Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Phải nuôi khát vọng lớn và quyết tâm thoát khỏi “vòng xoáy đi xuống”

Thứ sáu - 27/08/2021 08:24
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang:
Phải nuôi khát vọng lớn và quyết tâm thoát khỏi “vòng xoáy đi xuống”
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
Khi được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ về Hậu Giang, Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đã chia sẻ rằng: “Về Hậu Giang không phải là một chuyến đi trải nghiệm, mà là một sự vào cuộc thật sự với tỉnh nhà, để quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo sự phân công của Trung ương và tấm lòng, trách nhiệm với Hậu Giang. Từ thực tế phát triển, những khó khăn, hạn chế của tỉnh nhà, Ông đã có nhiều trăn trở, mong muốn đóng góp cá nhân, cộng hưởng ý chí, sức mạnh tập thể, để khơi dậy sự phát triển của một tỉnh còn nhiều tiềm năng như Hậu Giang...”.
Để hiểu rõ hơn về những góc nhìn, những trăn trở và suy nghĩ của Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, Báo Hậu Giang kính mời quý độc giả theo dõi bài phỏng vấn sau:
Thưa Ông, trước tiên xin Ông đánh giá về bối cảnh phát triển trong giai đoạn hiện nay của ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng ?
- Báo cáo thường niên vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cùng với VCCI kết hợp thực hiện mới đây đưa ra những đánh giá về xu hướng phát triển của vùng.
Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Bằng chứng là tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước và ĐBSCL ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội.
SB3340 3 1
Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành kỳ vọng với khát vọng và tầm nhìn mới, Hậu Giang sẽ vươn lên, phát huy được lợi thế và tiềm năng.
Ảnh: LÝ ANH LAM
Nghiên cứu nêu rõ, ở thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1990, tổng quy mô kinh tế của vùng ĐBSCL gấp 1,7 lần so với quy mô của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 2000, cả vùng chưa đến 70% quy mô kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy ĐBSCL đang tụt hậu rất xa so với thành phố đông dân nhất cả nước.
Còn đối với thực trạng kinh tế của tỉnh Hậu Giang, các chuyên gia đánh giá chỉ có 3/10 chỉ số năng lực cạnh tranh là tích cực. Điều này đặt ra yêu cầu tỉnh phải có những đột phá trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn nhận những điểm sáng trong sự phát triển: Đó là 10 năm qua, nhất là 5 năm gần đây, Hậu Giang có quyết tâm ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển (nằm trong nhóm các tỉnh có vốn đầu tư phát triển đứng ở mức trung bình trong vùng mặc dù GRDP thấp); cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II, từ 16% GRDP năm 2010 lên 27% năm 2020, đây là mức tăng rất cao. Thu ngân sách tăng trưởng khá tốt 16%/năm trong giai đoạn 5 năm qua…
Ông có đề cập đến việc các chuyên gia đánh giá tỉnh còn một số chỉ số năng lực cạnh tranh hạn chế. Vậy, cụ thể đó là những gì, thưa Ông ?
- Chúng ta đều biết, Hậu Giang là tỉnh trẻ, xuất phát điểm thấp so với các địa phương khác. Đến nay quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 4% tổng GRDP toàn vùng, thấp nhất trong 13 tỉnh và chỉ bằng 1/3 của tỉnh cao nhất là Long An. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng của Hậu Giang được đánh giá tương đối nhanh (đứng thứ 5 toàn vùng) với mức tăng trung bình 5,85%/năm giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, GRDP của Hậu Giang là 4,53%, cao thứ hai toàn vùng, trong khi vùng ĐBSCL chỉ tăng 2,96%, cả nước 2,91%. Đây là một tín hiệu tích cực nhưng cũng phản ánh phần nào mức độ gắn kết và tham gia thị trường còn thấp.
Tiếp đó là thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vốn FDI chúng ta chưa có các nhà đầu tư rót vốn về địa phương trong giai đoạn vừa qua.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) khá cao 9,05, cho thấy việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả thấp. Năng suất lao động khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) rất thấp, chỉ bằng 70% khu vực ĐBSCL. Không có các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, có giá trị kinh tế cao. Điều này được đề cập trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chúng ta chưa có sản phẩm du lịch hiệu quả, nông nghiệp công nghệ cao chưa định hình rõ nét.
Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là năng suất lao động khu vực II (công nghiệp và xây dựng) sụt giảm và chưa thu hút được các dự án đầu tư có hiệu quả cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Nguồn thu ngân sách địa phương chỉ đáp ứng 70% nhu cầu chi thường xuyên nên nguồn lực đầu tư của tỉnh rất hạn chế.
Lượng người di cư của Hậu Giang chiếm tỷ lệ cao trong vùng, chủ yếu là lượng lao động trẻ nên đây là một trở ngại lớn trong việc cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nguồn thu ngân sách tăng trưởng tích cực nhưng cơ cấu thu ngân sách chưa hẳn là dấu hiệu đáng mừng. Bởi về tăng trưởng 16% như tôi đã đề cập thì hai doanh nghiệp hàng đầu và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang, đã chiếm 50%. Riêng Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang đóng góp đến 26%. Với cơ cấu thu ngân sách như vậy là thiếu tính bền vững.
Thưa Ông, với những hạn chế như vậy thì “nút mở” sẽ nằm ở đâu?, liệu chúng ta có đang đứng trước nguy cơ về “vòng xoáy đi xuống” ?
- Từ những báo cáo cho thấy về nông nghiệp thì diện tích lúa của Hậu Giang đã tới giới hạn về năng suất, trong khi mô hình chuyển đổi cây ăn trái lại chưa cho hiệu quả bền vững. Hậu Giang có thổ nhưỡng và nguồn nước phù hợp phát triển nông nghiệp, điều này đã được khẳng định, nhưng vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có thu hút được các nhà khoa học, nhà đầu tư để phát triển hay không?
Một trong những địa phương rất thành công về chuyển đổi nông nghiệp gần đây là tỉnh Sơn La được Trung ương đánh giá rất cao. Từ một tỉnh miền núi không có nhiều thuận lợi nông nghiệp mà nay đã chuyển đổi thành công trồng cây ăn trái như bưởi da xanh, nhãn, xoài, bơ, thanh long trên đất dốc (trước đó trồng ngô, lúa nương, sắn…), thu hút các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã đầu tư nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu các loại quả tươi. Mở ra một hướng đi mới, nâng cao đời sống người dân mà trước đó khó có thể hình dung được.
Trở lại tỉnh nhà, Hậu Giang có thế mạnh nông nghiệp, vấn đề là cần đầu tư khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới và thu hút các doanh nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi sản xuất với tiêu thụ sẽ đem đến thành công.
Trong lĩnh vực hạ tầng phát triển công nghiệp, xây dựng thì quỹ đất sạch cũng là một vấn đề cần quan tâm, ngân sách cân đối của tỉnh cho giải phóng mặt bằng còn hạn chế. Hạ tầng giao thông nội tỉnh chưa đồng bộ và cần nhiều vốn đầu tư.
Bên cạnh những yếu tố vừa nêu thì khó khăn nữa là việc chuyển đổi quỹ đất sang phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị còn phụ thuộc vào điều tiết, quy hoạch từ Trung ương. Nhưng có lẽ “nút thắt” lớn nhất và cũng là quan trọng nhất hiện nay chính là chất lượng nguồn nhân lực và quyết tâm chính trị. Điều đáng mừng là tháo gỡ nút thắt này được thể hiện mạnh mẽ trong Chương trình hành động, các Đề án, Nghị quyết của tỉnh mới thông qua cùng với định hướng chiến lược phát triển Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, hội đủ tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”.
Đối với quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn tới cần quan tâm những nội dung nào, thưa Ông?
- Các chuyên gia cho rằng, tỉnh cần nhanh chóng thoát ra và đảo ngược “vòng xoáy đi xuống”, tạo ra nền tảng bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Việc chuẩn bị sẵn sàng các nền tảng sẽ có ý nghĩa quyết định giúp tỉnh không bỏ lỡ cơ hội khi làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất lan tỏa đến ĐBSCL.
Về giải pháp, chúng ta cần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang các ngành, lĩnh vực năng suất, hiệu quả cao. Tập trung đầu tư phát triển khu công nghiệp, chú trọng thu hút FDI, các doanh nghiệp có thể tạo nguồn đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, đây là động lực tăng trưởng tạo ra sự bứt phá và đảo ngược “vòng xoáy đi xuống”.
Phát triển nông nghiệp hướng trọng tâm giá trị gia tăng, thị trường hóa giữa sản xuất và tiêu thụ. Nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông nghiệp. Do nguồn lực còn hạn chế nên thay vì dàn trải vốn thì cần đầu tư theo cuốn chiếu, tập trung nguồn lực vào những dự án tạo nhiều giá trị trước, làm đến đâu, dứt điểm đến đó.
Về cụm ngành logistics, định hướng sắp tới logistics nông sản đóng vai trò mũi nhọn trong dài hạn. Thế nhưng điều này đặt ra 2 vấn đề: Thứ nhất, đầu vào nông sản không phải là lợi thế tỉnh nhà. Thứ 2, xét về thế mạnh cảng và kho lạnh chúng ta cũng “lép vế” hơn một số địa phương, thế nên, thay vì tập trung cho ngành này, chúng ta nghiên cứu hướng chuyển dịch phù hợp.
Mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện chiến lược phát triển Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ như thế nào để khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng của tỉnh nhà, thưa Ông ?
- Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Kết luận số 28-KL/TW. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá hơn nữa đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển thịnh vượng, bền vững.
Mạng lưới giao thông nội vùng và liên vùng đang được tập trung nguồn lực đầu tư, rút ngắn thời gian đi chuyển giữa khu vực kinh tế Đông Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng. Hậu Giang được hưởng lợi lớn nhờ vào phát triển hệ thống giao thông vùng và theo phê duyệt tuyến đường cao tốc tới đây có đến 50% chiều dài trục đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang - đây là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh.
Chính phủ sắp ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay tỉnh đang lựa chọn đơn vị tư vấn để đồng thời xây dựng Quy hoạch tỉnh gắn với Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Đây là một quy hoạch tổng thể của tỉnh chưa từng có, mang tầm hoạch định chiến lược dài hạn, tận dụng lợi thế: thiên thời, địa lợi, nhân hòa để nâng tầm vị thế phát triển tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn mới.
Tỉnh đã xác định công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có vị trí rất quan trọng, định hình và là kim chỉ nam cho định hướng, mục tiêu và hệ thống giải pháp đồng bộ phát triển tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn phát triển mới. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói “Có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, có định hướng tốt chắc chắn sẽ có nhà đầu tư tốt”.
“Hiện nay tỉnh đang lựa chọn đơn vị tư vấn để đồng thời xây dựng Quy hoạch tỉnh gắn với Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Đây là một quy hoạch tổng thể của tỉnh chưa từng có, mang tầm hoạch định chiến lược dài hạn, tận dụng lợi thế: thiên thời, địa lợi, nhân hòa để nâng tầm vị thế phát triển tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn mới”.
 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập260
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm259
  • Hôm nay2,860
  • Tháng hiện tại109,215
  • Tổng lượt truy cập2,444,725
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây