Dù đại dịch cản trở, nhưng Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực, hợp tác và xúc tiến viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) nhằm tăng cường, huy động các nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà...
Chủ động kết nối
Với vai trò làm đầu mối trong công tác vận động viện trợ PCPNN, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh luôn chủ động phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin, hỗ trợ kịp thời để các nhà tài trợ thực hiện dự án thuận lợi và có hiệu quả.
Những tháng đầu năm 2021, thông qua Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh đã tiếp nhận một số dự án như: hỗ trợ khu vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh do tổ chức Activity International (AI) tài trợ; hỗ trợ học bổng và xe đạp cho học sinh do tổ chức Saigon Children’s Charity CIO (SCC) tài trợ; hỗ trợ trẻ mồ côi do tổ chức South East Asian Orphan Foundation (SEAOF) tài trợ... Thông qua các dự án này, ngoài được hỗ trợ về vật chất, người dân còn được tập huấn nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, khả năng quản lý và tham gia lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất...
Là một trong những địa phương được triển khai dự án Năng lượng sạch vì môi trường và sức khỏe, bước đầu của dự án đã giúp cho người dân ở làng nghề hầm than lớn và lâu năm ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Dự án được triển khai từ đầu năm 2021, do tổ chức Centre for Community Health Research and Support (CCHS) Việt Nam tài trợ, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 900 triệu đồng. Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, chia sẻ: “Các hộ đang sống bằng nghề làm than rất ít quan tâm đến sức khỏe, khi dự án Năng lượng sạch vì môi trường và sức khỏe được triển khai trên địa bàn, chúng tôi rất phấn khởi. Qua theo dõi, bước đầu dự án đã giúp cho nhiều hộ nhận thức được sự ảnh hưởng của khói bụi từ lò than đến sức khỏe cũng như môi trường sống. Từ đây, sẽ giúp địa phương thuận lợi hơn trong việc vận động người dân chuyển đổi sản xuất hay tập trung xây dựng các lò làm than giảm bớt khí thải”.
Trên địa bàn xã Phú Tân có hơn 352 hộ đang sống bằng nghề sản xuất than củi, với tổng số 657 lò hầm than. Dự án đã tiến hành tuyên truyền, tư vấn để người dân nhận biết tác động của các lò hầm than ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe. Dự án đã phối hợp với ngành y tế địa phương tiến hành chụp X quang, tầm soát bệnh phổi ngẫu nhiên cho khoảng 188 người dân đang tham gia sản xuất tại các lò hầm than. Dự kiến, thời gian tới, dự án sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật để cải tiến lò than theo hướng giảm khí thải; thúc đẩy các mô hình sinh kế thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện địa phương để thay thế các lò hầm than.
Bên cạnh các dự án hướng đến chăm sóc sức khỏe cho người dân, thời gian qua, tỉnh đã tiếp nhận nhiều dự án góp phần hỗ trợ dân sinh, trong đó, phải kể đến các dự án xây cầu. Những ngày này, có dịp về xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, nhìn cầu Trường Hiệp - một trong những cây cầu được Tổ chức Viet Nam Education and Social Assistance Foundation (VESAF) (Hoa Kỳ) tài trợ, đang trong giai đoạn hoàn thiện mới cảm nhận hết niềm vui của người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Nga, người dân địa phương, bộc bạch: “Cầu Trường Hiệp được xây mới bằng bê tông chắc chắn thay thế cho cầu ván cũ, bà con chúng tôi ai cũng vui mừng và phấn khởi. Đối với người dân chúng tôi, cầu mới không chỉ giúp đi lại thuận tiện hơn, mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của địa phương sẽ phát triển hơn”.
Trước đây, cầu Trường Hiệp được bắc bằng ván tuy đảm bảo đi lại nhưng trời mưa rất dễ bị trơn chợt, gây khó khăn trong việc vận chuyển nông sản. Từ thực tế đó, Tổ chức VESAF đã hỗ trợ địa phương bắc lại cầu Trường Hiệp bằng bê tông, với chiều dài 38m và rộng 3,8m kinh phí xây dựng 380 triệu đồng. Tổ chức VESAP tài trợ 274 triệu đồng, còn lại do địa phương đối ứng.
Vượt khó hoàn thành mục tiêu
Bên cạnh những thuận lợi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác vận động viện trợ PCPNN cũng gặp một số khó khăn. Do đa số nhà tài trợ của các tổ chức phi chính phủ đều ở nước ngoài, nhất là các nước đang có dịch bùng phát dữ dội, nên có những dự án mặc dù có văn bản tiếp nhận của UBND tỉnh và tới thời gian triển khai thực hiện, nhưng không triển khai được hoặc bị hoãn lại. Lý do là các đối tác nước ngoài không thể vào Việt Nam và không thể ủy quyền cho đại diện của tổ chức ở trong nước thực hiện, đây là rào cản lớn trong công tác vận động. Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ đã và đang hoạt động ở Việt Nam (trong đó có Hậu Giang) cũng có xu hướng chuyển sang các nước khác khó khăn hơn hoặc thu hẹp địa bàn hoạt động lại do nguồn tài trợ hạn chế.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò làm đầu mối trong quan hệ vận động viện trợ các tổ chức PCPNN, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực an sinh xã hội. Liên hiệp sẽ thường xuyên đôn đốc triển khai thực hiện các Bản hợp tác và ghi nhớ giữa Liên hiệp tỉnh với các đối tác PCPNN đã ký kết. Theo dõi, hỗ trợ hoạt động các tổ chức PCPNN đang có chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, chúng tôi vẫn gửi đề xuất dự án đến các nhà tài trợ tiềm năng đối với các dự án bức xúc tại địa phương. Song song đó, liên hiệp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương thực hiện nhanh các thủ tục đề nghị phê duyệt tiếp nhận dự án đã được cam kết tài trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt, theo sát quá trình triển khai các chương trình, dự án được UBND tỉnh phê duyệt”.
Tiếp nhận nhiều chương trình, dự án dù dịch bệnh
Trong 6 tháng năm 2021, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh đã chủ động tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt tiếp nhận 20 chương trình, dự án PCPNN. Trong đó, thông qua Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh tiếp nhận 13 chương trình, dự án (giá trị cam kết tài trợ hơn 24,82 tỉ đồng); thông qua các sở, ban, ngành tỉnh tiếp nhận 7 chương trình, dự án (giá trị cam kết tài trợ hơn 58,91 tỉ đồng).
|