Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm Trung Quốc

Chủ nhật - 25/06/2023 20:43
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm Trung Quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới sân bay Bắc Kinh ngày 25/6. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới sân bay Bắc Kinh ngày 25/6. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới sân bay Bắc Kinh chiều nay, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF tại Thiên Tân ngày 25-28/6, theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Tháp tùng Thủ tướng có lãnh đạo các bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường cùng một số cơ quan và địa phương.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng và quyết tâm phát triển quan hệ hai nước ngày càng bền vững, ổn định và thực chất.
Chuyến thăm của Thủ tướng sẽ tập trung tìm giải pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương ngoài nước cũng như tháo gỡ, thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.
Hoạt động này còn góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy tìm ra giải pháp với những vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển, tăng cường quan hệ hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 4 lãnh đạo chính phủ chủ chốt được mời tham dự Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân (WEF Thiên Tân), thể hiện sự coi trọng của WEF cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với vị thế, vai trò của nền kinh tế, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa của Việt Nam.
WEF Thiên Tân có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp, diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm, các nước đang tìm mọi cách thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để phục hồi kinh tế.
Tại hội nghị, Thủ tướng sẽ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các nền kinh tế thành viên, doanh nghiệp lớn trong tạo dựng, khơi thông, kích hoạt và tranh thủ các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng cũng sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục quan tâm và tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam, nêu một số kiến nghị liên quan tới các mô hình hợp tác công tư cũng như biện pháp thu hút nguồn tài chính xanh, bền vững vào nền kinh tế Việt Nam.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 3, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 23,85 tỷ USD với tổng 3.651 dự án, xếp thứ 6 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Hồi tháng 10/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc. Tổng bí thư là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm nước này sau Đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đây là sự kiện đặc biệt quan trọng với hai nước và thành công mọi mặt.
WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. WEF thường mời Việt Nam tham dự các hội nghị thường niên tại Davos và các hội nghị của WEF về Đông Á.
Hồi tháng 11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Chủ tịch WEF Klaus Schwab bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 ở Campuchia. Thủ tướng mong muốn WEF hỗ trợ đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch WEF nhấn mạnh cam kết thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để đề xuất và triển khai các dự án hợp tác như Trung tâm liên kết Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo kỹ năng số cho người dân, thúc đẩy chuyển đổi xanh.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Thùy

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây