Di tích Chìa Khóm

Thứ hai - 01/03/2021 14:15
Di tích Chìa Khóm
Một góc Khu di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ.
Một góc Khu di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ.
Từ thành phố Vị Thanh, theo Quốc lộ 61 về hướng Kiên Giang, đến xã Tân Tiến rẽ trái khoảng 8km là đến khu di tích. “Di tích Chìa Khóm” là cách người dân quanh đây quen gọi, chứ tên “sách vở” là Di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (1965-1968).
Tỉnh ủy Cần Thơ thời chống Mỹ đã đặt cơ quan Tỉnh ủy ở nhiều nơi, nhưng có 2 nơi đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng, tạo bước ngoặt lịch sử là Căn cứ Tỉnh ủy Bà Bái, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (trong khoảng thời gian từ năm 1972-1975) và Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (trong khoảng thời gian từ năm 1965-1968). Vào thời điểm năm 1965, địch đưa quân càn quét quy mô lớn, dùng trực thăng, soi đèn bắn phá, máy bay ném bom giết dân và phá vườn tược ở vùng căn cứ giải phóng Phụng Hiệp, Vị Thanh. Trước tình hình đó, Khu ủy chỉ thị cho Tỉnh ủy Cần Thơ chọn địa bàn xây dựng căn cứ để đứng chân lãnh đạo, chỉ đạo đánh bại âm mưu bình định của giặc. Với địa hình phức tạp, sình lầy, địch khó càn quét, nhưng giao thông lại thuận lợi liên hệ với Khu ủy, nên đã chọn nơi này là một trong 2 địa điểm để xây dựng căn cứ. Căn cứ này chỉ cách Tỉnh lỵ Chương Thiện của Mỹ - ngụy khoảng 15km và nằm trên trục giao thông thủy, tàu chiến của địch thường xuyên qua lại, nhưng suốt 3 năm, từ năm 1965-1968, địch không biết và chưa có lần nào đánh vào đây. Bởi đây là căn cứ trong lòng dân, được dân che chở, đùm đọc, nên mới tồn tại và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử suốt thời gian chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
 Năm 2000, nơi đây được đầu tư xây dựng, trở thành điểm đến để lưu giữ và giới thiệu đến một giai đoạn lịch sử hào hùng của quân và dân Cần Thơ đã kiên cường bám trụ, cùng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc. Di tích có khuôn viên rộng, thoáng mát, được bao bọc bởi những rẫy khóm bạt ngàn, tạo ấn tượng khó quên, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, khuôn viên khá rộng, khoảng 3.000m2, gồm nhà truyền thống, thư viện và khoảng sân rộng để tổ chức hoạt động nhân những dịp lễ. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân địa phương, là nơi tìm về của những người từng hoạt động ở đây tìm về và là nơi để đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tổ chức những chuyến về nguồn để hiểu về truyền thống hào hùng, thêm yêu quý nền độc lập hiện tại đã đánh đổi bao xương máu của dân tộc, để ra sức học tập và rèn luyện, góp công sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, xứng đáng với thế hệ cha ông…
Người dân ở đây quen gọi là di tích Chìa Khóm. Bởi đây là vùng có nhiều người Hoa sinh sống và trồng toàn khóm, “Chìa” tiếng Hoa có nghĩa là ăn, Chìa Khóm có nghĩa là về đây ăn khóm. Từ hai chữ đơn giản, nhưng đã thể hiện được nét riêng khó hòa lẫn của vùng đất này. Đến đây, ngoài việc thăm và tìm hiểu về di tích lịch sử, du khách còn thưởng ngoạn những rẫy khóm mút tầm mắt, tìm hiểu về cuộc sống của những cư dân trồng khóm, cách thức chăm sóc khóm đồng thời thưởng thức những món ăn ngon từ khóm. Nơi đây đã được tỉnh chọn xây dựng thành vùng du lịch cộng đồng để du khách có thể tìm đến thâm nhập và cuộc sống lắm gian nan nhưng cũng đầy thú vị của người dân trồng khóm.
Đến đây một lần, du khách sẽ khám phá được nhiều điều thú vị, làm dày thêm hành trang khám phá đất và người Việt Nam nói chung, Hậu Giang nói riêng.
 
 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây