Lãnh đạo chủ chốt quốc gia kết luận về tình hình đại dịch

Thứ năm - 26/08/2021 21:28
Lãnh đạo chủ chốt quốc gia kết luận về tình hình đại dịch
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Lãnh đạo chủ chốt cũng yêu cầu tập nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân; giảm thiểu số ca tử vong
Ngày 24-8, năm vị lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng đã họp để nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Cuộc họp do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì với đại diện các ban, bộ, ngành. Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan chức năng, cùng thảo luận của các lãnh đạo chủ chốt, Tổng bí thư đã phát biểu kết luận. Cuối buổi chiều, Văn phòng Trung ương đã phát Văn bản số 10-TB/VPTW thông báo kết luận của lãnh đạo chủ chốt.
Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, từ phó thủ tướng nâng lên Thủ tướng
Theo đó, các lãnh đạo chủ chốt đánh giá công tác phòng chống dịch dù đạt một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm từ trung ương đến địa phương.
Dự báo dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài, các lãnh đạo chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo, thay vì như từ đầu dịch đến nay là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để điều hành tập trung, thống nhất, huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp phòng chống dịch.
Các lãnh đạo chủ chốt cũng yêu cầu ở các địa phương, bí thư tỉnh, thành ủy phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc
Trong tình hình phức tạp hiện nay, cần huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch. Kêu gọi tinh thần “tương thân, tương ái” trong cộng đồng, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Giảm thiểu tử vong, chăm lo việc mai táng
Về các nhiệm vụ cần khẩn trương triển khai, các lãnh đạo chủ chốt yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá tổng thể việc thực hiện chủ trương, biện pháp phòng chống dịch thời gian qua. Trong đó cần rút kinh nghiệm sâu sắc những mặt chưa làm được, dự báo đúng tình hình. Trên cơ sở kinh nghiệm trong nước, quốc tế, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để thống nhất giải pháp chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương.
Yêu cầu đặt ra là cần hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới, ngăn chặn dịch lan rộng, nhất là những khu vực trọng yếu như thủ đô Hà Nội, các khu đô thị lớn tập trung đông dân cư, khu công nghiệp...
Các lãnh đạo chủ chốt cũng yêu cầu tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân. Trong đó, ưu tiên cho công tác khám chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng, hạn chế lây nhiễm chéo, giảm thiểu số ca tử vong. Cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu và các hỗ trợ cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, giãn cách, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Đáng chú ý, thông báo kết luận của năm lãnh đạo chủ chốt lưu ý phải tổ chức tốt việc bảo quản, mai táng các trường hợp tử vong phù hợp với phong tục tập quán.
Về vaccine, các lãnh đạo chủ chốt nhấn mạnh việc cung ứng, tiêm chủng ở các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát nhanh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Không để bị động, bất ngờ về an ninh chính trị
Thông báo cũng yêu cầu các cấp, các ngành bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Không để các thế lực thù địch, phản động kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, cản trở công tác phòng chống dịch.
Cùng với nhiệm vụ phòng chống dịch, cần chú ý biểu dương, khích lệ, động viên, khen thưởng các tấm gương điển hình, cách làm hay; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng chống dịch, các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động. Đồng thời xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ.
Các lãnh đạo chủ chốt thống nhất chủ trương với các kiến nghị của Chính phủ, yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội bố trí ngay nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho các cấp, các ngành địa phương, đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch.
Các lãnh đạo chủ chốt yêu cầu các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư, ủy viên Ban chấp hành (BCH) Trung ương chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các cấp, các ngành thực hiện nhanh, có hiệu quả các công việc thuộc trách nhiệm, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư, các lãnh đạo chủ chốt theo quy định.
Cấu trúc lãnh đạo chủ chốt
Hình thức họp lãnh đạo chủ chốt được đưa vào quy chế làm việc của BCH Trung ương từ khóa XII, mỗi tháng một lần, so với trước đó không mang tính định kỳ, bắt buộc. Phương thức, cách làm này được đánh giá là hiệu quả tốt, nên tiếp tục được khẳng định trong quy chế làm việc của BCH Trung ương khóa XIII, được thông qua ở Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 7.
Tuy nhiên, cấu trúc này chưa được trao thẩm quyền riêng, tương tự như thường trực cấp ủy trong mô hình thường vụ cấp ủy ở địa phương, mặc dù có những đề xuất như vậy trong quá trình tổng kết thi hành Điều lệ Đảng trước Đại hội XIII.
 

Nguồn tin: Báo Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập263
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm262
  • Hôm nay2,307
  • Tháng hiện tại108,662
  • Tổng lượt truy cập2,444,172
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây