Cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư

Thứ ba - 16/01/2024 08:46
Cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư
Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu tại phiên họp sáng 15-1. Ảnh: M.X
Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu tại phiên họp sáng 15-1. Ảnh: M.X
Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất...

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội vào sáng 15-1, bà Lê Thị Thanh Lam nói: Dự thảo luật đã được đưa ra Quốc hội xin ý kiến tại 3 kỳ họp, đến nay có rất nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện. Qua nghiên cứu dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần này, bà thống nhất cao nội dung quy định tại các điều, khoản trong luật.

Tuy nhiên, để rõ ràng hơn một số điều, khoản, bà đề nghị nên xem xét, bổ sung thêm một số nội dung.

Đó là tại Điều 23 về quyền của công dân đối với đất đai, khoản 5 quy định “Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”, đề nghị bổ sung thêm nội dung “bảo lãnh quyền sử dụng đất và cầm cố quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Việc bổ sung này có căn cứ pháp lý giải quyết khi có xảy ra tranh chấp.

Theo bà Lê Thị Thanh Lam, tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, khoản 21 quy định thu hồi đất để thực hiện “dự án nhà ở xã hội”, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất… Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng an ninh thì Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính; còn đối với các dự án nhà ở xã hội,… các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với người sử dụng đất bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường.

Phó Trưởng đoàn trao đổi: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 có quy định về “Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung” tại Điều 203 nhưng qua rà soát dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Kỳ họp bất thường lần này đã bỏ quy định về “Đất khu công nghệ thông tin tập trung”, chỉ còn quy định về “Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp” tại Điều 202.

Bà Lê Thị Thanh Lam nói: Nếu áp dụng chế độ sử dụng đất đối với khu công nghệ thông tin tập trung như đối với khu công nghệ cao tại dự thảo hiện nay sẽ không phù hợp, vì khu công nghệ thông tin tập trung có đặc thù khác với khu công nghệ cao: Quy mô, diện tích nhỏ hơn, có thể đầu tư từ nguồn vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp, quản trị theo mô hình đơn vị sự nghiệp - linh hoạt, có nhiều phương án giao đất.

Sẽ phải thành lập Ban quản lý khu công nghệ thông tin tập trung có chức năng quản lý nhà nước giống như Ban quản lý khu công nghệ cao (hiện chưa có quy định cụ thể). Đồng thời, việc thành lập 1 Ban quản lý dự án cho khu công nghệ cao thường là đối với các dự án lớn trên 1.000 ha. Trong khi khu công nghệ thông tin tập trung có quy nhỏ và vừa (1, 5, 7, 20, 43, 43,5, 131ha); với quy mô nhỏ thì việc phát sinh thêm mô hình quản lý trung gian là Ban quản lý dự án là không cần thiết.

“Đây là vướng mắc từ Luật Đất đai 2013 đến nay, dẫn đến không có dự án đầu tư khu công nghệ thông tin tập trung nào được giao đất, vấn đề này sẽ là rào cản đối với phát triển công nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam, trong bối cảnh các Khu công nghệ thông tin tập trung đã đi vào hoạt động đang chứng minh hiệu quả”, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, bà Lê Thị Thanh Lam đề xuất giữ nguyên quy định về đất khu công nghệ thông tin tập trung ở Điều 202: “Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung” như quy định tại Điều 203 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Tác giả bài viết: T.THỨC - M.XUYÊN

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay2,363
  • Tháng hiện tại34,303
  • Tổng lượt truy cập1,237,432
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây