60 năm quan hệ Việt - Lào: Nghĩa tình sắt son bên dòng sông Mã
Chủ nhật - 31/07/2022 22:02
60 năm quan hệ Việt - Lào: Nghĩa tình sắt son bên dòng sông Mã
Bên dòng sông Mã nên thơ, “mối tình sắt son mấy nghìn năm thắm sâu đất Việt - Lào”, cũng như tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai huyện Sông Mã (Sơn La, Việt Nam) và Mường Ét (Hủa Phăn, Lào) được vun đắp từng ngày.
Về huyện biên giới Sông Mã, nơi con sông Mã từ thượng nguồn đổ xuôi, đến xã Chiềng Khương thì đổi dòng chảy qua nước bạn Lào, rồi sau đó lại trở về Việt Nam… Nơi đây đã khắc ghi tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt - Lào nói chung, nhân dân 2 huyện Sông Mã - Mường Ét nói riêng trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc.
Đứng chân ở vị trí biên giới quan trọng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La quản lý và bảo vệ gần 27 km đường biên giới với 13 cột mốc. Không chỉ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, công tác đối ngoại biên phòng được Đồn đặc biệt quan tâm.
Đại úy Đỗ Hữu Lâm, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương cho biết: "Đồn luôn duy trì quan hệ phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên không tổ chức các hội nghị giao ban, trao đổi tình hình hoặc trực tiếp thăm hỏi xã giao, nhưng vẫn thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết các vấn đề liên quan hai bên giới đúng thẩm quyền; đồng thời, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau trong phòng chống dịch"...
Trải dài trên tuyến biên giới nhiều đường mòn, lối mở, địa hình phức tạp, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương cùng lực lượng bảo vệ biên giới của Lào, trong đó có Đại đội Biên phòng 212, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn thường xuyên tổ chức tuần tra song phương, kiểm tra sự nguyên trạng của đường biên quốc gia, hệ thống mốc quốc giới; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hoạt động vi phạm quy chế biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý qua biên giới…
Trung úy Lun Sẻng – Vi Lay Phon, Đội trưởng Đội Vũ trang, Đại đội Biên phòng 212, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào cho biết: "Ngoài công tác tuần tra chung, hai bên cũng thường xuyên liên lạc qua điện thoại để trao đổi tình hình, qua đó xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trên biên giới và cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới".
Cặp cửa khẩu Chiềng Khương (Sơn La) - bản Đán (Hủa Phăn) cũng là điểm sáng của mối quan hệ hợp tác, giao lưu, đoàn kết hữu nghị hai bên biên giới. Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thời điểm này, hoạt động đi lại, thăm thân, trao đổi hàng hóa tại cửa khẩu diễn ra sôi nổi.
Thiếu tá Trần Văn Vĩnh, Đội trưởng Đội thủ tục, Trạm kiểm soát Cửa khẩu Chiềng Khương chia sẻ: "Trạm đã bố trí ca, kíp trực đảm bảo để giải quyết cho cư dân hai bên biên giới và làm thủ tục xuất nhập cảnh đúng pháp luật, đúng quy định. Trạm cũng tuyên truyền cho người dân qua lại biên giới chấp hành tốt pháp luật giữa hai Nhà nước, đảm bảo công tác phòng, chống dịch và không để lây lan dịch vào biên giới. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi với Trạm bản Đán, nước CHDCND Lào để phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, tình đoàn kết hữu nghị".
Không chỉ chung một dòng sông, nhân dân huyện Sông Mã và Mường Ét còn sử dụng chung một con suối, xây dựng “kênh mương hữu nghị Việt Nam – Lào” với chiều dài hơn 7 km, cung cấp nước tưới ruộng, vườn cho người dân 8 bản thuộc huyện Mường Ét (Hủa Phăn) và một số bản của huyện Sông Mã (Sơn La). Công trình này được nhân dân hai bên biên giới và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương xây dựng từ năm 1969.
Ông Bông Súc, Trưởng bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào chia sẻ: "Nhờ có công trình kênh mương hữu nghị Việt Nam - Lào, người dân trong bản luôn có nước sản xuất. Hằng năm, cứ đến vụ mùa, nhân dân trong bản lại cùng với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương và nhân dân xã Chiềng Khương tu sửa, phát quang, nạo vét khơi thông dòng chảy kênh mương để có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp".
Cũng trên mảnh đất biên cương, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương còn tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân nước bạn Lào. Đặc biệt, trong chương trình “Nâng bước em đến trường” mà đơn vị triển khai, có một học trò đặc biệt được đỡ đầu là cháu Thạo Phe, ở bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn. Từ năm 2016 đến nay, cán bộ, chiến sỹ của đồn đã quan tâm, chăm lo và hỗ trợ kinh phí học tập cho Thạo Phe 500.000 đồng/tháng.
Bà Nang Bun, bà ngoại cháu Thạo Phe tâm sự: "Hoàn cảnh gia đình chúng tôi rất khó khăn, có hai bà cháu ở với nhau. Nhờ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương (Việt Nam) hỗ trợ, cháu Thạo Phe đã có điều kiện đến trường học tập, được quan tâm, giúp đỡ để vươn lên trong cuộc sống.
Tỉnh Sơn La có trên 270 km đường biên giới, với có 2 cửa khẩu quốc gia là Chiềng Khương và Lóng Sập; 2 cửa khẩu phụ và 6 trạm lối mở biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Phra Bang (nước CHDCND Lào).
Góp phần gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân nước bạn, đến nay, Bộ đội biên phòng Sơn La đã duy trì mô hình kết nghĩa giữa 10 đồn biên phòng với 5 đại đội biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn và Luông Phra Bang; cùng nhiều mô hình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới…
Những cuộc tuần tra song phương, cùng nhau bảo vệ vùng biên, đến mỗi công trình, phần việc ý nghĩa trong đời sống, lao động sản xuất… đã minh chứng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó của quân và dân 2 bên biên giới. Từ đó, tiếp tục dựng xây tuyến biên giới hòa bình, ổn định, phát triển; bảo vệ cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới Việt Nam – Lào, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".