Tròn đạo lý giữa thời bình

Thứ năm - 28/07/2022 20:02
Tròn đạo lý giữa thời bình
Ông Đồng Văn Thanh (bìa phải) , Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong một đợt thăm gia đình chính sách ở thành phố Vị Thanh.
Ông Đồng Văn Thanh (bìa phải) , Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong một đợt thăm gia đình chính sách ở thành phố Vị Thanh.
Từ khi thành lập đến nay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động tri ân đáp nghĩa luôn được Hậu Giang đặc biệt quan tâm, để ngày qua ngày vết thương chiến tranh được hàn gắn, nỗi đau được vơi đi...
Bài 1: Một thời máu đổ cho hoa thêm thắm
Trong chiến tranh, biết bao gia đình đã tiễn người thân lên đường bảo vệ Tổ quốc. Có người mãi mãi nằm xuống lòng đất mẹ, có người gửi một phần cơ thể nơi chiến trường xưa. Dẫu có mất mát, hy sinh, nhưng ai nấy đều một lòng cống hiến cho Tổ quốc. Những ngày tháng 7 này, chúng ta hãy cùng nghe lại những câu
Những câu chuyện cảm động
Trong căn nhà tình nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Năm, ở ấp 4, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp đang trò chuyện vui vẻ cùng người con dâu út. Với Mẹ Năm, giờ đây nỗi buồn về người chồng và người con trai nằm lại chiến trường phần nào đã nguôi ngoai, khi quanh mẹ có biết bao nhiêu người con gọi mẹ là mẹ. Ở tuổi 90, sức yếu nên Mẹ Năm đã quên nhiều chuyện trong quá khứ, nhưng mẹ cứ nhớ và nhắc mãi về chuyện: “Con trai lớn của Mẹ là thằng Kiệt (liệt sĩ Trần Minh Kiệt) hy sinh anh dũng lắm, trong trận đánh Đồng Gò nó bị mìn nổ cụt tay, cụt chân rồi té xuống sông. Thằng Kiệt nó anh hùng lắm, không có sợ gì hết, mới 16 tuổi đã tham gia cách mạng. Mẹ thương nó lắm, nó gan dạ, yêu nước giống hệt cha nó vậy”.
Rồi những ký ức về người chồng như ùa về trong mẹ, đó là liệt sĩ Trần Minh Chánh. Liệt sĩ Trần Minh Chánh tham gia cách mạng từ thời trẻ, đến lúc lập gia đình cũng tiếp tục tham gia. Năm 1969 trong một trận càn của địch, ông đã hy sinh. Ở tuổi 32, mẹ thành góa phụ, một mình tần tảo làm lụng nuôi con. Nước mắt mẹ cạn dần vì thương chồng khóc trắng thâu đêm, nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, mẹ cố nén đau thương, quyết không từ bỏ con đường cách mạng.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, mẹ làm công tác phụ nữ, ngoài tuyên truyền, vận động mọi người tham gia cách mạng, kêu gọi lính ngụy trở về với chính nghĩa, gia đình mẹ còn nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ, du kích địa phương và tiếp tế lương thực, vận chuyển thuốc men, quần áo cho bộ đội. Dẫu nhiều lần mẹ bị địch bắt, tra tấn, nhưng mẹ vẫn gắn bó với quê hương, quyết “Một tấc không đi, một ly không rời”, một lòng kiên trung với cách mạng. “Năm đó, nhà cháy trong nhà chỉ còn mỗi cái võng dù, có chú bộ đội bị thương đi ngang nhà nói lạnh quá, mẹ liền lấy cái võng đưa cho bộ đội. Có lần nhà còn ít gạo, mẹ cũng chở vào cho bộ đội, còn mấy người con ở nhà ăn cháo đỡ đói. Đâu riêng gia đình mẹ, ai nấy đều thương và lo cho bộ đội lắm, chỉ mong đất nước sớm ngày im tiếng súng”, Mẹ Năm hồi tưởng.
Còn Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tơ, ở khu vực 1, phường V, thành phố Vị Thanh có chồng và người em trai hy sinh cho cách mạng. Trước đây, gia đình mẹ sống ở ấp 2, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ và được biết đến là gia đình “đỏ”, có công với cách mạng. Bản thân mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng và Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Như bao thiếu nữ lúc ấy, mẹ lấy chồng lúc tròn đôi tám, khi đất nước chìm trong chiến tranh. Sau khi lập gia đình, mẹ cùng chồng ở bên nhà mẹ để lo cho cha mẹ già và người em út. Chồng của mẹ - liệt sĩ Võ Văn Đạt tham gia Tiểu đoàn Tây Đô, ông làm bên hậu cần với nhiệm vụ chuyển súng, đạn cho bộ đội. Vào tháng 6-1968 ông hy sinh. Khi nhận tin dữ này, người con gái út mới ba tháng. Nỗi đau chưa nguôi thì tháng 8-1968, mẹ lại khóc cạn nước mắt khi người em trai (liệt sĩ Trần Văn Triệu) hy sinh trong trận đánh với kẻ thù ở lộ Vòng Cung.
Mất đi hai người thân yêu, những tưởng mẹ sẽ ngã quỵ, song với ý chí kiên cường, mẹ đã vượt qua tất cả để nuôi dạy con nên người. Nhìn vào tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng và em trai, Mẹ Tơ bộc bạch: “Thời ấy, thanh niên trong ấp chỉ chừng mười mấy, đôi mươi đã đòi đi đánh giặc, còn phụ nữ thì trở thành hậu phương vững chắc cho bộ đội”, Mẹ Tơ chia sẻ.
Trong chiến tranh, những người mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và những gì yêu quý nhất của mình, đó là người cha, người chồng, người con, người cháu yêu thương đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình
Mỗi khi trái gió trở trời là những vết thương ở bụng và lưng của ông Trịnh Văn Út, ở ấp 3, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy lại âm ỉ đau. Nhưng người thương binh 2/4 này chia sẻ vết thương ấy chưa là gì so với sự hy sinh, mất mát của các gia đình trong bom đạn chiến tranh. Đơn cử như gia đình ông - có đến 3 liệt sĩ hy sinh trong những năm kháng chiến ác liệt.
Kể về gia đình mình, ông Út không khỏi tự hào. Ông Út kể: Người anh thứ ba của ông - liệt sĩ Trịnh Văn Bảy tham gia cách mạng năm 1957. Những năm đó, quân giặc thường xuyên đến gây khó khăn cho cha mẹ ông. Đến năm 1965, trong một lần đi công tác cùng đồng đội, liệt sĩ Bảy đã bị quân địch bắn hy sinh. Người anh thứ chín - liệt sĩ Trịnh Văn Phương tham gia du kích xã Vị Thủy năm 1960, năm 1962 hy sinh. Lúc hy sinh liệt sĩ Phương mới 19 tuổi và chưa lập gia đình. Và người em út của ông - liệt sĩ Trịnh Văn Bé, tham gia cách mạng năm 1968 và cũng hy sinh trong năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, lúc đó liệt sĩ Bé mới 18 tuổi. Giọng chậm rãi và hơi trầm xuống, ông Út cho biết: “Nghe tin anh ba, anh chín và thằng út hy sinh, ba má tôi nấc nghẹn. Có nỗi đau nào bằng người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, cứ hai ba năm lại mất một người con. Dẫu biết rằng chiến tranh ác liệt, mất mát lắm, nhưng nỗi đau mất đi những người thân yêu không sao nói hết bằng lời”.
SB3567 3 2
Ở tuổi 90, Mẹ Năm đã quên nhiều chuyện, nhưng mẹ luôn nhớ và tự hào vì chồng, con đã cống hiến cho cách mạng.
Cha mẹ ông Út có 8 người con: 4 trai, 4 gái, ông là người con trai duy nhất còn sống sau chiến tranh và ông cũng là thương binh 2/4. Năm 1960 như bao thanh niên và anh em trong gia đình, ông cũng theo tiếng gọi của non sông cầm súng chiến đấu đánh đuổi quân thù xâm lược. Năm 1970 ông chuyển qua địa phương quân huyện Long Mỹ, đến 1974 tham gia Tiểu đoàn Tây Đô. Trong thời gian này, không ít lần ông đã bị thương, nhưng có hai lần bị thương nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Đó là năm 1968, ông cùng đồng đội đi công tác trên tuyến lộ Góc Mít, ông đã bị quân địch bắn trúng bụng. Sau khi bị thương, ông được đưa đi điều trị khoảng một năm. Lúc đó, gia đình hoàn toàn mất liên lạc, ngỡ rằng ông hy sinh, đến khi vết thương hồi phục, ông trở về nhà, ai nấy đều vỡ òa hạnh phúc. Đến năm 1974, một lần nữa ông bị quân địch bắn trúng sau lưng. Dẫu mang thương tích trên người nhưng ông vẫn một lòng theo cách mạng cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hòa bình, ngoài tham gia công tác địa phương, ông cố gắng lao động sản xuất, cùng vợ lo cho các con khôn lớn. Ông luôn tâm niệm một điều, dù làm gì, ở đâu, cũng phải thật xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp 3, ông Út luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động tại địa phương, các nhiệm vụ trọng tâm của hội. Ông luôn giáo dục con cháu phải biết trân quý cuộc sống hòa bình, ấm no của hiện tại, bởi nó đã được đánh đổi bởi quá nhiều máu và nước mắt của cha anh ngày trước.
Những mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng chắc hẳn rất tự hào vì đã cống hiến cho Tổ quốc, quê hương, đem vinh quang về cho gia đình, cho đất nước. Những liệt sĩ đã ngã xuống nhưng tên tuổi của họ vẫn sống mãi với thời gian. Nhìn vào những tấm gương như thế, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục ra sức để bảo vệ, giữ gìn những thành quả mà cha ông đã đánh đổi để đất nước có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay!
Toàn tỉnh có trên 35.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.021 bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 12.000 liệt sĩ; 5.740 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trên 7.300 người có công với cách mạng; trên 1.200 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…
 

Tác giả bài viết: Bích Châu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây