Giáo sư Kim Ngân chia sẻ: Lập nghiệp tại nước ngoài phải trải qua rất nhiều khó khăn. Thành công của người Việt, trong đó có các nhà khoa học đều là kết quả của quá trình nỗ lực, cố gắng, thái độ nghiêm túc và tinh thần cầu thị trong lao động, học tập và nghiên cứu.
Theo lời kể của Giáo sư Hoa Kim Ngân, các nhà khoa học Việt sau khi thành công đều có mong muốn giúp đỡ thế hệ trẻ kế cận trong nghiên cứu khoa học. "Mong muốn đó như một lẽ tự nhiên và là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của người Việt được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thế hệ chúng tôi trước đó khi chập chững những bước đầu tiên trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học cũng được các thế hệ trước giúp đỡ thì nay đến lượt mình, chúng tôi trao truyền sự giúp đỡ ấy cho những thế hệ sau", bà nói.
Cần tạo điều kiện để trí thức kiều bào có thể tiến hành công việc ở Việt Nam. Cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các đề tài khoa học ở Việt Nam mà có sự tham gia đóng góp của các nhà khoa học Việt kiều.
Ở châu Âu nói chung, các đề tài hợp tác đều dựa trên cơ sở hai bên cùng đóng góp và cùng thực hiện. Cho nên sự đóng góp tài chính cụ thể từ phía Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện tốt cho chúng tôi để tìm được nguồn tài chính từ nước sở tại. Giáo sư Hoa Kim Ngân |
Để giúp đỡ các thế hệ sau, bà đã có những việc làm cụ thể như: tham gia các chương trình hợp tác khoa học với đồng nghiệp Việt tại Việt Nam, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam; mở rộng cộng tác khoa học, mời các nhà khoa học tham quan các viện, trường tại Ba Lan, đặc biệt là các hoạt động trên cơ sở các hiệp định ký kết hai bên về cộng tác; hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh người Việt... Bà cũng giúp đỡ các nghiên cứu sinh người Việt tìm các giáo sư hướng dẫn với đề tài nghiên cứu thích hợp. Đã có 4 nnghiên cứu sinh và gần 30 thạc sĩ đã bảo vệ thành công luận án dưới sự hướng dẫn của bà.
"Cộng tác khoa học quốc tế rất thiết thực với các nghiên cứu sinh. Từ trải nghiệm của bản thân tôi, trong thời gian làm nghiên cứu sinh, từ hợp tác quốc tế, tôi đã xây dựng được một hệ đo thực nghiệm cho phòng thí nghiệm tại Amsterdam, hệ đo được khởi động, thu thập và phân tích số liệu... hoàn toàn tự động bằng máy tính", giáo sư Kim Ngân chia sẻ.
Trong các đồng nghiệp mà giáo sư Kim Ngân cộng tác, có một đồng nghiệp từ trường AGH-Krakow -lúc đó là TS Zbigniew Tarnawski, người sau này trở thành người bạn đời của bà.
"Mỗi thành công ở Ba Lan đều gợi nhắc cho tôi nhớ đến quê hương Việt Nam, nhớ rằng mình là người Việt Nam. Tôi thường về Việt Nam dự các hội nghị khoa học quốc tế. Tôi cũng thường đưa chồng đến những địa danh nổi tiếng ở Việt Nam, giới thiệu với anh ấy quê hương xinh đẹp của tôi. Tôi thích nấu các món ăn mang hương vị quê nhà như nem rán, món cuốn Việt... đãi các bạn Ba Lan. Chồng tôi cũng rất thích các món ăn Việt Nam", bà kể.
Bà Kim Ngân tốt nghiệp ngành vật lý tại Đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay là Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình tại phòng thí nghiệm vật lý nhiệt độ thấp, khoa Vật lý của trường. Sau đó bà tham gia nghiên cứu tại Viện Natuurkundig Laboratorium, trường Đại học Amsterdam, Hà Lan. Bà là người Việt đầu tiên đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Amsterdam vào năm 1993, ngành Vật lý và Thiên văn. Năm 2004, bà đạt bằng Tiến sĩ khoa học ngành Vật lý tại Krakow. Sự nghiệp khoa học và giảng dạy của bà gắn liền với trường đại học sư phạm tại Krakow (hiện là Đại học Ủy ban Giáo dục Quốc gia, Krakow (University of the National Education Commission, Krakow). Bà là nữ giáo sư quốc gia về vật lý đầu tiên trong bộ lịch sử gần 80 năm của trường. Giáo sư Kim Ngân đã công bố gần 150 bài báo khoa học trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, xuất bản một cuốn sách chuyên đề (tiếng Ba Lan) và một cuốn sách về lịch sử khám phá ra hiệu ứng phân hạch hạt nhân (bằng tiếng Anh, đã được dịch sang tiếng Thụy Điển và tiếng Nhật). |
Tác giả bài viết: Phạm Lý
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn