Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; số ca mắc, tử vong ngày càng giảm sâu ở tâm dịch TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 2/10,
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thông tin trên. Ông nói "đây là điểm sáng, kết quả đáng mừng trong quý 3 và tháng 9", sau khi 23 tỉnh, thành thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế.Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được lơ là, chủ quan vì tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp; đồng thời không cực đoan, cần thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các địa phương không được "cát cứ, cục bộ", cần tiếp tục tăng cường phối hợp trong phòng chống dịch. Hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở cần được củng cố. Các trạm y tế lưu động luôn sẵn sàng, để người dân được tiếp cận sớm, nhanh nhất từ cấp cơ sở.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu hoàn thiện việc tích hợp các nền tảng công nghệ phục vụ chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo thuận lợi cho người dân. Các đơn vị tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trên tất cả các mặt trong phòng, chống dịch.
"Việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc rất lớn vào phòng, chống dịch", Thủ tướng nêu rõ.
Về giá kit xét nghiệm, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, công khai kết quả xử lý.Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ nhập vaccine, bởi đây là vấn đề "có tính chất rất quyết định cho việc mở cửa thắng lợi nền kinh tế". Công tác ngoại giao vaccine cần làm tốt; bằng mọi cách, mọi giá để có vaccine nhanh nhất, sớm nhất.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch sẽ có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Đồng thời, nguồn lực y tế tư nhân sẽ được huy động tham gia.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nói vừa qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết nên phải hy sinh một phần kinh tế, tăng trưởng quý 3 giảm sâu. Do đó, những tháng cuối năm, cùng với nỗ lực cao nhất về phòng, chống dịch, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Những điều này sẽ tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 10.
Địa phương căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện thống nhất toàn quốc việc lưu thông hàng hóa theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và chỉ đạo của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh cần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, đi lại, "lúc này phải thắt lưng buộc bụng". Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo dõi hằng ngày diễn biến đời sống người dân, có chính sách hỗ trợ nhanh, đơn giản, hiệu quả nhất. Những nơi an toàn lên kế hoạch đưa học sinh trở lại trường.
Về việc một số địa phương sau khi nới lỏng giãn cách, người dân muốn trở về quê, Thủ tướng đề nghị tiếp tục vận động người dân ở lại; có biện pháp ổn định cuộc sống, tiêm vaccine; giải quyết việc làm. Những người thực sự cần trở về, địa phương phối hợp với nhau để đưa đón an toàn, trên tinh thần tương thân tương ái, "tránh những căng thẳng không cần thiết".
Các địa phương tham khảo một số bài học kinh nghiệm tốt như Vĩnh Phúc đón hơn 20.000 người dân trở về an toàn; Tiền Giang đón người trở về theo hướng phân cấp, phân tán xuống từng xã, huyện để tránh quá tải.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cho biết đến nay cả nước đã hỗ trợ hơn 18,1 triệu người với kinh phí hơn 14.900 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/10, đến nay đã hỗ trợ 3.570 người lao động trên cơ sở dữ liệu có sẵn. Các cơ quan phấn đấu trong 5 ngày hỗ trợ cho tất cả người sử dụng lao động; hỗ trợ cho 12,8 triệu lao động trong tối đa trong 45 ngày, rút ngắn 2/3 thời gian so với yêu cầu.