Sáng 8-7, tại Đài PTTH Hậu Giang đã diễn ra hội thảo "Chung tay làm du lịch nông nghiệp". Tham dự hội thảo có ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hội An (Quảng Nam) và đại diện của hơn 250 đơn vị, tổ chức trong ngành du lịch. Khơi nguồn đam mê từ vài liếp rau, thửa ruộng
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định một cách ví von: “Giống như một cô gái đẹp đang ngủ say và cần được đánh thức, Hậu Giang với viên ngọc xanh Lung Ngọc Hoàng, Chợ nổi Ngã Bảy đã đi vào bài hát Tình anh bán chiếu, Trúc lâm thiền viện, Rừng tràm Vị Thủy; đặc biệt người Hậu Giang mến khách, nghĩa tình, thủy chung. Hậu Giang còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sáng tạo, tuy giàu tiềm năng, nhưng mới chỉ những bước ban đầu, chưa có nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng được thương mại hóa và cạnh tranh được với các địa phương khác trong khu vực”.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã có những chia sẻ chân tình về mô hình Hội quán – nơi tập hợp của nhiều nông dân học hỏi cách phát triển du lịch cộng đồng. Hiện Đồng Tháp đã thành lập được 76 hội quán. Hội quán thứ 76 có tên “Cùng nhau làm du lịch”.
“Điều chúng tôi phát hiện chính là sự đam mê của người dân làm du lịch - dù đó chỉ là: Vài liếp rau, một thửa ruộng trên triền đồi. Quan trọng là người lãnh đạo địa phương nhìn ra nguồn tài nguyên bản địa nếu biết vun đắp sẽ tạo ra giá trị vô hình cho du lịch” – ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận của những nhà khoa học, nhà tổ chức du lịch: Đề xuất chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn Lung Ngọc Hoàng; đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp Hậu Giang… Đặc biệt, hội thảo đã được nghe ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ hành trình khi làm du lịch ở Hội An với góc nhìn “Du lịch nông nghiệp - từ Hội An đến ĐBSCL” với nhiều câu chuyện thú vị. Du lịch cộng đồng cần sự chia sẻ
Ông Stiermann Martin, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Ricefield Lodge, một người Đức đang có dự án đầu tư du lịch tại ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, ông cho biết: khi khảo sát một số địa điểm đã rất ngạc nhiên với cảnh sắc nơi đây và đang ấp ủ nhiều ý tưởng cho du lịch Hậu Giang.
Còn ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt; chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL đã đưa ra những nhận định: tài nguyên trụ cột của du lịch Hậu Giang là kênh xáng Xà No, bao gồm văn hóa truyền thống, lịch sử, lúa gạo, trái cây, vườn khóm bạt ngàn của miệt Hậu Giang; Lung Ngọc Hoàng, trung tâm để tạo ra những sản phẩm không trùng lắp.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh: “Ba yếu tố quan trọng trong du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay là: Bản thân người nông dân phải xác định được thái độ học hỏi, có đam mê, kiên trì. Thứ hai là có cộng đồng đoàn kết văn minh, bản thân người làm du lịch phải biết chia sẻ. Thứ ba là: Đội ngũ lãnh đạo phải thật sự nhập cuộc trăn trở và đam mê làm du lịch cùng nông dân”.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày từng giờ, làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. Chúng tôi nhận thức rằng, mặc dù du lịch nông nghiệp của tỉnh nhà còn ở mức tiềm năng nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu chúng ta cùng nhau hợp tác và quyết tâm đi những bước thật nhanh, đúng hướng, đón đầu xu hướng thế giới. Hậu Giang sẵn sàng hợp tác và cần tiếp nhận cách làm du lịch chuyên nghiệp. Tôi hy vọng, mỗi công dân đang sinh sống tại Hậu Giang hay trên mọi miền đất nước, trên thế giới hiểu và trân trọng trước hết là giá trị gia đình, sau đó là giá trị thiên nhiên, văn hóa của tỉnh nhà, để từ đó, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, quảng bá Hậu Giang tới những người xung quanh” – ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ tại hội thảo./.