Ông Thet Win nói: Những năm gần đây, các sản phẩm Việt Nam ngày càng phổ biến trên thị trường Myanmar. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar có nhiều tiềm năng hợp tác. Do đó, trong đoàn công tác của Hội hữu nghị Myanmar – Việt Nam lần này, có sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp thuộc lĩnh vực: dược phẩm, nông sản, cà phê, du lịch, năng lượng, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân sự… Các doanh nghiệp Myanmar mong muốn kết nối, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác với đối tác Việt Nam.
Theo ông Thet Win, Việt Nam là đối tác quan trọng của Myanmar. Khắc phục những khó khăn trong nước, năm 2024, Hội hữu nghị Myanmar – Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các đối tác Việt Nam.
Ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu: Việt Nam, Myanmar có tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong nhiều năm qua, Việt Nam tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác với Myanmar, đồng thời tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco)…
Ông Phan Anh Sơn mong muốn đẩy mạnh hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar sẽ tiếp tục duy trì hợp tác, sẵn sàng là cầu nối hỗ trợ Hội hữu nghị Myanmar – Việt Nam tổ chức đoàn công tác, kết nối với đối tác Việt Nam.
Cùng ngày, Hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar và Hội hữu nghị Myanmar – Việt Nam tổ chức Hội đàm và Lễ kí biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Hội đàm, ông Chu Công Phùng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar nói: Từ sau đại dịch COVID-19, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Myanmar tiếp tục phát triển. Tính đến hết năm 2023, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar đạt 2,247 tỷ USD, với 34 dự án. Việt Nam là nước đầu tư lớn thứ 7 vào Myanmar. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 688 triệu USD. Việt Nam xếp thứ 5 trong các nước ASEAN về quan hệ thương mại với Myanmar.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar mong muốn đường bay giữa Việt Nam – Myanmar sớm được nối lại, tạo thuận lợi cho hợp tác du lịch, thương mại. Ông Chu Công Phùng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thương mại, đầu tư sôi nổi tại Myanmar; đồng thời đón tiếp ngày càng nhiều đoàn doanh nghiệp Myanmar thăm và hợp tác với Việt Nam.
Theo ông Thet Win, Chủ tịch Hội hữu nghị Myanmar – Việt Nam, hợp tác thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp có đóng góp quan trọng cho quan hệ hữu nghị hai nước. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, doanh nghiệp Myanmar mong muốn học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các đối tác Việt Nam.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp Việt Nam, Myanmar gặp gỡ, kết nối, trao đổi nhu cầu, nguyện vọng hợp tác.
Dịp này, các doanh nghiệp Việt Nam, Myanmar đã kí kết 4 biên bản ghi nhớ hợp tác, bao gồm:
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà và Công ty TNHH Công nghiệp Dược phẩm FAME;
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà và Công ty TNHH Zar & Zar;
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công Công ty TNHH Liên doanh Việt Long và Công Ty TNHH Orchard;
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Công nghệ Việt Nam và Công Ty TNHH Orchard.
Tác giả bài viết: Hồng Anh - Đinh Hoà
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn