Lễ tưởng niệm bà Merle Ratner: Trang trọng và xúc động

Thứ hai - 19/02/2024 08:05
Lễ tưởng niệm bà Merle Ratner: Trang trọng và xúc động
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn phát biểu. (Ảnh: Đinh Hòa)
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn phát biểu. (Ảnh: Đinh Hòa)
Sáng ngày 16/2, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm bà Merle Ratner theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì buổi Lễ. Tham dự có Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Trần Đắc Lợi, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và những người bạn Mỹ và Việt Nam cùng tham dự trực tiếp.

Tại Mỹ, Giáo sư Ngô Thanh Nhàn, chồng của bà Merle Ratner và những người thân, bạn bè Mỹ của bà Merle Ratner và gia đình tham dự tại gần 40 điểm cầu trực tuyến.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu bày tỏ niềm thương tiếc của những người bạn Việt Nam với bà Merle Ratner - nhà hoạt động hòa bình, phản chiến, đấu tranh cho dân quyền và tiến bộ, một người bạn lớn, thủy chung của nhân dân Việt Nam; một người đồng chí, đối tác gần gũi, thân thiết của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam.

Điểm lại những hoạt động của bà Merle Ratner từ năm 13 tuổi khi tham gia các phong trào vì hòa bình, tích cực biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; cùng với những người Mỹ yêu hoà bình đã giương cao các khẩu hiệu yêu cầu chấm dứt chiến tranh, gõ cửa từng nhà để giải thích cho người Mỹ về sai lầm của cuộc chiến của Mỹ và quyền được độc lập của nhân dân Việt Nam, ông Phan Anh Sơn nhấn mạnh “Hình ảnh cô gái 16 tuổi phất cao lá cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên tượng Nữ thần Tự do tại New York để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và cùng với những người Mỹ yêu chuộng hoà bình cất cao lời ca bài hát “Giải phóng miền Nam” mỗi khi xuống đường đấu tranh vì một Việt Nam hoà bình, thống nhất sẽ mãi mãi là những hình ảnh không thể quên trong trái tim của nhiều thế hệ người dân Việt Nam, là biểu tượng về tình đoàn kết quốc tế, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam”.
 

le tuong niem ba merle ratner trang trong va xuc dong sau sac 20240216124403
Phút mặc niệm bà Merle Ratner tại buổi Lễ. (Ảnh: Đinh Hòa)

Khi chiến tranh kết thúc, bà Merle Ratner tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong công cuộc khôi phục đất nước. Bà cùng những người bạn cùng chí hướng đấu tranh chống lại lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, yêu cầu Mỹ tôn trọng Hiệp định Paris. Giai đoạn từ năm 1976-1979, bà cùng chồng là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn đã thúc đẩy thành lập "Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ" để kêu gọi Chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ và bãi bỏ cấm vận Việt Nam.

Trong vai trò là đồng sáng lập “Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam – VAORRC”, bà đã đồng hành, giúp đỡ nhân dân Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tìm kiếm công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, gây sức ép lên Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất chịu trách nhiệm tẩy rửa môi trường ở những điểm nóng; bồi thường, cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, tạo công ăn việc làm cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.
Bà Merle Ratner có niềm tin sắt son vào lý tưởng Cộng sản và Chủ nghĩa xã hội, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đấu tranh cho các giá trị của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trên con đường đã chọn.

Bà Merle Ratner và chồng, Giáo sư Ngô Thanh Nhàn đã dành trọn tình cảm cho Việt Nam. Ngôi nhà của ông bà là địa chỉ quen thuộc của những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Mỹ. Bà Ratner và chồng đã trợ giúp nhiều hoạt động của các đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm Mỹ, phối hợp tổ chức cho bạn bè Mỹ sang giao lưu, trao đổi tại Việt Nam.
 

hoa 531320240216125519
Chủ tịch Phan Anh Sơn, Đại sứ Nguyễn Phương Nga ghi sổ tang tiễn biệt bà Merle Ratner. (Ảnh: Đinh Hòa)

Đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bà Merle là người bạn, người đồng chí thủy chung, chân thành, thẳng thắn. Bà luôn sẵn sàng hỗ trợ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tổ chức các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với bạn bè cánh tả, đảng cộng sản tại Mỹ. Bà cũng tham gia nhiệt tình vào nhiều hoạt động do các tổ chức thành viên như Hội Việt - Mỹ, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức.

“Chị Merle Ratner đã sống một cuộc đời thật đẹp và ý nghĩa. Tình cảm và di sản mà chị để lại về quan hệ, đoàn kết nhân dân Việt Nam và Mỹ sẽ là ngọn lửa tiếp tục cháy sáng niềm tin về mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau vì hòa bình, hợp tác và phát triển giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ trong hiện tại và tương lai”, ông Phan Anh Sơn nói.

Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ: bà Merle Ratner là người bạn, người đồng chí đặc biệt của Việt Nam. Bà đã có nhiều đóng góp to lớn cho quan hệ Việt Nam – Mỹ, đã nỗ lực không mệt mỏi vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Bà đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, công lý, tự do và phát triển trên thế giới; hạnh phúc cho người dân; vì quyền và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo.
 

Từ New York, ông Ngô Thanh Nhàn, chồng của bà Merle Ratner cảm ơn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức buổi Lễ tưởng niệm. Ông chia sẻ: “Merle muốn tôi tiếp tục phát triển quan hệ nhân dân Việt Nam – Mỹ. Merle nói khi làm ngoại giao nhân dân, phải quan tâm đến những người trẻ tuổi, đưa họ tham gia các hoạt động hợp tác, đoàn kết. Tôi sẽ tiếp tục phát triển quan hệ nhân dân cánh tả giữa các sắc tộc ở Mỹ, với các đồng chí da đen, tất cả những người da màu trên thế giới và đặc biệt là với nhân dân Việt Nam”.
Tại Lễ tưởng niệm, những người bạn Mỹ và Việt Nam đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến ông Ngô Thanh Nhàn và gia đình trên các nền tảng mạng xã hội và ghi sổ tang tiễn biệt bà Merle Ratner.
Dịp này, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam quyết định truy tặng “Kỷ niệm chương vì Hòa bình, Hữu nghị giữa các dân tộc”, phần thưởng cao quý nhất của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đối với bà Merle Ratner vì đã có nhiều đóng góp quý báu, ủng hộ Việt Nam trong công cuộc thống nhất đất nước; khắc phục giải quyết hậu quả chiến tranh và thúc đẩy quan hệ nhân dân Việt Nam – Hoa Kỳ.

“Sự ra đi của bà Merle Ratner là mất mát to lớn cho phong trào hòa bình tại Mỹ và Việt Nam. Bà sẽ luôn được nhớ đến bởi những người yêu chuộng hòa bình, cùng đấu tranh cho công lý, tự do, công bằng”.

(Ông Trần Đắc Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam)

“Bà Merle Ratner hiểu biết và gắn bó với Việt Nam. Lịch sử, văn hóa, ca hát, thi ca, ẩm thực và con người Việt Nam đã trở thành một phần cuộc sống của bà. Ý chí đấu tranh mãnh liệt vì nhân loại của bà và tình yêu bà dành cho Việt Nam sẽ sống mãi trong trái tim, tâm trí của những người bạn của Merle Ratner.”

(Ông Bùi Thế Giang, Phó Chủ tịch Hội Việt – Mỹ )
 

“Bà Merle Ratner đã đồng hành cùng Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin Việt Nam, đấu tranh cho công lý và vận động nguồn lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Trong 20 năm, bà đã góp phần xoa dịu nỗi đau cho hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Bày tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của bà Merle Ratner, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những dự định còn dang dở của bà trong việc đồng hành, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam”.

​(Ông Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin Việt Nam.)

 
 

Tác giả bài viết: Hồng Anh

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây