Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết năm 2022 tỉnh sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực cho phát triển bốn trụ cột của tỉnh là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang trông chờ Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vậy Hậu Giang kỳ vọng gì và đã chuẩn bị gì để đón đầu quy hoạch này?
+ Ông Đồng Văn Thanh: Trước tiên, phải khẳng định việc thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL có vai trò hết sức quan trọng trong kết nối phát triển bền vững cũng như định hướng đầu tư giữa các tỉnh, thành trong vùng. Đây cũng là cơ hội cho các địa phương tích hợp khi triển khai lập quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch vùng).
Hậu Giang thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu, cách tiếp cận và những định hướng của Quy hoạch vùng, tin tưởng rằng nó sẽ giúp ĐBSCL “cất cánh” và “phát triển đồng nhịp” với các vùng khác, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước.
Hậu Giang đã xây dựng Định hướng chiến lược phát triển, trong đó thể hiện được khát vọng của tỉnh nhưng không ngoài tổng thể của Quy hoạch vùng.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cũng ban hành Nghị quyết 04 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Nghị quyết xác định trọng tâm và xây dựng nền tảng cho phát triển giai đoạn mới cũng như thực hiện Quy hoạch vùng, chủ động và sẵn sàng tâm thế cùng vùng ĐBSCL “cất cánh” và “phát triển”.
Ông có đánh giá như thế nào về liên kết vùng ở ĐBSCL thời gian qua?
+ Phải nhìn nhận rằng vùng ĐBSCL nói chung và tiểu vùng Nam sông Hậu nói riêng có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, tương đồng về cấu trúc kinh tế và sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh. Tuy nhiên, các hoạt động liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn ít, hạ tầng còn chưa đồng bộ.
Trong đó, vấn đề đáng quan tâm là mạng lưới đường bộ. Về cơ bản, tất cả điểm chính trong vùng đều đã có kết nối đường bộ nhưng chỉ có thể coi là hệ thống kết nối cơ bản, tối thiểu, chưa mang vai trò chiến lược cho phát triển vùng. Mặt khác, chất lượng đường bộ còn kém, không đồng bộ, hệ thống đường cao tốc chưa phát triển, không có đủ ngân sách duy tu, bảo dưỡng.
Nhiều tuyến đường quốc lộ chưa đạt cấp quy hoạch, khai thác gián đoạn, dùng chung với đường địa phương. Nguyên nhân là chưa có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho vùng.
Về vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Hậu Giang có kế hoạch như thế nào, thưa ông?
+ Năm 2022 là năm thứ hai Hậu Giang thực hiện Kế hoạch năm năm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đây cũng là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng” và để thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Hậu Giang mạnh dạn đề ra một số chỉ tiêu để khi đạt được sẽ nằm trong nhóm ba tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực ĐBSCL.
Tỉnh đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ trên tất cả lĩnh vực, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng, đảm bảo phòng chống dịch, đặc biệt là dịch COVID-19; tập trung và ưu tiên nguồn lực cho phát triển bốn trụ cột của tỉnh gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
Với khẩu hiệu hành động “hai nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư và “ba tốt” là cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt, Hậu Giang lấy năm 2022 là Năm doanh nghiệp tỉnh với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Hậu Giang dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong quý II-2022.
Để phát triển hiệu quả trụ cột của tỉnh, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hậu Giang cũng sẽ tập trung nguồn lực để chuẩn bị kết nối vào hệ thống đường cao tốc quốc gia, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, đầu tư các tuyến giao thông trọng yếu tại các đô thị, khu vực có tiềm năng, lợi thế để khai thác quỹ đất có hiệu quả.
Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu đến ngày 31-12 tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% kế hoạch trở lên. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo tốt công tác an sinh và trật tự an toàn xã hội...
Về phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao, hiện nay Hậu Giang đã triển khai đến đâu, thưa ông?
+ Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tỉnh tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển các mô hình kinh tế tập thể gắn với phát triển chuỗi cung ứng nông sản và chế biến.
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, lựa chọn và tập trung đầu tư, hỗ trợ 15 mô hình hợp tác xã và ba liên hiệp hợp tác xã phát triển toàn diện về hạ tầng, năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã và tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thị trường, liên kết chuỗi cung ứng và phát triển đa dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hợp tác xã và các thành viên.
Vậy doanh nghiệp đã đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thế nào?
+ Chúng tôi tiếp tục quan tâm phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Khu này có quy mô khoảng 5.200 ha, bao gồm khu trung tâm hơn 410 ha và khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 4.700 ha. Hiện tại, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực trung tâm.
Thống kê từ năm 2018 đến nay, Hậu Giang đã thu hút được ba dự án đầu tư vào khu trung tâm với tổng số vốn đầu tư gần 82 tỉ đồng. Lũy kế từ khi thành lập đến nay đã thu hút được tổng cộng bốn dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 330 tỉ đồng.
Trong những năm gần đây, tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… đều mang lại hiệu quả và đã tạo ra được một số sản phẩm mới được chứng nhận có nhiều ưu điểm, nhất là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.
Ngoài ra, hiện có khoảng 10 ha ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới để trồng các loại dưa lưới, dưa hấu, rau màu tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn.
. Xin cám ơn ông.
Tác giả bài viết: Nhóm PV Miền Tây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn