Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Chủ nhật - 07/08/2022 21:16
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Hậu Giang thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và kh
Hậu Giang thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và kh
Sau 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là với những thành tựu qua 10 năm thực hiện đặc trưng “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chứng minh sự đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng về đặc trưng kinh tế là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp xu thế khách quan của đất nước và thời đại. Việc xác định đặc trưng về kinh tế của xã hội XHCN là một trong những đột phá về tư duy lý luận của Đảng trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.
Mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta từ chủ yếu theo chiều rộng trước đây đã chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế. Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có bước chuyển biến tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, không ngừng được xây dựng, hoàn thiện. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội.
Hiện nay, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Nhiều rào cản tham gia thị trường được dỡ bỏ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước.
Những thành tựu đạt được từ quá trình tổ chức hiện thực hóa lý luận về đặc trưng “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” chứng minh sự đúng đắn, có tính đột phá về tư duy lý luận của Đảng, khẳng định đây là chiến lược cách mạng lâu dài, cần được tiếp tục nghiên cứu thực hiện trong sự đổi mới sáng tạo về tư duy lý luận và thực tiễn. Trong điều kiện mới, hợp tác quốc tế được mở rộng, việc xây dựng nền kinh tế phát triển cao dựa trên LLSX hiện đại đòi hỏi phải đa dạng hóa các hình thức và mức độ quan hệ đối ngoại; việc xây dựng QHSX tiến bộ phù hợp phải đảm bảo khai thác nhiều nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, vị thế kinh tế để phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục có những bước phát triển mới trong tư duy lý luận về CNXH và con đường lên CNXH ở Việt Nam, trong đó có vấn đề đặc trưng về kinh tế của xã hội XHCN. Đại hội xác định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng…
 Do vậy, cả nội hàm và ngoại diên của đặc trưng “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” được tiếp tục xác định rõ và giải quyết đúng đắn, đáp ứng tốt nhất yêu cầu vật chất, kỹ thuật cho mục tiêu phát triển tổng quát của cách mạng giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đó là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”
Qua hơn 30 năm thực hiện đặc trưng về kinh tế theo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 và hơn 10 năm theo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (Bổ sung, phát triển năm 2011), nền kinh tế nước ta đã tiến một chặng đường dài, bước lên một bậc cao về sự phát triển. Tư duy giáo điều, chủ quan, duy ý chí về đặc trưng kinh tế đã được khắc phục, góp phần hình thành và từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng. Đặc trưng về kinh tế của xã hội XHCN ở Việt Nam được xác định khoa học, chắc chắn, có tính toàn diện, cách mạng và sát hợp thực tiễn của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
Đó chính là cơ sở lý luận để chỉ đạo thực tiễn nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”(3), tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước.
 

Tác giả bài viết: Huỳnh Thanh Hiếu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay1,467
  • Tháng hiện tại107,822
  • Tổng lượt truy cập2,443,332
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây