Hậu Giang nỗ lực dập dịch, an dân

Thứ sáu - 30/07/2021 12:12
Hậu Giang nỗ lực dập dịch, an dân
Nhiều người mắc Covid-19 đã được ngành y tế Hậu Giang điều trị khỏi bệnh
Nhiều người mắc Covid-19 đã được ngành y tế Hậu Giang điều trị khỏi bệnh
Thần tốc khoanh vùng cách ly y tế, truy vết, đưa các thông tin tiện ích từ “bản đồ Covid-19”, “bản đồ điểm bán hàng thiết yếu” lên phương tiện thông tin để người dân tiếp cận nhanh chóng và thực hiện... Đó là những nỗ lực liên tục của tỉnh Hậu Giang để có thể khoanh vùng, dập dịch Covid-19 sớm nhất.
Khẩn trương truy vết, khoanh vùng 
Ngày 8-7, Hậu Giang chính thức ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên là chị H.T.T.M., 35 tuổi, ngụ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp. Người này đi xe máy từ TPHCM về đến Phụng Hiệp, được test nhanh và xét nghiệm RT-PCR cho kết quả dương tính. Đó là thời điểm Hậu Giang, tỉnh cuối cùng ở khu vực ĐBSCL ghi nhận ca mắc. Đến ngày 26-7, Hậu Giang ghi nhận khoảng 100 ca mắc Covid-19. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị khi thần tốc truy vết, khoanh vùng ca mắc trong hơn 20 ngày qua.    
Ngay khi ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh đã xuống ngay địa bàn có ca mắc trong buổi tối để họp bàn, đưa ra giải pháp truy vết, khoanh vùng. Đây là hành động kịp thời gửi “thông điệp khẩn” đến đội ngũ cán bộ trong tỉnh: cần thần tốc và trách nhiệm trong phòng chống Covid-19.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19, ông Đồng Văn Thanh thông qua các phương tiện truyền thông của địa phương đã gửi đi thông điệp: “Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và để thực hiện tốt những nội dung này chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân sẽ có nhiều hạn chế, bó buộc. Nhưng chúng ta phải thực hiện, nhằm mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, mới tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được. Cần nhanh chóng tổ chức tuyên truyền chiều rộng, chiều sâu để mọi người dân trong tỉnh phải hiểu một cách đầy đủ các nội dung khi thực hiện Chỉ thị 16, để từ đó người dân hiểu, ủng hộ và chấp hành tốt. Tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhanh gói chính sách để hỗ trợ cho đối tượng chính sách và công nhân, người lao động gặp khó khăn trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16”. 
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã có chỉ đạo kịp thời. Theo đó, yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm soát, quản lý người, phương tiện tại chốt kiểm soát, cửa ngõ ra vào địa bàn; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, lực lượng làm nhiệm vụ tại các địa điểm chốt.
Nhất là khâu khai báo y tế, kiểm soát thông tin chính xác, trung thực, khách quan của lái xe, phụ xe, hành khách; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai báo gian dối, làm giả giấy tờ… theo quy định pháp luật. Đánh giá đúng mức độ nguy cơ để khẩn trương khoanh vùng hợp lý, thực hiện ngay biện pháp giãn cách, phong tỏa phù hợp theo đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là những nơi, khu vực bệnh nhân Covid-19 tiếp xúc trực tiếp có yếu tố dịch tễ.
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh: “Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19 để mọi người hiểu sâu và làm đúng. Hệ thống truyền thông, đoàn thể cơ sở cần tuyên truyền đến từng nhà để dân hiểu và thực hiện đúng 5K, các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.
Những “bản đồ 4.0” thiết thực
Thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, đội ngũ cán bộ, nhân viên các sở ngành của Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực đưa giải pháp tuyên truyền nhanh và tiện ích cho người dân nắm bắt để phòng chống Covid-19.
xhh7c ohbs
Một khu chợ ở phường 3, TP Vị Thanh được bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân
Đầu tiên, Sở TT-TT đưa ra “bản đồ Covid-19”. Bản đồ được tích hợp trong app Hậu Giang, người dân sử dụng điện thoại hệ điều hành Android hoặc iOS đều có thể cài đặt. “Bản đồ Covid-19” thống kê danh sách bệnh nhân, ca nghi nhiễm và ca nhiễm, thông tin cần biết liên quan đến thông cáo báo chí, thông báo chỉ đạo, điều hành, các văn bản khác của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh”.
Đặc biệt, bản đồ hiện đầy đủ các khu vực cảnh báo, biểu tượng gạch chéo đỏ là khu vực có ca mắc, nghi mắc Covid-19 hoặc những nơi bệnh nhân Covid-19 đã đến, nơi đang thiết lập vùng cách ly y tế. Bên cạnh đó, là chỉ dẫn địa điểm có trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện để người dân tiện liên hệ báo cáo tình hình dịch bệnh hoặc khai báo y tế.
Ngay sau đó, Sở Công thương tỉnh phối hợp với Viettel Hậu Giang xây dựng bản đồ các điểm bán hàng hóa thiết yếu, nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Bản đồ cung cấp hơn 210 điểm bán hàng thiết yếu trong tỉnh. Mỗi điểm bao gồm các thông tin, tên, địa chỉ, thời gian hoạt động, số điện thoại liên hệ đặt hàng...
“Bản đồ các điểm bán hàng tạo điều kiện để người dân trong tỉnh tiếp cận, tìm thông tin mua hàng hóa một cách nhanh chóng và an toàn, tránh mất thời gian di chuyển nhiều nơi. Bản đồ được cập nhật thường xuyên, sát tình hình thực tế”, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đã thông báo số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị liên quan đến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh của 8 sở ngành (có số điện thoại của lãnh đạo đầu ngành) như y tế, giao thông, công thương…  
Đây là những giải pháp thiết thực để người dân cùng các ban ngành tỉnh Hậu Giang chung tay khoanh vùng dập dịch cũng như tạo điều kiện tốt nhất để người dân an tâm phòng chống dịch Covid-19. Tỉnh Hậu Giang cũng tận dụng tối đa các giải pháp trong điều kiện có thể để giữ an sinh cho nông dân, nhất là thời điểm đang thu hoạch vụ lúa hè thu. Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, số máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo để thu hoạch với 264 máy. Lực lượng tham gia gặt đập phải đảm bảo quy định an toàn phòng dịch. Hiện tỉnh còn khoảng 45.000ha lúa chờ thu hoạch. 
Về tiêu thụ lúa, khả năng tiêu thụ trong tỉnh khoảng 20%-25%. Thương lái mua lúa tại ruộng. “Vấn đề này, Sở NN-PTNT báo cáo với Thường trực UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, thống nhất cho thương lái bên ngoài tỉnh vào thu mua lúa hè thu. Lực lượng này phải đi đường bộ, đường thủy, tuân thủ luồng xanh đã thông báo; đảm bảo test nhanh phòng chống dịch và 5K…
Các sở ngành cũng phối hợp đưa lên group gồm: Hợp tác xã/nông dân sản xuất cần bán nông sản để kết nối với tổ tiền phương của nông nghiệp ở TPHCM. Đây là group giao dịch mua bán nông sản đã phát huy hiệu quả tốt. Về giải quyết lưu thông phương tiện vận chuyển nông sản, Hậu Giang tổ chức rất tốt quy định luồng xanh, có mã QR cho xe, thực hiện đầy đủ. Hiện nay khâu vận chuyển hàng hóa nông sản vận hành theo tuyến này khá tốt”, ông Trần Chí Hùng cho biết.
Những quyết định “hỏa tốc” của tỉnh Hậu Giang luôn được Sở TT-TT tỉnh cập nhập kịp thời đưa lên group phóng viên thường trú. Từ đây, không chỉ các phóng viên mà nhiều cán bộ của tỉnh cũng truyền tải kịp thời các quyết định quan trọng đến người dân để cùng nắm bắt và thực hiện qua phương tiện truyền thông. Người dân cùng đội ngũ cán bộ tỉnh Hậu Giang đã và đang nỗ lực hết mình, tận dụng mọi cơ hội để sớm khoanh vùng, chặn dòng lây lan, quyết tâm sớm dập dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nhấn mạnh: “Những gì các địa phương trên địa bàn đã làm tốt phải giữ vững, những gì chưa tốt phải khắc phục ngay. Cố gắng giảm số ca mắc và các F…, giảm “vùng đỏ”, “vùng vàng” và tăng cường “vùng xanh”. Để đảm bảo thực hiện kết quả này, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với những ai không nghiêm túc thực hiện quy định giãn cách. Các huyện, thị, thành phố chăm lo tốt chuyện ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, đảm bảo an toàn cho lực lượng chốt trực. Các khu cách ly ở địa phương phải trên tinh thần sẵn sàng tiếp nhận số lượng đông trường hợp thuộc diện cách ly tập trung. Việc tiêm vaccine tiếp theo phải có kế hoạch đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, không để xảy ra tình trạng tập trung đông đúc, không đúng đối tượng tiêm phòng”.
 

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây