Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực thực hiện các chỉ số cạnh tranh để góp phần đưa tỉnh phát triển, thu hút nhà đầu tư, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng
Từ khi thành lập đến nay, tỉnh Hậu Giang luôn xem công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những khâu đột phá của tỉnh. Do đó, các tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá theo từng lĩnh vực cụ thể, luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm sâu sát, nhất là các chỉ tiêu định tính, định lượng được quy định cụ thể trong chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX và SIPAS. Tuy nhiên, Hậu Giang là vùng đất trẻ, là một trong những đơn vị hành chính cấp tỉnh được chia tách sau cùng của đất nước, ngân sách địa phương còn khó khăn; do đó, từng lúc, từng nơi kết quả thực hiện công tác CCHC đôi khi chưa được như mong đợi.
Về kết quả trong 5 năm qua, đặc biệt là năm 2021, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng Hậu Giang có những thành tựu nổi bật, thậm chí có những chỉ số đứng đầu cả nước. Đơn cử như chỉ số về tiếp cận đất đai, xếp thứ 8/63 và đứng đầu ở ĐBSCL. Đây là chỉ số không phải nhiều địa phương làm được. Chỉ số gia nhập thị trường xếp thứ 2/63. Ông Nguyễn Phương Lam đề nghị đưa vào những thông điệp này trong việc kêu gọi đầu tư. Những thay đổi trong một giai đoạn và tính ổn định của các địa phương quan trọng hơn sự tăng giảm bất thường. Nhìn vào bảng tổng hợp PCI trong 5 năm qua, Hậu Giang tăng trưởng rất ổn định, mặc dù tăng ít (năm 2017 xếp hạng 50 đến năm 2021 xếp hạng thứ 38). Ngoài ra, tỉnh đứng đầu cả nước về hướng dẫn thủ tục cấp phép có điều kiện. Không có doanh nghiệp (0%) cho rằng phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn về thủ tục đăng ký kinh doanh. Hậu Giang có 100% doanh nghiệp trả lời minh bạch trong đấu thầu...
Về các giải pháp trong ngắn hạn, ông Nguyễn Phương Lam kiến nghị tỉnh xây dựng báo cáo động thái doanh nghiệp thường kỳ làm cơ sở cho chính quyền nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp kịp thời. Thiết lập lộ trình thời gian trả lời và phúc đáp thủ tục hành chính (TTHC) cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cần xây dựng chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền nhiều hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và các cán bộ công chức...
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, nhấn mạnh: Cải cách hành chính mang tính chất toàn diện, đồng bộ và tổng thể. Ông Phạm Minh Hùng yêu cầu rà soát lại những vấn đề đã tốt, cả những vấn đề chưa tốt để có giải pháp cụ thể. Phải đổi mới về xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, đảm bảo tính khả thi, phân công trách nhiệm triển khai, có nguồn lực, có kiểm tra, có đôn đốc, theo dõi, đánh giá… Hiện đã có Ban chỉ đạo, Sở Nội vụ là cơ quan thường trực cần phải tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan này trong việc phối hợp với các sở, ngành, với các địa phương trong triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, bộ phận một cửa các cấp.
Tập trung nâng thứ hạng
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tạo sức bật trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, đến năm 2025 PAR INDEX xếp 23/63 (hiện tại xếp 27 phải tăng thêm 4 bậc); SIPAS xếp 30/63 (hiện tại 50 phải tăng thêm 20 bậc); PAPI xếp 22/63 (hiện tại 33 phải tăng thêm 11 bậc); PCI xếp 30/63 (hiện tại 38 phải tăng thêm 8 bậc).
Chính vì vậy, để công tác CCHC nói chung và kết quả các chỉ số nói riêng ngày càng tiến bộ, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, định hướng của Trung ương, của tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 02 của Chính phủ và Chỉ thị số 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng các chỉ số cạnh tranh của tỉnh.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy, cũng yêu cầu tăng cường chỉ đạo, tạo bước chuyển biến đột phá thực chất trong công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng cải thiện nhanh thứ hạng xếp loại, các chỉ số xếp loại cải cách hành chính của tỉnh trong khu vực và cả nước đối với từng năm và cả nhiệm kỳ. Duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số tăng điểm, đồng thời tập trung phân tích, đánh giá các nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục. Cải thiện tối đa điểm số các chỉ số đối với từng cơ quan, đơn vị. Phân công chỉ tiêu, kế hoạch và trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Xem kết quả các chỉ số đánh giá về sự hài lòng của các doanh nghiệp, người dân làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ.
Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Tập trung nghiên cứu, sớm ban hành quy định, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp và người dân hướng đến mục tiêu giảm 50% thủ tục hành chính. Thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính, kịp thời tiếp thu ý kiến, điều chỉnh, cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, với quyết tâm chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ và nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, đó là cùng một tuyên ngôn và cùng hành động làm mục tiêu chung…
Sáng ngày 24-8, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các chỉ số cạnh tranh của tỉnh, giai đoạn 2017-2021. Tham dự có ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Phương Lam, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ. Cùng dự có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị lần này, 7 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu thực hiện chỉ số cải cách, chỉ số cạnh tranh tỉnh giai đoạn 2017-2021 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Ngoài ra, 7 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính giai đoạn 2017-2021 cũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.