Nhiều đề xuất hỗ trợ nông dân, phát triển ngành cà phê Việt Nam

Chủ nhật - 12/05/2024 22:28
Nhiều đề xuất hỗ trợ nông dân, phát triển ngành cà phê Việt Nam
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (phải) tiếp bà Caroline Glowka, Quản lý Thành viên & Quan hệ Đối tác của tổ chức Diễn đàn Cà phê Toàn cầu, ngày 10/5 tại Hà Nội. (Ảnh: Đinh Hòa)
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (phải) tiếp bà Caroline Glowka, Quản lý Thành viên & Quan hệ Đối tác của tổ chức Diễn đàn Cà phê Toàn cầu, ngày 10/5 tại Hà Nội. (Ảnh: Đinh Hòa)
Đây là nội dung chính trong cuộc làm việc của ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với đại diện tổ chức Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (Global Coffee Platform – GCP), ngày 10/5 tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, bà Caroline Glowka, Quản lý Thành viên & Quan hệ Đối tác của tổ chức GCP nói: Việt Nam là một trong những vùng sản xuất cà phê quan trọng trên thế giới. Nhờ có sự hỗ trợ, phối hợp, đồng hành của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các đối tác Việt Nam, dự án do GCP triển khai tại Tây Nguyên đã đạt được nhiều bước tiến, bao gồm: nâng cao kiến thức cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hạt cà phê, tăng thu nhập cho nông dân…

Bà Caroline Glowka cho biết sẽ chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án tại Việt Nam nhằm nhân rộng mô hình này tại các quốc gia thành viên khác của tổ chức.

Bà Lauren Weiss, Quản lý Các quốc gia & Quan hệ Đối tác của GCP mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban điều phối viện trợ nhân dân PACCOM (đơn vị thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) và các đối tác Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động gây quỹ.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 3% GDP cả nước. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 4,24 tỷ USD. Hạt cà phê Việt Nam được đánh giá tốt về chất lượng, tuy nhiên quy trình xử lý, chế biến còn hạn chế. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt thô sang các nước chế biến cà phê, do đó người tiêu dùng ít biết đến thương hiệu cà phê Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng mong muốn tổ chức GCP đẩy mạnh hợp tác với nông dân, doanh nhân, chính quyền địa phương, chính phủ nhằm hỗ trợ đưa thương hiệu cà phê Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng quốc tế. Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đề xuất tổ chức GCP tiếp tục trao đổi thông tin; chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện, mô hình sản xuất, phân phối cà phê hiệu quả, bền vững trên thế giới đến nông dân, đối tác Việt Nam.

Diễn đàn Cà phê Toàn cầu được thành lập năm 2016 tại Thụy Sĩ. Đây là hiệp hội nhằm nâng cao tính bền vững của ngành cà phê. Các thành viên của hiệp hội bao gồm các nhà sản xuất cà phê; nông dân; đơn vị rang xay, chế biến; đơn vị kinh doanh cà phê; các hiệp hội; nhà tài trợ; các quốc gia.

Năm 2023, tổ chức nhận bằng khen của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vì có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, an sinh, xã hội của Việt Nam.

Tác giả bài viết: Hồng Anh

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây