“Chị Thư có nhà không, ra nhận hồ sơ”. Đang trong bếp, nghe có tiếng người gọi, chị Trần Thị Thư, ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành ra mở cửa, bất ngờ khi thấy nhân viên bưu điện trao phong bì, bên ngoài ghi “Người gửi: Sở Tư pháp”.
Buông lời cảm ơn bưu tá, chị Thư nói: “Nhanh quá, mới 9 ngày đã nhận được phiếu lý lịch tư pháp rồi!”.
Nhận - xử lý - trả kết quả hồ sơ hành chính ở Hậu Giang bây giờ như vậy nhiều lắm hoặc chí ít cũng là những hướng dẫn có đầy đủ trên dichvucong.haugiang.gov.vn. Công dân cần gì có thể tham khảo và thực hiện đúng hướng dẫn, coi như hoàn thành bộ hồ sơ cần thiết…
25% hồ sơ nộp trực tuyến
Theo chị Thư, để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, chị vào dichvucong.haugiang.gov.vn tìm đến thủ tục phiếu lý lịch tư pháp là được hướng dẫn cặn kẽ các bước từ điền mẫu đơn đến chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ bản chính. Sau đó có các hướng dẫn nộp trực tuyến hay mang đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nộp trực tiếp hoặc có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện.
“Do ở xa nên sau khi điền đầy đủ thông tin, tôi quyết định nộp hồ sơ trực tuyến và chọn luôn dịch vụ chuyển phát kết quả giải quyết hồ sơ về tận nhà. Chi phí cùng lắm chỉ vài chục ngàn đồng, khỏi phải đi lại mất thời gian, công sức”, chị Thư kể.
Kết quả là phiếu lý lịch tư pháp của chị Thư nhanh chóng về đến nhà, nó hoàn toàn khác so với những gì người ta nghĩ đến việc bỏ công đi làm giấy ở cơ quan công quyền.
Hồi đầu tháng 10-2020, anh Nguyễn Việt Hà, ở phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh (Sở Công thương tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 4). Anh Hà thực hiện các bước đăng ký, hoàn thành, gửi thủ tục hồ sơ qua địa chỉ cổng dịch vụ công của tỉnh.
“Tôi còn có thể kiểm tra quy trình giải quyết qua app Hậu Giang và nhận kết quả trực tiếp ngay tại nhà; không còn mất nhiều thời gian, công sức đến tận cơ quan hành chính như trước kia. Giờ đây, chính quyền và người dân đã kết nối với nhau bằng công nghệ thông tin hiện đại”, anh Hà cho hay.
Liên tục nỗ lực hoàn thiện nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một chất lượng, hiệu quả, thân thiện hơn, Hậu Giang đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp, đạt được những kết quả ấn tượng. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả tích cực trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, việc ứng dụng công nghệ thông tin đề nghị giải quyết hồ sơ hành chính đã dần trở thành thói quen đối với nhiều người dân tỉnh nhà. Nếu thời điểm cuối năm 2016, khi dịch vụ công mức độ 3 được đưa vào triển khai, số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay chiếm khoảng 25% tổng số hồ sơ đơn vị tiếp nhận mỗi năm.
Tính đến tháng 12-2020, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã cung cấp 370 thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4, chiếm 20% tổng số thủ tục hành chính. Với tỷ lệ trên, người dân và doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Trên Cổng thông tin Dịch vụ hành chính công của tỉnh, người dân có thể tra cứu thông tin tất cả các thủ tục hành chính đang có hiệu lực, tự thiết lập tài khoản đăng nhập cho mình, tự tạo hồ sơ điện tử và nộp cho bất kỳ cơ quan hành chính nào muốn giao dịch.
Đặc biệt, với các dịch vụ công mức độ 4, người dân có thể thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính của từng hồ sơ bằng tài khoản ngân hàng, e-banking, ví điện tử, các loại thẻ thông dụng... mà không cần trực tiếp đến cơ quan hành chính hoặc ngân hàng. Kết quả giải quyết hồ sơ sẽ được dịch vụ bưu chính công ích chuyển đến tận nhà nếu công dân có nhu cầu.
Nói thêm về sự minh bạch, ông Lê Thanh Tâm nhấn mạnh, mọi thông tin chi tiết về hồ sơ luôn được công khai trên Cổng thông tin Dịch vụ hành chính công của tỉnh và cung cấp cho người dân qua tài khoản đã đăng ký, qua email, tin nhắn điện thoại di động và ứng dụng Hậu Giang.
Sớm thành công trong kiến tạo nền hành chính hiện đại
Để hội nhập với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những năm gần đây, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Hậu Giang có sự chuẩn bị cho nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin tương đối cơ bản.
Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng chính quyền điện tử về quản lý, vận hành, tích hợp dữ liệu, mạng máy tính; mạng diện rộng kết nối thống nhất các sở, ngành, địa phương đến cấp xã, kết nối liên thông văn bản 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã)… Đến nay, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết và được số hóa trên môi trường mạng đã làm thay đổi căn bản cách thức tương tác với người dân, doanh nghiệp; giúp giảm trên 40% thời gian và số lần đi lại, giao dịch cho người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm rất lớn chi phí xã hội.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Trong xu thế chung Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình quản trị nhà nước sẽ hướng đến các giá trị như mở rộng sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng một nền hành chính có trách nhiệm và minh bạch, Hậu Giang đang từng bước hướng đến việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền điện tử. Trong đó, lấy ứng dụng công nghệ thông tin làm nền tảng để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những dịch vụ tiện ích, không phụ thuộc thời gian, không gian và có thể đáp ứng yêu cầu của công dân một cách tức thời.
Hiện thực hóa những nội dung này, hàng loạt các nhiệm vụ, dự án, ý tưởng liên quan đến công nghệ thông tin được triển khai rộng khắp trên địa bàn. Đó là triển khai hệ thống thư điện tử; ứng dụng cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; xây dựng và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của tỉnh; hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; ứng dụng app Hậu Giang, hệ thống quản lý văn bản điều hành… Từ đó, từng bước thay đổi phương thức quản lý của chính quyền và tạo cầu nối hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội đã ký kết hợp tác triển khai hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin. Trong đó, ưu tiên triển khai công nghệ mới, mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ mạng viễn thông và internet; xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh đã xác định… Hơn hết là với sự ra đời của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (tháng 10-2020) và Ứng dụng di động Hậu Giang (tháng 7-2020) đã đánh dấu bước ngoặc trong sự phát triển số tỉnh nhà.
Ông Hồ Viết Quang Thạch, Trưởng phòng Dự án Trung tâm Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện của nhóm xây dựng, phát triển ứng dụng Hậu Giang, cho biết: Hiện nay người dân có điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android và iOS, dù ở trong hay ngoài tỉnh đều có thể cài đặt app Hậu Giang. Ứng dụng như một kênh ghi nhận phản ánh nhanh và tiện lợi nhất cho mọi người với nhiều tiện ích nổi bật như phản ánh hiện trường, thông tin chính quyền, dịch vụ công, tập huấn trực tuyến…
“App Hậu Giang được tích hợp nhiều tính năng bên trong, với thông tin, nội dung phục vụ người dân. Cán bộ, công chức, viên chức còn có thể trao đổi thông tin với nhau thông qua ứng dụng Hậu Giang như ứng dụng của các mạng xã hội khác đang sử dụng thông dụng hiện nay”, ông Thạch thông tin thêm.
Nỗ lực, quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử sẽ là chìa khóa sớm giúp Hậu Giang đáp ứng yêu cầu và bắt kịp xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và Hậu Giang sẽ nhanh chóng thành công trong việc kiến tạo một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, củng cố hơn sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp...
Với xuất phát điểm thấp, không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên so các địa phương khác trên cả nước, do đó để tạo sự chuyển biến đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Hậu Giang phải tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh khác. Hiện thực hóa điều này, tỉnh chọn xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, đây là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Để tạo sự đồng bộ trong ứng dụng công nghệ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị hoàn thiện các hệ thống thông tin, đặc biệt là Cổng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh, tăng tốc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. |