13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long liên kết phục hồi du lịch

Thứ ba - 01/03/2022 16:08
13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long liên kết phục hồi du lịch
Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL 'bắt tay' phục hồi du lịch. Ảnh PK
Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL 'bắt tay' phục hồi du lịch. Ảnh PK
Chiều ngày 28/02, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Liên kết 4 lĩnh vực
Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL (MDTA), du lịch là ngành bị ảnh hưởng trước tiên và năng nề nhất do dịch COVID-19. Tuy nhiên, du lịch cũng là ngành phục hồi sớm nhất sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Bằng chứng là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hầu hết các tỉnh thành trong vùng đều đã đón một lượng khách du lịch tương đương với cả năm 2021. Nhằm để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh phục hồi du lịch, MDTA đã phối hợp cùng với các địa phương tổ chức lễ ký kết liên kết hợp tác trong lĩnh vực thông tin về tình hình phát triển du lịch; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; liên kết trong quảng bá, xúc tiến du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Chia sẻ tại buổi lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch, ông Trì Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty du lịch Vĩnh Bình (Trà Vinh) cho rằng: “lâu nay chúng ta thường nói sản phẩm du lịch ĐBSCL thường trùng lắp với nhau do đặc thù giống nhau là vùng sông nước miệt vườn. Tuy nhiên, theo tôi nếu chúng ta liên kết hợp tác tốt theo hướng mỗi địa phương chọn một vài sản phẩm độc đáo nhất để đưa vào tour liên kết thì sẽ khắc phục được điểm yếu này.
Ví dụ như khi khách đi từ TP. HCM đến Tiền Giang sau khi tham quan các cù lao, vườn cây ăn trái trên sông Tiền, rồi đến tham quan và thưởng thức đặc sản xứ dừa Bến Tre tiếp theo là sang Trà Vinh tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực của người Kherme…theo tôi nếu chúng ta liên kết tốt thì sẽ tạo ra được nhiều tour hấp dẫn du khách chứ không trùng lắp nhàm chán”, ông Nghiệp đề xuất.
Bên cạnh việc ký kết hợp tác của các cơ quan quản lý về du lịch, ông Nghiệp cũng đề xuất các Công ty du lịch, hãng lữ hành cũng phải “bắt tay” nhau để làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để khách muốn quay trở lại lần sau.
Cùng quan điểm đó, ông Đặng Minh Việt, Trưởng đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines tại Cần Thơ cho biết, dự kiến toàn bộ mạng bay quốc tế của hãng sẽ được phục hồi hoàn toàn trong tháng 3/2022. Riêng tại ĐBSCL, hiện nay, Vietnam Airlines đã ký hợp tác toàn diện với TP. Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh và đang chuẩn bị ký với các tỉnh còn lại.
Theo chương trình hợp tác Vietnam Airlines sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư thương mại, hàng không, quảng bá điểm đến và khôi phục ngành dịch vụ hàng không nói riêng, ngành du lịch nói chung sau ảnh hưởng dịch COVID-19; xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ và ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau một cách hiệu quả.
Tại Hội nghị “Phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới” đại diện 13 Sở VH,TT&DL vùng ĐBSCL đã ký Biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc thù giới thiệu nhằm đưa vào chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch của vùng. Thỏa thuận liên kết, hợp tác thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của từng địa phương. Xây dựng mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến của các tour du lịch ở các địa phương trong một tuyến du lịch.
MDTA kiến nghị kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch
Thông tin từ Hội nghị “Phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới” cho biết, năm 2019, vùng ĐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách, kế hoạch đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, do đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài, ngành Du lịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề, lượt du khách sụt giảm đáng kể chỉ còn hơn 28 triệu lượt và năm 2021 tiếp tục thiệt hại nhiều hơn, chỉ đón được hơn 23 triệu lượt khách. Doanh thu ngành Du lịch ĐBSCL từ 30.000 tỷ đồng, năm 2019 giảm xuống còn gần 22.000 tỷ đồng năm 2020 và năm 2021 còn chưa đến 10.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Sở VH,TT&DL TP. Cần Thơ, Cụm trường Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách du lịch đến các tỉnh, thành Cụm phía Tây năm 2021 sụt giảm chỉ còn bằng 1/3 so với năm 2019, doanh thu cũng giảm tương ứng, hàng ngàn doanh nghiệp du lịch phải ngừng kinh doanh.  
Trong khi đó, ông Võ Phạm Tân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, Cụm trưởng Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An) cho biết do đại dịch COVID-19, gần hai năm qua hoạt động du lịch của tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, với gần 1.400 cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động, khoảng 6.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập; lượng khách và tổng thu giảm sâu so với thời điểm trước dịch.
Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch MDTA, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Việt Nam đã đủ điều kiện để mở cửa lại du lịch. Tuy nhiên, đề mở cửa thật sự án toàn thì về phía  các doanh nghiệp du lịch vấn đề ưu tiên hàng đầu là cố gắng bảo đảm an toàn cho các điểm đến du lịch và an toàn cho khách du lịch (đây là điều kiện tiên quyết, mở đến đâu an toàn đến đó và đã an toàn rồi thì phải quản lý cho tốt).
Tiếp tục thực hiện tốt Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tập trung nghiên cứu đổi mới sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu mới của du khách.
“Về phía các cơ quan quản lý, thay mặt cho các doanh nghiệp hội viên, MDTA có 3 kiến nghị gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, đó là: hiện nay vấn đề về an toàn cho du khách rất quan trọng nhưng cơ quan quản lý chưa có quy định thống nhất nên mỗi nơi áp dụng một kiểu, rất khó cho doanh nghiệp thực hiện. Do đó MDTA kiến nghị Bộ VH,TT&DL ban hành quy định chung về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cho ngành du lịch.
Kiến nghị thứ hai của MDTA là trong điều kiện nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch đã cạn kiệt vì COVID-19, MDTA kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, giảm 50% phí dịch vụ lữ hành cho đến hết năm 2023.
Kiến nghị thứ ba là chính sách giá điện sử dụng cho hoạt động du lịch được tính bằng giá điện trong sản xuất kinh doanh vì hiện nay các doanh nghiệp du lịch phải trả ở mức cao hơn mức giá điện sản xuất trên 1.000 đồng/kWh nên cũng gặp nhiều khó khăn”, Chủ tịch MDTA kiến nghị.
 

Tác giả bài viết: Phú Khởi

Nguồn tin: nhadautu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay1,927
  • Tháng hiện tại89,764
  • Tổng lượt truy cập2,302,111
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây