Đưa xoài cát Hậu Giang vươn xa

Thứ năm - 08/09/2022 11:53
Đưa xoài cát Hậu Giang vươn xa
Áp phích quảng bá sản phẩm được dựng tại cầu 8000, Quốc lộ 61C, là một trong những hình thức tuyên truyền của dự án.
Áp phích quảng bá sản phẩm được dựng tại cầu 8000, Quốc lộ 61C, là một trong những hình thức tuyên truyền của dự án.
Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang” dùng cho sản phẩm xoài cát của tỉnh Hậu Giang”, kỳ vọng sẽ có nhiều trợ lực cho người trồng xoài, góp phần đưa sản phẩm xoài cát của tỉnh vươn xa.
Trợ lực cho người trồng xoài
Xoài cát Hậu Giang có nguồn gốc từ xoài cát Hòa Lộc, có xuất xứ từ ấp Hòa Lộc, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 675ha trồng giống xoài này, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành A với 375ha, năng suất trung bình hàng năm là 10 tấn/ha. Trồng xoài cát là công việc mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình tại tỉnh nhà. Tuy nhiên, việc trồng xoài hiện nay gặp không ít khó khăn do việc thu hoạch phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, sâu bệnh làm sản lượng sụt giảm, năng suất chưa cao, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Theo ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh: “Vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là một khó khăn đối với việc tiêu thụ sản phẩm xoài cát của tỉnh nhiều năm qua. Theo đánh giá, xoài cát là một sản phẩm triển vọng, có thể phát triển được tại tỉnh nếu làm tốt từ việc đảm bảo chất lượng cho đến quản lý thương hiệu sản phẩm”. Năm 2016, Hợp tác xã Xoài cát Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A), đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang”. Đây được xem là giấy thông hành để sản phẩm vươn xa, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, do không có kinh phí thực hiện, nên từ khi được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, chủ sở hữu chưa tổ chức kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm và tình hình quản lý của các tổ chức được trao quyền sử dụng nhãn hiệu; chưa xây dựng mô hình, quy chế quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể một cách hiệu quả; chưa xây dựng các kênh quảng cáo hay bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm,… Do đó, tác dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội mà nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang” mang lại chưa đạt yêu cầu của tỉnh và mong muốn của người dân địa phương.
Để khắc phục tình trạng này, từ tháng 6-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang” dùng cho sản phẩm xoài cát của tỉnh Hậu Giang”. Dự án là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017-2020, do Ths. Phạm Quốc Ân làm chủ nhiệm và Sở Công thương tỉnh là cơ quan chủ trì. Dự án đã thực hiện nhiều nội dung để trợ lực cho cho người trồng xoài trong việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang”, nhằm đưa sản phẩm này vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Cách quảng bá thương hiệu tốt
Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu về sản phẩm xoài cát Hậu Giang và vùng sản xuất xoài. Xây dựng mô hình quản lý và hệ thống công cụ, phương tiện quản lý nhãn hiệu tập thể. Học tập kinh nghiệm các mô hình quản lý các sản phẩm đặc sản địa phương của các tỉnh khác. Từ đó, triển khai hệ thống quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang”.
Theo kết quả điều tra, khảo sát của dự án, chỉ có 2% người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ biết rõ về xoài cát Hậu Giang; 28,5% người chỉ biết đến, nghe qua và có đến 68,5% người tiêu dùng chưa biết đến thương hiệu đặc sản này. Vì vậy, dự án đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động truyền thông để quảng bá thương hiệu “Xoài cát Hậu Giang” như: xây dựng website với tên miền truy cập: www.xoaicathaugiang.vn; thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu với các tờ rơi, bao bì sản phẩm, poster, biển hiệu quảng bá sản phẩm; xây dựng đoạn phim tư liệu, kênh Youtube và các bài báo truyền thông về sản phẩm.
Ông Bùi Hoàng Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Xoài cát Bảy Ngàn, cho biết: “Từ khi nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang” được quản lý và phát triển, tâm lý của bà con nông dân cũng phấn khởi hơn. Khi bà con thấy thương hiệu sản phẩm ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến, thì họ cũng quyết tâm củng cố lại vườn xoài của mình, trồng theo tiêu chuẩn an toàn để sản phẩm nhận được nhiều lợi thế hơn khi bán trên thị trường”.
Theo Ts. Lưu Tiến Thuận, Trưởng Bộ môn Marketing, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ: “Dự án là một nghiên cứu khá hoành tráng, đảm bảo yêu cầu khoa học, có tính khả thi và tính ứng dụng cao. Ban chủ nhiệm dự án đã đảm bảo số lượng và chủng loại sản phẩm, yêu cầu đặt ra”. Tuy nhiên, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá, nghiệm thu dự án cũng yêu cầu ban chủ nhiệm đi sâu vào các chuyên đề, tăng tính năng cho website của sản phẩm. Đồng thời, đưa ra những định hướng cụ thể để phát triển bền vững nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang”.
Trong thời gian tới, cơ quan chủ trì dự án là Sở Công thương tiếp tục xây dựng các kế hoạch, đề án tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong cả nước để giới thiệu hình ảnh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho “Xoài cát Hậu Giang”. Hiệu quả của dự án sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng toàn vùng sản phẩm tại địa phương và cho các đặc sản nổi tiếng của tỉnh trong thời gian tới.
Theo kết quả điều tra, khảo sát của dự án, chỉ có 2% người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ biết rõ về xoài cát Hậu Giang; 28,5% người chỉ biết đến, nghe qua và có đến 68,5% người tiêu dùng chưa biết đến thương hiệu đặc sản này. Do đó, Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Xoài cát Hậu Giang” dùng cho sản phẩm xoài cát của tỉnh Hậu Giang”, được kỳ vọng sẽ quảng bá tốt sản phẩm này.
 
 

Tác giả bài viết: Đang Thư

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây