Nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hậu Giang

Thứ tư - 02/02/2022 05:14
Nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hậu Giang
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở huyện Phụng Hiệp ban đêm.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở huyện Phụng Hiệp ban đêm.
Gương sáng cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh những năm qua rất nhiều. Thời gian đầu thành lập tỉnh (năm 2004) là những tấm gương tiên phong, khắc phục khó khăn để khai phá vùng đất mới; những năm sau đó là những tấm gương tận tụy chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế, kêu gọi đầu tư; gương sáng về học tập và làm theo gương Bác...
Khó khăn dần qua thì Hậu Giang xuất hiện những tấm gương cán bộ, đảng viên lãnh đạo đi đầu xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; phát triển nông nghiệp bền vững… Tất cả đã góp phần vẽ lên một bức tranh Hậu Giang những gam màu sáng.
Nhiều kết quả tích cực
Nêu gương trong cán bộ, đảng viên nói chung và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thời gian qua ở tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần dẫn dắt, chi phối xã hội, lãnh đạo nhân dân nghe theo, làm theo, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh thực hiện trách nhiệm nêu gương ở các nội dung: chính trị, tư tưởng; đạo đức lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
Qua đánh giá, với ý thức chính trị cao trong lãnh đạo địa phương, đơn vị phát triển đúng định hướng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan tâm nêu gương trong tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm hướng dẫn của Trung ương về “Xây dựng bản cam kết, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng”, “Gợi ý một số nội dung thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)”. Theo đó, căn cứ vào những nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nội dung Chỉ thị 05 và quy định về nêu gương, khi xây dựng kế hoạch, chương trình, nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể, các cấp ủy, chính quyền chủ động, ưu tiên chọn một số công việc, vấn đề cụ thể mang tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm đưa vào nội dung kế hoạch, chương trình, nghị quyết hàng năm để giải quyết.
Về gương mẫu trong đạo đức, lối sống, phải khẳng định rằng, cán bộ, đảng viên nói chung và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh rất quan tâm gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về nêu gương. Luôn là tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; phát huy tốt tinh thần đoàn kết nội bộ.
Trong tác phong, lề lối làm việc, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, tuyệt đại đa số có phương pháp khoa học, thực hiện đúng quy định, nguyên tắc công việc; năng động ứng dụng công nghệ; rất nhiều cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và động viên thuộc cấp mạnh dạn sáng tạo.
Gương sáng cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh những năm qua rất nhiều. 2 năm gần đây nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiên phong nêu gương trong phòng, chống dịch Covid-19; họ không ngại khó, ngại khổ, xung phong ngày đêm ở tuyến đầu để chống dịch, giữ bình yên cuộc sống. Trong hai đợt sinh hoạt chính trị lớn là đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, dù nhiệm vụ thường xuyên không giảm và phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhưng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành mục tiêu kép.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng đặc biệt quan tâm củng cố mối quan hệ mật thiết với Nhân dân; thực hiện tốt việc tiếp dân định kỳ và đột xuất, đối thoại, giải quyết kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại chính đáng của dân. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết trên 480 đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân đúng thẩm quyền; tổ chức tiếp dân định kỳ và đột xuất hơn 2.200 cuộc; tổ chức đối thoại trực tiếp và đột xuất trên 50 cuộc. Nổi bật nhất là tỉnh tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh... có trên 10.000 đại biểu tham dự với hơn 1.860 ý kiến đóng góp của dân được ghi nhận, giải quyết.
Trong nêu gương tự phê bình và phê bình, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện vào các cuộc họp định kỳ và đột xuất. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình xây dựng Đảng, hầu như đã không ngần ngại chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của đồng chí mình để cùng nhau khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Từ năm 2017-2021, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình được tổ chức đạt yêu cầu đề ra, kiểm điểm đúng quy trình từ lãnh đạo cao nhất đến cấp thấp hơn; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền rất quan tâm kiểm điểm cụ thể, đầy đủ, sâu sát, không qua loa, hình thức.
Nêu gương sáng về tổ chức kỷ luật và giữ gìn đoàn kết nội bộ cũng được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm, trong đó thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thực hiện nề nếp chế độ sinh hoạt đảng, nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị; quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ. Gương mẫu chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức và yên tâm công tác; tích cực đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết trong nội bộ…
Cùng với đó là kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe làm gương. Ở mặt công tác này, dù chẳng muốn nhưng để đảm bảo răn đe và phòng ngừa chung, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã chủ động chỉ đạo phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha.
Phải khẳng định rằng, nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thời gian 5 năm qua được thực hiện khá nghiêm túc, đầy đủ các nội dung phải nêu gương; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thấm nhuần lời dạy của Bác về nêu gương của đảng viên đó là “đảng viên đi trước, làn nước theo sau”; “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Khi cán bộ, đảng viên biết làm gương, nêu gương trong công tác, trong lối sống, trong mọi hoàn cảnh thì sẽ có sức dẫn dắt, chi phối xã hội, dễ dàng lãnh đạo nhân dân nghe theo, làm theo thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kinh nghiệm rút ra được từ nêu gương
Có những nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh. Trong đó, giai đoạn đổi mới, hội nhập phát triển, do tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nên ít nhiều ảnh hưởng đến sự nêu gương của đảng viên và nêu gương chưa toàn diện… Có thể thấy, từng lúc, từng nơi, vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hậu Giang cũng có những hạn chế; số ít vi phạm về nêu gương làm ảnh hưởng đến một số tổ chức đảng và cá nhân đơn vị mình.
Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nêu gương, Hậu Giang rút ra được các bài học kinh nghiệm sau để có thể áp dụng trong thời gian tới.
Trước hết, đó là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực sự thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, quy định về nêu gương, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xác định suốt đời học tập và làm theo gương Bác.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định nêu gương chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống là hàng đầu. Bởi khi có nhận thức đúng đắn sẽ là nền tảng vững chắc để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đơn vị, địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước.
Cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phải có động cơ nêu gương, làm gương trong sáng, thực hiện thường xuyên, liên tục, đến nơi đến chốn các nội dung tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và nội dung đoàn kết nội bộ. Quan tâm tiên phong thực hiện những việc khó, việc lớn; nêu gương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với việc công, vì lợi ích chung.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp luôn giám sát gắn với phản biện, phê bình những cán bộ lãnh đạo nêu gương hình thức, nêu gương vì động cơ, mục đích cá nhân; kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm điều cấm của Đảng.
Cuối cùng là phải thường xuyên quán triệt các quy định về nêu gương ở các cấp, các ngành để cán bộ, đảng viên hiểu sâu, nắm vững cùng với tập thể tạo ra phong trào thi đua nêu gương sáng nhằm tác động, dẫn dắt toàn xã hội thực hiện nhiều việc tốt, góp phần làm cho phương thức lãnh đạo của Đảng về nêu gương hiệu quả hơn, sâu sắc hơn.
Để các quy định về nêu gương được thực hiện hiệu quả trong toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp, chỉ đạo Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật mở các trang mục tuyên truyền phù hợp nêu gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; về chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Nhân dân trong thực hiện quy định, hướng dẫn về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp.
---------------------------
Khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy được Bộ Chính trị gợi ý kiểm điểm sâu đối với tập thể và 2 cá nhân (năm 2018) đã tập trung thực hiện các báo cáo tự kiểm điểm.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về nêu gương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm đó là: việc nắm bắt và giải pháp xử lý tình hình dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời, lúng túng; chưa chủ động phát hiện các sai phạm, chưa làm tốt công tác hậu kiểm tra; chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở chuyển biến còn chậm; tuy mức độ không cao nhưng có lúc, có đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy có biểu hiện suy thoái biểu hiện như: còn nể nang, ngại va chạm, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong công việc…
Sau kiểm điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân đã xây dựng kế hoạch khắc phục và đến nay cơ bản sửa chữa được các hạn chế, khuyết điểm.

Tác giả bài viết: Trí Thức

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây