Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Việt Nam - Campuchia có quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị truyền thống và láng giềng tốt đẹp. Trải qua hơn nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao, Việt Nam - Campuchia vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp, đi vào chiều sâu và thực chất, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Qua đó, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Tại Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch” cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá, dù còn những khó khăn nhất định nhưng Việt Nam - Campuchia, với vai trò cầu nối của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cùng các bên liên quan đã không ngừng nỗ lực, kết nối, thúc đẩy cho quan hệ hợp tác VHTTDL giữa hai quốc gia đạt thêm nhiều kết quả đáng khích lệ.
Các sự kiện lớn như Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia, đoàn Việt Nam tham gia SEA Games 32 tại Campuchia năm 2023, các chương trình trao đổi hợp tác du lịch... luôn được hai bên hỗ trợ, phối hợp và tổ chức thành công. Thông qua các hoạt động này, công tác quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hoá, con người Việt Nam tại Campuchia và ngược lại không ngừng được đẩy mạnh; góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Đặc biệt, các hoạt động đã góp phần gắn kết mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và tình cảm láng giềng giữa nhân dân hai nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, quan hệ hợp tác VHTTDL Việt Nam - Campuchia đã có những bước phát triển tốt đẹp trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Hai nước thường xuyên phối hợp, tổ chức những sự kiện văn hoá, nghệ thuật chất lượng cao; góp phần tăng cường giao lưu nhân dân, tạo nền tảng vững chắc nhằm tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Đại sứ cho hay, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, Việt Nam - Campuchia đã tăng cường trao đổi thông tin, đẩy mạnh hợp tác văn hoá; coi văn hoá là nguồn tài nguyên phát triển du lịch. Nhờ đó, lượng khách Campuchia đến Việt Nam đang tăng trưởng và dần lấy lại đà phát triển như trước thời điểm đại dịch xảy ra. Cùng với đó, ngày càng có nhiều khách Việt Nam đến Campuchia để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của xứ sở Chùa Tháp. Đây là thành tựu đáng kể trong quan hệ hợp tác VHTTDL giữa hai nước trong những năm trở lại đây.
Đối với thể thao, Đại sứ thông tin hai nước đã, đang thường xuyên phối hợp tổ chức các sự kiện thể thao giao hữu, giúp các VĐV được thi đấu cọ sát, học hỏi kinh nghiệm thi đấu. Từ đó, góp phần nâng cao thành tích tại đấu trường khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn tới, Đại sứ mong muốn Việt Nam - Campuchia sẽ tăng cường hợp tác VHTTDL. Trong đó, việc trao đổi thông tin về những sản phẩm văn hoá cần được thúc đẩy. Các sự kiện ngoại giao văn hoá, giao lưu nhân dân giữa hai nước cần được tổ chức thường xuyên hơn. Đại sứ đề xuất Bộ VHTTDL nghiên cứu, sớm tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Campuchia để người dân nơi đây có cơ hội được thưởng thức những bộ phim chất lượng cao của điện ảnh Việt Nam.
Ngoài ra, hai bên cần tổ chức thêm những sự kiện quảng bá du lịch, kết nối nhiều đường bay hơn để tăng lượng khách trao đổi; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Trong thể thao, Đại sứ hy vọng hai bên tổ chức thêm những sự kiện thi đấu giao hữu ở những môn như bóng đá, bóng chuyền…; tổ chức các diễn đàn để HLV hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm huấn luyện.
Xuyên suốt các buổi hội đàm, làm việc song phương, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã nhiều lần nêu rõ muốn phát triển quan hệ hợp tác chung giữa hai nước, đặc biệt là lĩnh vực VHTTDL, Việt Nam - Campuchia cần thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Chỉ ít giờ sau khi đoàn công tác của Bộ VHTTDL đến Thủ đô Phnom Penh, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với Trường Đại học Mỹ thuật Hoàng gia Campuchia.
Thứ trưởng khẳng định, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển văn hóa, nghệ thuật là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm thông qua việc ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án giúp bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật của đất nước; giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Đối với Trường Đại học Mỹ thuật Hoàng gia Campuchia, Thứ trưởng mong muốn Bộ VHTTDL Việt Nam cùng các trường, Trường Đại học Mỹ thuật Hoàng gia Campuchia thúc đẩy hợp tác. Việc đẩy mạnh hợp tác sẽ giúp các bên liên quan dễ dàng hơn trong tiếp cận với phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới; nhất là ở những bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Hợp tác đào tạo nhân lực phục vụ phát triển văn hóa, nghệ thuật cũng là nội dung được Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề cập trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia Phoeurng Sackona và Tỉnh trưởng Tỉnh Banteay Meanchey Oum Reatrey.
Thứ trưởng tiếp tục nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo về âm nhạc, múa, quản lý văn hoá, di sản, thư viện... của Bộ VHTTDL luôn chào đón sinh viên Campuchia sang theo học, trong đó có tỉnh Banteay Meanchey. Các trường của Bộ VHTTDL tại TP.HCM có đủ điều kiện để đón sinh viên Campuchia sang học tập. Các suất học bổng sẽ được cấp theo trình tự, quy định hiện hành.
Ngoài ra, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác nhân lực thông qua kết nối các cơ sở đào tạo giữa hai Bộ; tổ chức những buổi biểu diễn giao lưu, trau dồi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm cho học viên, sinh viên.
Dù đã kết thúc nhưng dư âm của hai buổi biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2024 vẫn còn đó. Với chương trình, khán giả hai nước đã cùng nhau chìm đắm trong không gian nghệ thuật, để cùng cảm nhận, yêu thương, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu này mãi mãi.
Về Campuchia, Bài ca hữu nghị Việt Nam - Campuchia... vang lên như một lời chào hữu nghị, một khúc ca đồng điệu của tình đoàn kết và sự hợp tác. Âm nhạc không chỉ là ngôn ngữ chung mà còn là cầu nối tâm hồn, thể hiện sự hiểu biết và tôn trọng giữa hai quốc gia.
Bên cạnh đó, Một vòng Việt Nam, Hồ... hồ hà hề (dân tộc Dao), Vọng khắp lử (dân tộc Lự), Phum sóc mở hội (dân tộc Khmer), Bài ca Hồ Chí Minh… đã đưa khán giả đến với những miền di sản văn hóa Việt Nam. Chương trình nghệ thuật không chỉ là một buổi biểu diễn, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về sự gắn bó, tôn trọng và thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia.
Sinh viên Oeurn Naikea, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Meanchey cho biết: “Chúng tôi luôn được các thế hệ cha anh dặn dò phải ghi nhớ công lao, sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam trong lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Dịp này, Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2024 như một lời nhắc lại về mối quan hệ anh em thân thiết giữa hai nước. Không chỉ là quảng bá văn hóa Việt Nam, chương trình nghệ thuật đã nhấn mạnh thông điệp văn hóa, nghệ thuật trở thành cầu nối gắn kết tình cảm người dân hai nước”.
Anh Nguyễn Duy Thanh, kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Phnom Penh cho hay: “Khi xem chương trình, tôi nhớ quê hương Việt Nam vô cùng. Những năm tháng ở Campuchia, những người con xa quê hương như chúng tôi luôn mong muốn được theo dõi những chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hóa đất Việt như vậy. Chương trình đã giúp lan tỏa văn hóa Việt Nam, khơi dậy lòng yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia. Tôi hy vọng sẽ sớm một lần nữa được xem nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trên đất Campuchia”.
Những tràng pháo tay vang lên rộn rã sau mỗi tiết mục của chương trình đã minh chứng rõ nét cho tình hữu nghị thân thiết cũng như tình cảm đặc biệt mà người dân Campuchia dành cho đất nước, văn hoá Việt Nam. Có thể nói, Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2024 tuy khép lại nhưng đã mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác VHTTDL giữa hai nước.
Tác giả bài viết: Theo Báo Văn Hoá
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn