Hậu Giang chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thứ tư - 20/07/2022 09:53
Hậu Giang chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức ở Hậu Giang.
Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức ở Hậu Giang.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Hậu Giang đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về công tác cán bộ, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đây là một trong ba nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, nhằm tiếp tục huy động trí lực, tài lực, đưa Hậu Giang từ tỉnh trung bình lên tỉnh khá vào cuối năm 2025.
Nhiều chuyển biến trong công tác cán bộ
Hiện nay, tổng số cán bộ từ tỉnh đến cấp xã gần 3.800 người, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị đại đa số đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra. Qua đánh giá, đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh đã có bước trưởng thành và phát triển; tích cực tham gia đào đạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước... được rèn luyện qua thực tiễn; đa số có năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, những năm qua, Hậu Giang rất quan tâm đến công tác cán bộ. Cấp ủy các cấp đã bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để đánh giá cán bộ hằng năm và trước khi quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Công tác quy hoạch cán bộ được quan tâm và từng bước được đổi mới.
Trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp, đã chú trọng về tiêu chuẩn chức danh, số lượng, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thực hiện đúng theo quy trình, quy định và theo thẩm quyền; đặc biệt là việc luân chuyển, điều động đã tạo điều kiện cho cán bộ được cống hiến, rèn luyện, trưởng thành...
Là cán bộ được luân chuyển từ tháng 8/2019, đồng chí Tô Minh Điền, Bí thư Đảng ủy phường I, thành phố Vị Thanh, kể rằng: Là cán bộ tuyên giáo, chỉ thường xuyên học tập, nghiên cứu và giảng dạy, khi luân chuyển về phường đúng là thử thách lớn. Nhưng sau thời gian tiếp cận, đồng chí Điền đã nắm được hết các mảng công việc. Đồng chí Điền cho biết thêm: “6 tháng sau tôi mới nắm toàn diện; khi đã nắm và phối hợp chặt với 2 đồng chí phó bí thư đảng ủy phụ trách xây dựng Đảng, chính quyền rồi thì phường đã có những bứt phá đáng kể. Cuối năm 2019, phường chỉ đạt hạng Năm trong Khối thi đua các xã, phường thì năm 2020 bứt phá lên hạng Nhất; năm 2021 hạng Nhì. Về thi đua ngành cũng không thua kém khi năm 2019 đạt thấp thì năm 2020, 2021 đạt cao”.
Nhờ chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đã góp phần rất lớn cho Hậu Giang đạt nhiều thành tựu về kinh tế-xã hội. Quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, đời sống vật chất, tinh thần người dân tăng lên đáng kể. Nếu như thời điểm mới thành lập tỉnh (2004), nguồn thu ngân sách chưa tới một nghìn tỷ đồng thì đến năm 2021 đã tăng lên gần bốn nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 54,49 triệu đồng, tăng 49,5 triệu đồng so năm 2004.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của tỉnh cũng có những hạn chế nhất định. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp có trình độ, năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ; đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ giỏi để dẫn dắt các ngành trọng điểm của tỉnh còn thiếu, trong khi chính sách thu hút nhân tài của tỉnh chưa đủ “sức hút”.
Việc đánh giá cán bộ đôi khi chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Chất lượng quy hoạch cán bộ tuy được nâng lên nhưng vẫn còn thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đầu tư, nhưng hiệu quả, chất lượng mang lại chưa tương xứng...
Đột phá phát triển nguồn nhân lực
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh, cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Đây được xem là 4 trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đòi hỏi cần nguồn nhân lực mới, không chỉ phát triển nguồn nhân lực trong khối công lập, mà còn phát triển nguồn nhân lực khối thị trường, trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay không theo kịp nhu cầu phát triển. Nguồn nhân lực của tỉnh thừa những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhưng thiếu cán bộ chất lượng cao. Đây là hạn chế cần khắc phục, để tạo bước đột phá mới trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Theo đó, tỉnh đang tập trung 3 khâu quan trọng. Trước hết là khâu đào tạo, trong đó xác định định hướng đào tạo như thế nào cho trúng; lựa chọn cơ sở đào tạo có chất lượng; có sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Cán bộ được đào tạo ở vị trí nào sẽ sử dụng ở vị trí đó, như vậy mới phát huy được sở trường, năng lực, sáng tạo của mỗi con người. Tạo môi trường tốt để cán bộ phát huy những việc mà họ đã học được. Tỉnh sẽ xem lại các cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho những người giỏi, từ đó thu hút nhiều nhân tài về phục vụ cho tỉnh...
Tỉnh ủy cũng vừa thông qua nhiều nội dung quan trọng về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Như Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Kế hoạch về luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Song song đó, ban hành Đề án thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn, chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn; Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025...
“Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi đặt ra rất nhiều nhiệm vụ nặng nề để kiện toàn, chỉnh đốn bộ máy tổ chức cho giai đoạn phát triển mới, nhưng đây không phải là tham vọng mà là khát vọng - khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Khát vọng phát triển trên cơ sở có những tính toán khoa học, đủ cứ liệu về nhân lực, tài lực, trí lực, phù hợp với đòi hỏi thực tế khách quan, chứ không phải làm bằng mọi giá”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành chia sẻ.
Với hệ thống đảng văn được xây dựng công phu, bài bản, nội dung khá đầy đủ, hoàn thiện sẽ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp trong tỉnh có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy đổi mới, khát vọng cống hiến, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
 

Tác giả bài viết: Phùng Dũng - Trí Thức

Nguồn tin: Báo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây