Năm 2020, tỉnh Hậu Giang đặc biệt chú trọng quảng bá hình ảnh và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước.
Mặc dù dịch Covid-19 đe dọa khắp nơi nhưng chính quyền tỉnh đã vượt qua khó khăn, xúc tiến nhiều chương trình kêu gọi đầu tư, đồng thời cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư địa phương để tạo bứt phá. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã có những chia sẻ xung quanh chủ đề này.
Hậu Giang đã cải thiện được thứ bậc trong năm 2019, từ 44 lên 42/63 tỉnh thành trong cả nước. Xin ông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, chính quyền địa phương đã làm gì để cải thiện tốt hơn nữa vị trí của mình?
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ V/v tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Giám đốc sở; Thủ trưởng cơ quan, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố quán triệt và tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 459/KH-UBND ngày 06/3/2019 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trong đó, mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm.
Hậu Giang hiện đứng vị trí thứ 8/13 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong nhóm hạng khá, đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Hậu Giang tăng hạng, từ nhóm trung bình đã vươn lên nhóm khá.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 11 dự án được cấp chủ trương đầu tư, tăng 3 dự án so cùng kỳ (cùng kỳ 08 dự án) với tổng số vốn là 1.756 tỷ đồng, tăng 31,5% so cùng kỳ (cùng kỳ là 1.335 tỷ đồng), tạo việc làm cho 3.890 lao động. Lũy kế từ trước đến nay, toàn tỉnh có 345 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 128.757 tỷ đồng, trong đó 289 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp, với tổng số vốn là 39.219 tỷ đồng và 56 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn là 89.538 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đầu năm đến nay thu hút được 01 dự án FDI đầu tư vào tỉnh, với tổng số vốn là 115 tỷ đồng, tương đương 5,06 triệu USD, tạo việc làm cho 1.500 lao động (Công ty Thrive Foison Limited - Nhà máy may giày), lũy kế đến nay, tỉnh Hậu Giang thu hút được 31 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 557 triệu USD.
Công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), trong 6 tháng, tỉnh đã tiếp nhận 06 dự án phi Chính phủ nước ngoài, giảm 3 dự án so cùng kỳ, với tổng mức tài trợ 11,7 tỷ đồng, bằng 54% so cùng kỳ. Lũy kế từ trước đến nay toàn tỉnh đã tiếp nhận 224 chương trình dự án vốn NGO, với tổng mức tài trợ là 303 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân đạt 80% Kế hoạch vốn.
Về thu hút nguồn vốn ODA: 6 tháng đầu năm 2020 triển khai thực hiện 04 dự án, bao gồm: Xây dựng hồ chứa nước ngọt tỉnh Hậu Giang; Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vị Thanh; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat) tỉnh Hậu Giang và Dự án mở rộng và nâng cấp đô thị Việt Nam-Tiểu dự án thành phố Vị Thanh. Lũy kế từ trước đến nay toàn tỉnh có 32 dự án vốn ODA, tổng mức đầu tư là 4.367 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ, trong đó vốn ODA là 2.976 tỷ đồng, vốn đối ứng là 1.391 tỷ đồng.
Hậu Giang vẫn đang trên đường công nghiệp hóa, song cơ cấu nông nghiệp trong toàn ngành kinh tế vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Xin ông cho biết, những tháng qua ngành nông nghiệp đã “vượt qua chính mình” trong đại dịch Covid-19 như thế nào?
Thời gian qua ngành nông nghiệp không chỉ chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 mà còn phải chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Các đợt nắng nóng, hạn mặn gây gắt đe dọa trực tiếp đến các vùng sản xuất cây ăn trái, hoa màu và các loại cây trồng khác. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như thế, nhưng với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, UBND, sự vào cuộc và sự quyết tâm vượt qua khó khăn của cả hệ thống chính trị nói chung và của toàn ngành nông nghiệp nói riêng, kết quả ước tính tăng trưởng lĩnh vực nông – lâm – thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 2,41% (Kế hoạch 2,7%, cùng kỳ là 2,35%). Nếu tính theo giá hiện hành thì giá trị gia tăng khu vực I đã tăng 222 tỷ đồng và giá trị sản xuất tăng 426 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Để đạt được kết quả như thế thì trong từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã được chúng tôi tập trung chỉ đạo lực lượng cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư các mô hình giúp bà con nông dân ổn định sản xuất, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp chú trọng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Kết quả từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm buộc phải công bố dịch; tính từ ngày tiêu hủy cuối cùng (13/01/2020) đến nay trên địa bàn tỉnh không có heo chết và tiêu hủy do bệnh, tình hình dịch tả heo Châu Phi đã được khống chế. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 3,25 triệu con, trong đó đàn gia cầm và đàn trâu, bò tăng từ 4 – 5% so với cùng kỳ; riêng đàn heo đang được người dân đầu tư tái sản xuất. Hiện đàn heo có 80.449 con, trong đó tỷ lệ tái đàn là 27%. Lĩnh vực thủy sản và trồng trọt cũng phát triển khá, không xảy ra dịch bệnh nào nguy hiểm ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân, năng suất, sản lượng có tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Thu hút đầu tư luôn là mục tiêu của các tỉnh đang phát triển. Xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và các chính sách xúc tiến đầu tư của địa phương trong thời gian tới như thế nào?
Chúng tôi đã có kế hoạch để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội trong những tháng cuối năm, trong đó lấy sự cải thiện chính mình làm trọng tâm. Cụ thể, yêu cầu các sở, ngành tỉnh và địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án, không để chậm trễ, tồn đọng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Địa phương cũng đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: Công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính. Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: Phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo từng giai đoạn. Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh, đặc biệt thu hút đầu tư mới phải trên nguyên tắc có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lao động giải quyết nhu cầu việc làm và tăng thu cho ngân sách. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công tỉnh năm 2020 để hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh thiết thực, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các ban ngành cũng nhanh chóng đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế, đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, nhất là các dự án ở khu, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nhà ở và các công trình trọng điểm đầu tư công.