Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, tin rằng công nghệ sẽ giúp Việt Nam vượt qua đại dịch và sớm trở thành một trong những quốc gia đầu tiên chuyển đổi số thành công.
Bộ Tài chính sáng 15/10 trao
bằng khen cho FPT và Sovico về thành thích xử lý nghẽn giao dịch tài sản HoSE trong đúng 100 ngày.
VnExpress có cuộc trao đổi với ông Trương Gia Bình về những bài học rút ra từ chiến dịch chưa từng có của cộng đồng công nghệ Việt Nam cũng như vai trò của công nghệ trong phòng chống dịch Covid. Theo ông, công nghệ sẽ giúp Việt Nam thắng dịch thuyết phục trên 4 trụ cột y tế, kinh tế, hỗ trợ chỉ huy và an sinh.
Với tư cách cá nhân, ông đúc rút ra điều gì từ thành công của chiến dịch này?
- Dù FPT đã có 25 năm đồng hành cùng ngành tài chính Việt Nam, xây dựng tất cả những hệ thống quan trọng nhất từ kho bạc, ngân hàng, thuế, hải quan đến sàn chứng khoán Hà Nội..., nhưng nếu bạn hỏi tôi có lo không khi nhận nhiệm vụ thì phải thừa nhận là có.
Trước hết là vì mức độ quan trọng của bài toán. Thêm nữa là niềm tin của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trao cho FPT và Sovico. Do đó mà lo lại càng lo. Nhất là thời gian chỉ có 100 ngày. Trong
100 ngày chúng tôi phải xử lý tất cả các khâu từ thủ tục đến kiểm thử, giao tiếp nhuần nhuyễn với tất cả các công ty chứng khoán.
Cuối cùng, thì thành quả như các bạn đã biết. HoSE
hết nghẽn lệnh, hoạt động an toàn và thông suốt, khả năng xử lý từ 3 đến 5 triệu lệnh mỗi ngày, gấp 3 đến 5 lần hệ thống cũ. HOSE có thể làm chủ công nghệ và mở rộng trong tương lai, hệ thống sẽ đáp ứng nhu cầu của sàn trong ít nhất 3 đến 5 năm tới. Cá nhân tôi rất xúc động khi Bộ Tài chính ghi nhận công sức cho những người thực hiện dự án. Nhưng trên hết, tôi vui vì được tin tưởng, cộng đồng công nghệ Việt Nam được tin tưởng. Chúng tôi có thể giải các bài toán lớn hơn, quan trọng hơn, có tầm ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia hơn.
Được trao niềm tin là điều rất rất quan trọng. Bạn cứ thử ngẫm cho riêng mình mà xem.
- Vậy ông có định mang niềm tin đó sang xử lý các bài toán khó khác, như làm thế nào để Việt Nam thích nghi với diễn biến khôn lường của đại dịch khi mỗi ngày vẫn còn hơn 3.000 ca nhiễm?
- Chúng ta đang có một bài toán vô cùng lớn là dịch Covid-19. Virus nguy hiểm bởi tốc độ lây lan rất nhanh. Nhưng tôi tin công nghệ còn nhanh hơn nhiều lần. Đây sẽ là giải pháp giúp chúng ta phát hiện sớm, cách ly và xử lý sớm những ca mắc, từ đó ngăn chặn sự lây lan. Cái cần thiết nhất trong chống dịch là kịp thời. Trễ là thua. Chẳng hạn với người nhiễm bệnh, ứng dụng công nghệ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý, phân loại bệnh nhân. Đây chính là cơ hội để công nghệ có thể cứu người.
Tôi khẳng định công nghệ có thể cứu người, giải được bài toán mà bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y gặp tại Bình Dương. Một ngày mỗi bác sĩ ở khâu sàng lọc thường nghe điện thoại của khoảng 50 bệnh nhân, mất đến 4 hoặc 5 tiếng. Nếu AI được nạp tất cả các dữ liệu, nó có thể tương tác với các bệnh nhân, giảm tải cho các bác sĩ điều trị.
Một tình huống khác là các bệnh nhân thường lo nghĩ nên gặp được bác sĩ thì hỏi rất nhiều. Bác sĩ hỏi 5 câu thì bệnh nhân hỏi lại 20 câu. Nhưng nếu nói chuyện với máy, công nghệ sẽ đảm bảo hai bên giao tiếp đúng thứ cần thiết, giúp tiết kiệm thời gian. Từ đó, hiệu suất làm việc của các y bác sĩ sẽ được nhân lên rất nhiều lần.
Trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất nhanh chóng. Với kiến thức mà máy học trong hàng chục vạn cuộc nói chuyện, AI có thể dễ dàng học được kiến thức đó và tương tác, công suất gấp hàng ngàn lần so với con người.
Ngoài cứu người, liệu công nghệ có thể cứu doanh nghiệp hiện nay và sau dịch, khi một khảo sát của VnExpress và Ban IV cho thấy có tới 70% trong số 21.000 đơn vị đã phải đóng cửa ?
- Tôi chứng kiến nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động. Những lao động đã gắn bó doanh nghiệp rất nhiều năm, cùng nhau trải qua bao khó khăn mà giờ phải nghỉ việc, vì doanh nghiệp họ cạn tiền rồi. Buộc phải cắt giảm những người từng kề vai sát cánh, coi nhau như anh em. Mất doanh nghiệp trong bối cảnh này, cũng nhiều đau xót lắm bởi thực ra nó như đứa con của mình.
Nhưng một lần nữa, trong đau thương, tôi vẫn tin rằng công nghệ hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề trên. Hãy nhìn vào Bắc Giang, mỗi khu công nghiệp cả ngàn người, Covid-19 từng gây ảnh hưởng tại đây. Nhưng họ đã học được cách vừa sản xuất, vừa đẩy lùi được dịch bệnh, trở thành tỉnh xanh. Bắc Giang vừa giữ được doanh nghiệp, vừa giữ được lao động. Thậm chí tháng trước họ nhận thêm nhiều lao động về.
Quảng Ninh cũng tương tự. Ở đây, công nghệ đã giúp hệ thống hóa toàn bộ bài học thực tiễn thành các giải pháp để tỉnh và các doanh nghiệp có thể vận hành trong mọi tình huống.
Đầu tiên là tiêm vaccine để hạn chế tối đa các trường hợp bệnh tăng nặng hoặc tử vong. Tiếp theo là bài toán truy vết. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cũng từng đưa ra giải pháp truy soát phù hợp với túi tiền của doanh nghiệp.
Việt Nam sẽ có những khu vực xanh, nhà máy xanh, phân xưởng xanh. Khi xuất hiện một vùng "cam" hay "đỏ" công nghệ sẽ nhanh chóng phân loại để khoanh vùng cách ly, điều trị, trong khi các nơi khác vẫn sinh hoạt bình thường. Như vậy doanh nghiệp mới có thể sống, trở thành những pháo đài xanh để cung cấp nguồn lực cho xã hội. Chúng ta mới có cơ hội để bứt phá ngoạn mục trong nay mai.
- Ông đã nói về cứu người, cứu doanh nghiệp, vậy công nghệ sẽ giúp gì cho những chỉ huy các cấp bởi với chiến lược chống dịch mới họ sẽ phải ra những quyết định rất khó khăn để ngăn chặn nguy cơ bùng dịch?
- Dịch bệnh chính là một cuộc chiến, trên nhiều khía cạnh còn khủng khiếp hơn chiến tranh. Bởi chiến tranh thì thỉnh thoảng vẫn có nơi bình yên chứ hiện nay không đâu có thể nhận là yên bình. Virus không phân biệt vùng miền, sắc tộc hay ngôn ngữ. Vì vậy những chỉ huy của trận chiến này cần dữ liệu ở mức độ chính xác cao nhất. Có dữ liệu chính xác thì toàn bộ hệ thống sẽ nhất quán, đây là yếu tố mà công nghệ có thể hỗ trợ được rất nhiều.
Người cầm quân phải thấy rõ trận đồ, tổng thể chiến dịch. Tường tận tới từng đơn vị nhỏ nhất. Chỉ cần vài thao tác là nhìn rõ từng trường hợp cụ thể, ngay tức thời chứ không chờ báo cáo từ dưới lên. Có như thế quyết định mới sát với tình hình chiến sự. Sự hoảng loạn trong thời gian vừa qua, theo tôi, phần nào thể hiện thông tin bị nghẽn ở đâu đó.
Ở bối cảnh mới, chính quyền có thể giao cho các doanh nghiệp chủ động chống dịch, tự test, cách ly và điều trị... Thông qua các phần mềm, doanh nghiệp sẽ báo cáo lên, hiển thị chi tiết nhằm giúp nắm rõ tình trạng hiện tại để cùng nhau giải quyết. Công nghệ sẽ giúp liên kết các mối quan hệ, xuyên suốt nhằm sớm chuyển sang trạng thái bình thường xanh.
Từ bài học này, chúng ta có thể ứng dụng công nghệ làm nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số trên quy mô quốc gia, thậm chí có thể giúp Việt Nam trở thành nước phát triển sớm hơn so với cột mốc 2045.
- Vậy an sinh xã hội, yếu tố cuối cùng trong 4 trụ cột chống dịch, sẽ được công nghệ giải quyết thế nào khi chúng ta không thể theo đuổi chiến lược "zero covid", thưa ông?
- An sinh là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt khi Covid-19 ập tới. Ở Việt Nam, nhìn dòng người chật kín quốc lộ, tha hương về quê tôi cảm thấy đau xót. Cả nhà rồng rắn nhau trên chiếc xe máy cho thấy rằng họ không còn sự lựa chọn nào khác để sinh tồn. Nếu công nghệ được ứng dụng, thay vì việc gõ cửa từng nhà, phát từng gói quà, từng tặng phẩm... chúng ta có thể thống kê và số hóa toàn bộ quy trình. Việc này có thể đảm bảo sự nhất quán, rằng ai cũng đều được nhận những phần hỗ trợ giống như nhau, khiến người dân có niềm tin hơn và không còn thắc mắc.
Trong cùng một con ngõ, sẽ không còn ai phải tị nhau tôi được thế này mà nhà khác được thế kia. Mọi người được bình đẳng trước các cơ hội. Tất cả minh bạch rõ ràng.
Nhưng trên hết, an sinh còn nằm ở khía cạnh tâm lý. Chúng ta quá sợ hãi trước dịch bệnh bởi không có công cụ để thích nghi với nó. Nhiều nhu cầu bị bỏ qua, thậm chí là lãng quên. Nhưng công nghệ có thể thay đổi những bất cập này. Người dân có thể kết nối với bác sĩ ngay khi cần, nhanh chóng có đồ ăn khi đói, có người hỗ trợ khi vừa gọi. Như vậy họ sẽ yên tâm sống chung với Covid. Cách chung sống an toàn với dịch cũng một phần thúc đẩy cách mạng 4.0.
Vậy ở FPT, nơi ông đang dẫn dắt, công nghệ có đang được ứng dụng như một hình mẫu mà các doanh nghiệp và nhà quản lý có thể tin vào?
- Tại FPT, điều đầu tiên của chúng tôi làm là tiêm vaccine cho chính mình. Chúng tôi phải giữ an toàn cho mình thì mới hy vọng tốt cho đối tác. Các công ty đa quốc gia không quan tâm ở Việt Nam dịch bệnh ra sao. Họ chỉ cần biết FPT đang vận hành cả một hệ thống thông tin mà để đứt mạch là không thể chấp nhận. Vì vậy chúng tôi phải áp dụng khẩn cấp các giải pháp cho mình. Rồi từ đó có hình thành nên "Mũi tiêm" số 1 của gói eCovax mà FPT đưa đã giúp vận hành công việc văn phòng hiệu quả, với các giải pháp họp trực tuyến, văn phòng không giấy tờ, chữ ký số, giao dịch điện tử... Kể cả khi Covid-19 qua đi, các giải pháp này vẫn giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả, bền vững trong tương lai.
"Mũi tiêm" số 2 của FPT giúp giải quyết các vấn đề như: nhân lực, nhân công, tài chính, bán hàng... Sẽ có nhiều "mũi tiêm" nữa để hoàn thiện quá trình chuyển đổi số.
Chúng tôi đi rất sát với từng Bộ ban ngành, các địa phương... để giải các bài toán của họ bằng công nghệ. Sự khác biệt của ngày hôm nay là FPT đã vươn lên mức cao hơn, làm chủ được hàng loạt công nghệ như Điện toán đám mây, Big Data, AI, Blockchain, iOT... FPT đã trưởng thành hơn để giải quyết các bài toán lớn như vậy.
- Quay trở lại vấn đề niềm tin. Ông hình dung về kịch bản chống dịch và kinh tế của Việt Nam sẽ như thế nào nếu cộng đồng công nghệ được tin tưởng trao cơ hội giải quyết bài toán tầm quốc gia này?
- Nếu áp dụng công nghệ một cách bài bản trong công tác chống dịch, dựa trên đội ngũ y bác sĩ nhiệt huyết và giàu kinh nghiệm thì tỷ lệ lây trên dân số, tỷ lệ tử vong trên các các nhiễm... Việt Nam có thể sẽ nằm trong nhóm các nước chống dịch tốt nhất thế giới. Từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, cơ hội sẽ đến nhiều hơn, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng đột biến... nếu chúng ta chống dịch dựa trên vaccine và giải pháp số.
Trên đà chuyển đổi số chống dịch, chúng ta sẽ tiếp tục làm chuyển đổi số cho nền kinh tế và cả xã hội. Phong cách sống của người Việt sẽ thay đổi rất nhanh, thanh toán điện tử, thương mại điện tử, dịch vụ tại nhà... Từ bài học này, chúng ta có thể ứng dụng công nghệ làm nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số trên quy mô quốc gia, thậm chí có thể giúp Việt Nam cán đích sớm hơn cột mốc năm 2045 là trở thành nước phát triển.
Tôi cũng tin rằng bằng công nghệ, Việt Nam mới chiến thắng đại dịch một cách thuyết phục. Bên cạnh đó là trí tuệ của cộng đồng, sự quyết tâm, đồng lòng thống nhất từ trên xuống dưới.
Dân tộc này, đất nước này lạ lắm. Cứ trong khó khăn là làm nên kỳ tích. Tôi tin lần này cũng vậy.