Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu chiến lược "8G" phát triển ĐBSCL
Chủ nhật - 14/03/2021 15:32
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu chiến lược "8G" phát triển ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ "8G" để dễ vận dụng trong thực tiễn. Đây là những quan điểm chiến lược chưa được nêu trong Nghị quyết 120 trước đó.
Hôm nay (13/3), tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo các báo cáo, ý kiến tại hội nghị, thời gian qua, kinh tế vùng ĐBSCL liên tục có mức tăng trưởng cao, cụ thể năm 2018 đạt 7,8%, năm 2019 đạt 7,22%.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực (GRDP đạt 2,38%) góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020.
Để có kết quả này, giai đoạn 2016-2020, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước dành gần 200 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư toàn quốc từ NSNN, cao hơn nhiều so với mức 12% của giai đoạn 2011-2015. Nguồn ODA là 22 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL đã thực hiện xoay trục chiến lược từ sản xuất lúa - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây - lúa. Lần đầu tiên các đặc sản vùng ĐBSCL như thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm…được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia...
Từ đó, đời sống của người dân ĐBSCL từng bước cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 40 triệu đồng, đến năm 2019 là 54 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 57 triệu đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý kiến của các đại biểu dành cho vùng đất ĐBSCL trước nỗi trăn trở về sự phát triển cũng như những tác động của biến đổi khí hậu.
Về các kết quả trong đầu tư phát triển ĐBSCL thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các đại biểu "không được kể công" bởi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm. Đây chỉ những kết quả đã đạt được trên chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải làm.
Thủ tướng chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ "8G" để dễ vận dụng trong thực tiễn. Đây là những quan điểm chưa được nêu trong Nghị quyết 120.
Thủ tướng cũng đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với sự phát triển vùng ĐBSCL với 8 nội dung có các từ khóa đều bắt đầu bằng chữ G. Chữ G đầu tiên là Giao thông, phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống cao tốc, tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân…làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu. Chữ G thứ hai là Giáo dục, đây vừa là "chìa khóa vàng" của phát triển bền vững, vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn.
ĐBSCL phải đảm bảo tất cả trẻ em đều được học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì không có điều kiện tài chính.
Người dân phải được đảm bảo có cơ hội tiếp cận giáo dục nghề, việc làm cơ bản. Ngoài ra, người dân cần được tiếp cận giáo dục trình độ cao, để giúp tăng thu nhập. Chữ G thứ ba là giang, tức là con sông - hình ảnh mang đậm chất văn hóa miền Tây. Chiến lược phát triển ĐBSCL cần tận dụng lợi thế và vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản. Chữ G thứ tư là Gắn, tức gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân với doanh nghiệp, trong nước và các tổ chức quốc tế, nhất là thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL. Chữ G thứ 5 là Giàu, đó là cần tiếp tục thu hút người giàu, người khá giả đến đầu tư, làm ăn, sinh sống tại vùng. Muốn vậy các địa phương trong vùng phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện sống thuận lợi. Chữ G thứ 6 là Giỏi, vùng cần có chính sách để thu hút được các nhân tài đóng góp trí tuệ đối với sự phát triển của vùng đất "chín rồng". Chữ G thứ 7 là Già, chính là thách thức của già hóa dân số ở ĐBSCL, bởi tốc độ già hóa dân số ở vùng cao hơn bình quân chung cả nước và dân số già dễ bị tổn thương về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó vùng cần có chính sách chủ động cho vấn đề này, hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn. Chữ G thứ 8 là Giới, đó là phải thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ.
Bởi sự phát triển của khoa học công nghệ, ở một góc độ nào đó, đe dọa đến cơ hội việc làm cho phụ nữ. Do đó cần có chiến lược để đảm bảo phụ nữ được giáo dục và tiếp cận việc làm.