Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bày tỏ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Vì mục đích cao đẹp này mà Người đã phấn đấu từng phút, từng giây, đến cả quên ăn, quên ngủ, vào chốn hiểm nguy, hy sinh cả hạnh phúc riêng để mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, làm cách mạng là để lo cho dân, để giải phóng cho dân khỏi áp bức, bóc lột, làm cho dân được hưởng tự do, hạnh phúc, chứ không phải là để làm quan, để lo vun vén cho lợi ích riêng. Chính vì thế Người yêu cầu: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của Nhân dân, không phải là vua là quan như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ Nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo đời sống của Nhân dân”. “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chínhphủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo... Ngay cả đến tương cà, mắm, muối của dân, Đảng phải lo”. Bác khẳng định: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Khi đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ và Người trình bày với các bộ trưởng “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nêu lên một cách súc tích 6 vấn đề cấp bách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó là những vấn đề cần kíp nhất, thiết thực nhất mà chính quyền cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh đất nước còn chồng chất khó khăn và thiếu thốn. Để góp phần giải quyết nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên Báo Cứu quốc, trong đó có đoạn “Từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, Nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng” …Trước tình hình đó, Người đề nghị “với đồng bào cả nước” và chính Người gương mẫu thực hành trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”.
Bác thấu hiểu nỗi khổ của dân, gần gũi dân, thương dân, quý dân hơn cả bản thân mình. Bác nâng niu, yêu quý từng em bé, quan tâm từng cụ già, yêu thương từng người nghèo khổ. Tết Trung thu năm 1951, trong điều kiện kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên viết thơ tặng thiếu nhi:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”
Quan điểm Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân đã được Đảng ta vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hàng năm; thể hiện trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước từ khi đổi mới đến nay luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”. Theo đó, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm và đảm bảo,…
Vận dụng tư tưởng của Bác về chăm lo đời sống Nhân dân, Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiều chính sách, nhiều bước đi sáng tạo, đột phá nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân được nâng cao về đời sống và được thụ hưởng những thành quả mà chính Nhân dân làm ra.
Trong suốt chặng đường 20 năm hình thành và phát triển (01/01/2004 - 01/01/2024), đến nay, Hậu Giang đã phát triển bứt phá, đạt được những kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vươn lên tốp đầu cả nước; thu ngân sách trên địa bàn tăng cao, bình quân gần 20%/năm. Về quy mô kinh tế được cải thiện rõ nét, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghiệp, đô thị đang được đầu tư mạnh mẽ. Chương trình nông thôn mới được chú trọng đầu tư, đến tháng 5/2024, toàn tỉnh đang có 40/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 78,4%; đồng thời có 11 xã NTM nâng cao, đạt 27,5% và có 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 27,3%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 3/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A, đạt 37,5%. Bên cạnh đó, về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, cùng người dân trong tỉnh quan tâm thực hiện và hiện gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 266 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, với 125 chủ thể tham gia. Trong đó, có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 174 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2015. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,87%/năm; vốn huy động toàn xã hội đầu tư đạt gần 90.000 tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng; tăng cường đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo; mạng lưới y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở ngày càng được hoàn thiện; giải quyết việc làm cho trên 90 ngàn lao động; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân trên 2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2020 tăng trên 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Đó là kết quả của tư duy tìm tòi và cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị cùng với tinh thần đoàn kết, cần cù, vượt khó của Nhân dân tỉnh nhà. Thành quả ấy cũng chính là sự thể hiện sinh động của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho những di sản của Người sống mãi trong lòng Nhân dân và trường tồn cùng dân tộc. Song song đó, truyền thống 20 năm là hành trang vững bước để Đảng bộ, dân và quân tỉnh Hậu Giang hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang “Phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc” đúng với Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.187.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị gia Sự thật, H.2011, t.9, tr.518.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.211.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị gia Sự thật, H.2011, t.13, tr.272.
5. Sách “20 năm Hậu Giang-Thành tựu và khát vọng phát triển.