Đó là lưu ý của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Lễ công bố và trao Quyết định của Đảng đoàn Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, chiều ngày 19-7 vừa qua, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố đã bầu ra các trưởng đoàn, các phó trưởng đoàn. Trên cơ sở kết quả đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết phê chuẩn các trưởng đoàn và phó trưởng đoàn. Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ định Tổ trưởng Tổ đảng ở Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cũng như các đoàn ĐBQH.
Theo ông Vương Đình Huệ, thiết chế đoàn ĐBQH có lẽ là đặc thù chỉ có ở nước ta. Hiện nay, đặc thù này đã được ghi trong Luật Tổ chức Quốc hội, trước đây chức danh tổ trưởng tổ đảng mới chỉ thí điểm nhưng hiện đã được ghi trong Điều lệ Đảng. Không chỉ là ĐBQH, các đại biểu là đảng viên phải tuân thủ Điều lệ, cương lĩnh, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Trung ương Đảng, của Đảng đoàn Quốc hội trong các kỳ họp của Quốc hội cũng như hoạt động của Quốc hội.
Cũng theo ông Vương Đình Huệ, 75 năm qua, Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn nào, điều kiện nào cũng hoàn thành trọng trách của mình. Trong những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, chất lượng của Quốc hội ngày càng được nâng lên. Quốc hội khóa XV đã được kế thừa, phát huy những kết quả, thành tựu của Quốc hội khóa XIV, bên cạnh đó cũng đặt ra cho Quốc khóa XV vấn đề cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quốc hội khóa XV hiện đã có những đề án, đề tài theo từng lĩnh vực để đổi mới, hoàn thiện nâng cao chất lượng.
Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được đo lường bằng các kỳ họp của Quốc hội, bằng hiệu quả tổ chức hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiệu quả tổ chức hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cũng như đo lường bằng chất lượng của đoàn ĐBQH và của từng ĐBQH… Do vậy, ông Vương Đình Huệ mong muốn Quốc hội cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và nâng cao chất lượng các hoạt động này.
Quốc hội cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp công tác giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Đó là mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan khác trong hệ thống chính trị… Hiện Quốc hội khóa XV đang thiết lập, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị như vậy.
Qua tổng kết nhiệm kỳ trước, ông Vương Đình Huệ đề nghị các đoàn ĐBQH địa phương cần phát huy cả 2 mặt: phải vừa có trách nhiệm với địa phương vừa có trách nhiệm với đất nước nói chung, không nên để xảy ra tình trạng đoàn ĐBQH quá chú trọng đến việc của địa phương mà quên đi nhiệm vụ chung của đất nước và ngược lại; không chỉ quan tâm đến địa phương mà đánh mất vai trò đại diện cho cử tri của cả đất nước.
Khẳng định mối quan hệ giữa đoàn ĐBQH và HĐND cũng là vấn đề cần đặt ra trong đề án đổi mới, ông Vương Đình Huệ cho rằng tới đây, phải rà soát lại hệ thống pháp luật, tăng cường sự gắn kết giữa văn phòng Đoàn ĐBQH và văn phòng HĐND. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang nghiên cứu để có đề án riêng đối với HĐND để tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
Trong thời gian tới, cũng cần xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm của ĐBQH kiêm nhiệm, trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách trong đề án đổi mới, nâng cao chất lượng của các đoàn ĐBQH, cải tiến để tạo điều kiện tốt nhất cho các đại biểu tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Để nâng cao chất lượng hoạt động, điều này phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban và phần nhiều nằm ở các đoàn ĐBQH, từng ĐBQH.
Nhấn mạnh chúng ta phải đưa được “hơi thở cuộc sống” vào trong nghị trường, nếu “hơi thở cuộc sống” không đưa được vào trong Nghị trường thì các quyết sách về luật pháp, về giám sát tối cao hay về các vấn đề quan trọng quốc gia khó có sức sống mãnh liệt. Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian tới, cần tổ chức định kỳ hội nghị giữa các đoàn ĐBQH để đúc kết, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng những kinh nghiệm hay, đảm bảo các hoạt động này diễn ra liên tục, thường xuyên.
Trước đó, tại buổi lễ, ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã công bố quyết định của Đảng đoàn Quốc hội về việc thành lập Tổ đảng và chỉ định Tổ trưởng Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn ĐBQH và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn kết quả bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bà Thái Thu Xương làm Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang
Vào ngày 20-7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị phê chuẩn kết quả bầu bà Thái Thu Xương (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) giữ chức vụ Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang; bà Lê Thị Thanh Lam (Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh) giữ chức vụ Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng ngày này, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã quyết định thành lập Tổ đảng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang gồm các đồng chí đảng viên là ĐBQH trong Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang và chỉ định bà Thái Thu Xương, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang, giữ chức Tổ trưởng Tổ đảng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hậu Giang.