện: Lý Khắc Cường 
+ Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội): Trương Đức Giang 
+ Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân (Chủ tịch Chính hiệp): Du Chính Thanh
3. Tình hình kinh tế - xã hội
-  Mục tiêu chiến lược và các bước phát triển của Trung Quốc
Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) xác định mục tiêu chiến lược phát triển đất nước với lộ trình 2 bước: (i) đến năm 2020 “hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, với tổng lượng GDP và thu nhập bình quân đầu người đều tăng gấp đôi so với năm 2010”; (ii) đến năm 2049 “xây dựng thành công nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa”. Để thực hiện mục tiêu này, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng thể xây dựng trên 5 phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái; tiếp tục khẳng định kiên trì lấy “xây dựng kinh tế làm trung tâm” với nhiệm vụ chính là đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi phương thức phát triển và điều chỉnh cơ cấu kinh tế.
Ngay sau Đại hội 18, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi toàn dân phấn đấu thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với 2 mục tiêu 100 năm nhằm phục hưng dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh. Đồng thời đến tháng 3/2015, đưa ra khái niệm “Bốn toàn diện” (Hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả; Đi sâu cải cách toàn diện; Quản lý toàn diện đất nước theo pháp luật; Quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện), coi đây là bản “cương yếu tổng quan” về quản trị đất nước, định hướng nhiệm vụ phát triển của Trung Quốc thời gian tới.
Tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa 12 (3/2016), Trung Quốc đã thông qua “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020)”, xác định mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chiến lược xây dựng toàn diện xã hội khá giả đúng thời hạn vào năm 2020 với 7 nội dung cụ thể: (i) Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình cao; GDP tăng trưởng trung bình trên 6,5%/năm, đảm bảo tổng GDP và mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt 90.000 tỷ NDT (khoảng 13.889 tỷ USD ); (ii) Tăng cường vai trò dẫn dắt của sáng tạo, nâng mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ lên 2,5% GDP, khoa học công nghệ đóng góp cho tăng trưởng đạt 60%; (iii) Thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, nâng cao chất lượng đô thị hóa, đi sâu cải cách mở cửa và ưu hóa cơ cấu xuất nhập khẩu; (iv) Nâng cao chất lượng và mức sống của người dân; (v) Nâng cao chất lượng dân số và trình độ văn minh xã hội; (vi) Cải thiện tổng thể môi trường sinh thái, thúc đẩy hình thành phương thức sống và sản xuất xanh, thân thiện với môi trường; (vii) Hoàn thiện và ổn định các thể chế và kỹ năng quản trị đất nước.
Năm 2016, Trung Quốc xác định mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%; chỉ số CPI tăng khoảng 3%; tạo thêm trên 10 triệu việc làm ở thành thị, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4,5%; xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định trở lại; cán cân thanh toán quốc tế cơ bản cân bằng; mức tăng thu nhập của người dân cơ bản ngang bằng với tốc độ phát triển kinh tế; mức tiêu thụ năng lượng trên đơn vị GDP giảm trên 3,4%; lượng phát thải các chất gây ô nhiễm chủ yếu tiếp tục giảm.
-  Khái quát tình hình phát triển Trung Quốc hiện nay 
Sau 38 năm tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng lên rõ rệt. Kinh tế tăng trưởng cao liên tục, trong 30 năm đầu cải cách mở cửa, bình quân hàng năm luôn đạt mức 9-10%, quy mô kinh tế lần lượt vượt qua Đức (năm 2008), Nhật (năm 2010) vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ, được mệnh danh là “công xưởng thế giới”. Năm 2015, tổng giá trị GDP đạt 67.700 tỷ NDT (khoảng 10.800 tỷ USD), tăng 6,9%; GPD tính theo đầu người khoảng 8.016 USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 21.966 NDT (3.384 USD). Trung Quốc hiện đứng hàng đầu thế giới về thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (năm 2015, ngoại thương đạt hơn 3.960 tỷ USD); thu hút FDI thực tế đạt 135 tỷ USD; đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ODI đạt 145 tỷ USD. 6 tháng đầu năm và quý III/2016, GDP Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng 6,7%; xuất nhập khẩu tiếp tục giảm , xuất siêu đạt 307,54 tỷ USD, tăng 2,6%; mức tăng đầu tư tài sản cố định thu hẹp (9 tháng đầu năm chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ).
Khoa học kỹ thuật của Trung Quốc thời gian qua phát triển vượt bậc, nhất là trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, vật liệu mới, hải dương học, kỹ thuật quân sự (chế tạo thành công tàu lặn chở người xuống độ sâu trên 7.000m, tàu vũ trụ đưa người lên quỹ đạo Trái đất, tàu thám hiểm Mặt trăng, modul trạm không gian, vệ tinh ứng dụng, hệ thống siêu máy tính nhanh nhất thế giới và nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại). Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng, trong đó đường sắt cao tốc rất phát triển với tổng chiều dài lên tới gần 20.000 km (chiếm hơn 60% tổng chiều dài đường sắt cao tốc toàn thế giới); tổng chiều dài đường bộ cao tốc đạt trên 120.000 km. Văn hoá, giáo dục được đầu tư mạnh (đều xấp xỉ 4% GDP) và đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế từ năm 2012 bắt đầu chậm lại, năm 2014 GDP chỉ đạt 7,4%, năm 2015 giảm còn 6,9% (mức thấp nhất từ năm 2009 đến nay), 6 tháng đầu năm 2016 giảm còn 6,7%; đồng thời từ đầu năm 2015 đến nay bộc lộ một số khó khăn nhất định như xuất nhập khẩu giảm (năm 2015 giảm 8%), hệ thống tài chính - tiền tệ xuất hiện nhiều biến động với việc thị trường chứng khoán sụt giảm sâu nhất từ trước đến nay (tháng 6/2015 giảm 30%), dự trữ ngoại hối giảm gần 800 tỷ USD từ mức xấp xỉ 4.000 tỷ cuối năm 2014 xuống 3.166 tỷ USD (cuối tháng 09/2016). Trung Quốc đã phải phá giá đồng Nhân dân tệ (gần 4,6%) và sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để hỗ trợ xuất khẩu và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, một số mặt trái khác tích tụ trong quá trình tăng trưởng nóng thời gian qua như tài nguyên dần cạn kiệt, dân số già hóa nhanh chóng và gánh nặng an sinh xã hội ngày càng lớn, khoảng cách phát triển vùng miền, chênh lệch giàu nghèo , bất bình đẳng xã hội, ô nhiễm môi trường, tệ tham nhũng và một số vấn đề tôn giáo, dân tộc… đang là những nguy cơ ảnh hưởng tới ổn định xã hội của Trung Quốc.
4. Về quan hệ đối ngoại:
Tại Đại hội 18, Trung Quốc tiếp tục khẳng định kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, “con đường phát triển hòa bình”, triển khai chính sách ngoại giao “toàn phương vị” với trọng tâm xây dựng nền ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc và đẩy mạnh ngoại giao láng giềng mới thông qua nhiều sáng kiến kết nối khu vực, nổi bật là sáng kiến “một vành đai, một con đường” (Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21) và thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB); tăng cường ngoại giao đa phương và hợp tác với các nước đang phát triển, nhất là ở khu vực Mỹ Latinh và Châu Phi.   
Với ASEAN, Trung Quốc tiếp tục xác định ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, chú trọng đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ sáng kiến “2+7” , thúc đẩy triển khai sáng kiến “một vành đai, một con đường” với ASEAN. Hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 472 tỷ USD; tính đến cuối 2015, đầu tư hai chiều đạt 150 tỷ USD. Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch thương mại với ASEAN đạt 1.000 tỷ USD. Năm 2016, ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại, hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả “Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020”.
II. QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
Từ đầu năm 2016 đến nay, quan hệ Việt - Trung tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều tiến triển mới. Tuy nhiên, tình hình trên biển vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
1. Về quan hệ chính trị
- Các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước được duy trì thường xuyên với hình thức linh hoạt. Về phía ta: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Trung Quốc, dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 và thăm Quảng Tây, Hồng Công (10 - 15/9); Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thăm Trung Quốc và dự Cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị Việt Nam - Trung Quốc (19 - 20/10); Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh dự Hội nghị cấp cao Mê Công - Lan Thương lần thứ nhất và Diễn đàn Bác Ngao tại Hải Nam (22 - 24/3); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc (11-15/12); Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội chợ Trung Quốc - Nam Á lần thứ 4 và Hội chợ Côn Minh lần thứ 24 (10 - 13/6). Về phía Trung Quốc: Ủy viên trưởng Nhân Đại Trung Quốc Trương Đức Giang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (08 - 11/11); Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Việt Nam và cùng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (26-28/6); Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn dự Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 3 tại Lạng Sơn và Bằng Tường (28 - 31/3); Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn thăm Việt Nam, dự Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm lần thứ 5 giữa hai Bộ Công an (23 - 26/9). Tại các diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tại Peru (19/11); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ (14/7); Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị cấp cao Mê Công - Lan Thương (23/3). Tại các cuộc gặp, hai bên nhất trí kiên trì tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.
- Quan hệ giữa hai Đảng tiếp tục được tăng cường, lần đầu tiên tiến hành Cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị, hai bên duy trì truyền thống tốt đẹp cử Đặc phái viên của Tổng Bí thư sang thăm và chuyển Thông điệp của Tổng Bí thư hai Đảng nhân dịp Đại hội XII của Đảng ta. Quan hệ hợp tác giữa các Bộ, ngành tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong các lĩnh vực công an, quốc phòng, ngoại giao, an ninh, thực thi pháp luật. Giao lưu hữu nghị giữa các địa phương diễn ra sôi động, góp phần tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên. 
- Phía Trung Quốc tích cực đáp ứng đề nghị của ta trong việc tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng để hỗ trợ khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay CASA-212 của Cảnh sát biển Việt Nam bị mất tích tại Vịnh Bắc Bộ; Hội chữ thập đỏ Trung Quốc viện trợ 100.000 USD để khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung.
2. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư có tiến triển mới: 
- Về thương mại: Kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng, nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc có xu hướng giảm: Theo thống kê của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương 11 tháng đầu năm 2016 đạt 64,25 tỷ USD, tăng 6,08% so với cùng kỳ; trong đó Việt Nam xuất khẩu 19,61 tỷ USD, tăng 26,7%; nhập 44,63 tỷ USD, giảm 1%; nhập siêu 25,02 tỷ USD, giảm 18,3%. 
- Về đầu tư: Tính đến tháng 11/2016, Trung Quốc có 1.530 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,13 tỷ USD, đứng thứ 8/114 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
- Về du lịch: Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2016 có 2,48 triệu lượt du khách Trung Quốc đi Việt Nam, tăng 53,9% so với cùng kỳ.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (9/2016) hai bên nhất trí nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực cải thiện hơn nữa tình trạng mất cân bằng thương mại hai nước; ủng hộ doanh nghiệp hai bên đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các dự án hợp tác liên quan giữa hai bên; khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các dự án phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, giao thông vận tải; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch; ủng hộ giao lưu hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh/khu biên giới. 
3. Tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Hai bên đã tiến hành Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (17 - 21/01) và Hội nghị tổng kết 05 năm triển khai 03 văn kiện về biên giới trên đất liền (24 - 25/5/2016 tại Quảng Tây), trao đổi về công tác quản lý biên giới, giữ gìn trật tự trị an, thúc đẩy thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khu vực biên giới hai nước; hai bên tiếp tục tiến hành tuần tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ lần thứ 11 (19 - 23/4).
4. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhiều lần đi sâu trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hai bên đã tiến hành đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ (11-14/12 tại Bắc Kinh) và 02 vòng đàm phán Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, hoàn thành khảo sát chung trên thực địa vùng biển khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ (15/4)./.

Tháng 12 năm 2016

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây