Dù anh là ai, tài đến đâu cũng phải biết lượng sức mình, đừng nghĩ mình là người không thể thay thế được

Thứ hai - 04/04/2022 08:45
Dù anh là ai, tài đến đâu cũng phải biết lượng sức mình, đừng nghĩ mình là người không thể thay thế được
Dù anh là ai, tài đến đâu cũng phải biết lượng sức mình, đừng nghĩ mình là người không thể thay thế được.
Dù anh là ai, tài đến đâu cũng phải biết lượng sức mình, đừng nghĩ mình là người không thể thay thế được.
Tôi không phải người tài nhưng được người tài sử dụng. Là phiên dịch, tôi được tiếp xúc và học hỏi nhiều ở các tiền bối như Bác Hồ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…
Bản thân tôi đã có dịp phục vụ và quen biết với tất cả các nhà lãnh đạo đất nước thuộc "thế hệ lập quốc" và học hỏi được nhiều điều. Có thể nói không ngoa rằng, sở dĩ tôi tiến bộ được một phần quan trọng là do được "gặp mặt, bắt tay" với nhiều nhân vật như tất cả các tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên xô, từ Khrushchev cho tới Brezhnev, Andropov, Chernenko, Gorbachov. Tuy không dịch tiếng Trung nhưng do đi theo các đoàn cấp cao nên tôi đã từng gặp mặt Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai và cả "bè lũ bốn tên" nữa. Rồi Kim Nhật Thành, Fidel, Che, Raoul của Cuba, các nhà lãnh đạo Đông Âu và phong trào cộng sản công nhân quốc tế.
Rồi tôi trưởng thành lên được vì đã được giao những công việc khó và đòi hỏi cao. Vào cuối những năm 1980 thế kỷ trước, khi là vụ trưởng rồi trợ lý bộ trưởng, tôi đã được ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao giao cho nhiều việc "trái khoáy" buộc tôi phải vượt qua chính mình. Những thử thách ấy buộc tôi phải học tập, nghiên cứu, đi vào cuộc sống, từ đó trưởng thành.
Sau này, nghĩ về việc dùng người, theo tôi có thể nhìn từ bốn góc độ.
Thứ nhất, phải trả lời được câu hỏi: ta có thật lòng cần họ không và cần những loại nhân tài nào? Có người nói, khi đã cầu hiền tức là thừa nhận mình dốt, vậy điều trước hết là phải chấp nhận người ta giỏi hơn mình cái đã.
Thứ hai, đã cầu hiền thì phải tạo môi trường, điều kiện cho người ta cống hiến bằng cách giao cho họ những công việc có giá trị đích thực, đòi hỏi gay gắt và đánh giá đúng công việc họ làm vì người tài thích được đòi hỏi, thậm chí đòi hỏi khắt khe.
Thứ ba, cần có sự đãi ngộ thỏa đáng. Người tài thường không đòi hỏi vật chất nhiều đâu mà điều quan trọng hơn với họ là sự tôn trọng, công bằng.
Thứ tư, phải rộng lượng vì người tài hay có tật. Nếu vì tật nhỏ mà rũ bỏ thì thật hoài phí - những tật không ảnh hưởng tới công việc, không trái với nhân cách làm người, chẳng hạn tật hay cãi. Các cuộc họp mà không có người cãi thì chán lắm, đã dám dùng người tài thì phải chịu nghe họ.
Một khía cạnh nữa về nhân tài còn ít được đề cập đúng mức. Đó là bản thân nhân tài phải có hoài bão, phải dấn thân, ham mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, sống lương thiện chứ không nên chỉ đòi hỏi một chiều ở xã hội. Ai cũng thế thì lấy đâu ra nhân tài để làm cho đất nước giàu mạnh, từ đó có khả năng đãi ngộ xứng đáng nhân tài?
Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Ta cứ nói ta "là lương tri của thời đại", nhưng sự thật thì nhiều việc, nhiều người chưa thể hiện được điều đó. Nhiều người đã đánh mất "gene xấu hổ". Làm hỏng việc không xin lỗi, không từ chức, ra đường thì chen chúc, phóng uế bậy bạ, thấy hoa đẹp thì vặt bẻ không thương tiếc, người ta gặp tai nạn thì xông vào hôi của, quan chức thì tham nhũng vơ vét, "văn hoá phong bì" tràn lan, tệ "chạy" lây lan sang mọi lĩnh vực. Do đó, không nên nói quá nhiều những chuyện cao xa mà hãy học làm người tử tế đã. Tôi hay khuyên các cháu thanh niên rằng, trước hết hãy cố nói chứ đừng chửi thề, nhặt rác chứ đừng vứt rác, trồng cây chứ đừng chặt cây, đi chứ đừng chen lấn. Không làm người lương thiện thì khoan nói đến chuyện lý tưởng, hoài bão.
Giá trị sống thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, giai tầng, nhưng có những giá trị vĩnh cửu được gọi chung là cái thiện, cái tử tế, cái con người, trong đó tôi trân trọng nhất là lòng tự trọng. Tôi sợ nhất, thậm chí ghê tởm nhất những người không biết tự trọng, quỵ lụy, cúi mình nịnh nọt, chạy chọt và tệ hơn nữa là làm hại đồng loại để mưu lợi cho mình. Thật đau buồn thấy bây giờ sao lòng tự trọng bị đánh mất nhiều thế. Ai đời Đại hội Đảng cũng phải thốt lên trước tình trạng chạy tràn lan: chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương. Thực ra danh mục "chạy" còn dài hơn nhiều, kể cả chạy nghi thức và đất mai táng nữa. Đáng buồn nhất là cái cơ chế sinh ra nạn "chạy" vẫn tồn tại và đáng trách nhất là những người đáp ứng sự chạy chọt đó. Chính những người ấy cũng đã để mất lòng tự trọng một khi hạ mình sánh vai cùng với những kẻ chạy.
Có người hỏi tôi rằng, khi về nghỉ hưu, ông hối tiếc điều gì nhất. Tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn.
Nhìn bề ngoài hoặc xem lý lịch thì có vẻ đời tôi thuận buồm xuôi gió, nhưng thật ra không phải vậy. Tôi cũng đã từng trải qua biết bao thử thách, thậm chí bị trù úm, gièm pha đủ điều chứ đâu có sóng yên biển lặng. Nay nhìn lại thấy rợn tóc gáy, nhiều khi tưởng như không thể vượt qua nổi. Còn sức mạnh nào đã giúp tôi vượt qua thì tôi đã nói rồi: bất luận thế nào "mình vẫn là mình", tự trọng, không quỵ lụy luồn cúi.
Chữ tài đi với chữ tâm là vì thế. Dù anh là ai, tài đến đâu cũng phải biết lượng sức, đừng bao giờ nghĩ mình là người không thay thế được. Tôi luôn tâm niệm: "Không nên biết cách lên", nhưng nhất định phải "biết cách xuống" đúng lúc và đúng cách.
 

Tác giả bài viết: Vũ Khoan

Nguồn tin: Sơn mài Sông Bé

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây