Đánh dấu sự thành công

Thứ sáu - 25/10/2019 10:27
Đánh dấu sự thành công
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái, hàng đầu) trao Huân chương Lao động hạng Nhất về công tác xây dựng NTM cho lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái, hàng đầu) trao Huân chương Lao động hạng Nhất về công tác xây dựng NTM cho lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) toàn quốc vừa được Ban chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương tổ chức ở tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang. Đây là mốc son ghi nhận sự quyết tâm trong xây dựng NTM mà Hậu Giang đã nỗ lực thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Xác định hướng đi phù hợp
Hậu Giang được biết đến là tỉnh thuần nông nên đời sống người dân và nguồn lực, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Mặt khác, khi Trung ương triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM vào cuối năm 2010, lúc này Hậu Giang có điểm xuất phát khá thấp so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đồng thời chọn hướng đi phù hợp nên hiện nay Hậu Giang đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ trên các mặt.
Chia sẻ về công tác xây dựng NTM của địa phương tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM toàn quốc, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết: Từ khi thành lập tỉnh đến nay, Hậu Giang luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn giữ vai trò quyết định, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển “tam nông” được địa phương quan tâm hàng đầu. Trong đó, chương trình xây dựng NTM đã được đưa vào Nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ. Từ cơ sở này, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch... để thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhờ vậy, một trong những thành tựu nổi bật trong xây dựng NTM ở Hậu Giang hôm nay chính là lĩnh vực nông nghiệp có nhiều thay đổi, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn.
SB2879 3 2
Nhiều công trình giao thông được thực hiện với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đang tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn Hậu Giang.

Điển hình là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã giúp người dân hình thành và nhân rộng được không ít mô hình sản xuất có thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, bước đầu thực hiện được một số mô hình liên kết chuỗi giá trị trên cây lúa, khóm, mãng cầu, chanh không hạt...
Ông Cao Văn Ta, người đã gắn bó và chứng kiến sự đổi thay của vùng khóm Cầu Đúc quê mình hơn 10 năm qua ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Trước đây, bà con trồng khóm xứ này thường bán cho nhiều thương lái khắp nơi nên giá cả bấp bênh, không ổn định. Thế nhưng, khi xã nhà có chủ trương xây dựng NTM, người trồng khóm được quan tâm đầu tư đê bao, nạo vét thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đặc biệt là thành lập hợp tác xã (HTX), rồi hỗ trợ xây dựng nhà kho để liên kết thu mua khóm cho nông dân. Nhờ có sự quan tâm trên nên các rẫy khóm nơi đây thường trúng mùa, có đầu ra và giá cả ổn định và được HTX thu mua. Điển hình như từ đầu năm 2019 đến nay, giá khóm loại I (từ 1kg/trái) ổn định ở mức trên 7.000 đồng/trái, tạo nguồn thu nhập hấp dẫn cho người trồng khóm. Không chỉ có năm nay mà đời sống người trồng khóm trong những năm qua rất ổn định nên đây cũng là điều kiện góp phần giúp địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM”.    
Ngoài thực hiện tốt công tác liên kết trong sản xuất thì trước sự biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra nên trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hậu Giang còn quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao và giúp người dân tiếp cận với các quy trình sản xuất mới mang tính bền vững để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Do đó, những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo và được chính quyền các địa phương trong tỉnh, cũng như người dân đẩy mạnh áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác.
Phấn khởi sau khi áp dụng mô hình bón phân thông minh cho cây lúa mang lại nhiều tiện ích, ông Trần Văn Nhỏ, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, thông tin: “Khi chưa áp dụng mô hình thì mỗi vụ lúa tôi thường bón phân từ 3-4 lần, nhưng vụ lúa Hè thu vừa qua, tôi chỉ bón phân thông minh một lần cho cả vụ nên giảm công lao động rất nhiều. Không chỉ ít lần bón phân mà còn giảm lượng thuốc phun xịt do lúa ít bị dịch hại tấn công nên bảo vệ được sức khỏe. Còn lợi nhuận thì cao hơn gần 6 triệu đồng/ha so với bà con làm theo cách truyền thống nhờ năng suất lúa tăng và giảm chi phí đầu tư. Với việc có hệ thống đê bao khép kín, cộng với mô hình sản xuất thông minh đã giúp cho người dân khỏe hơn trong làm nông so với trước đây rất nhiều. Đồng thời, cũng có điều kiện về vật chất và tinh thần để chung sức cùng chính quyền địa phương làm cho quê hương mình ngày càng thêm đổi mới”. 
Từ việc xác định đúng hướng đi khi đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân theo từng năm. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh hiện tăng trên 3 lần so với thời điểm mới xuất phát xây dựng NTM, tức là từ 13,18 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 thì dự kiến đến cuối năm 2019 này sẽ đạt trên 41 triệu đồng/người/năm; riêng các xã đạt chuẩn NTM đều đạt trên 42 triệu đồng. Còn tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 8,92% năm 2010 xuống còn khoảng 5,13% vào cuối năm nay (theo chuẩn hộ nghèo mới), riêng đối với các xã NTM đều có tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%.
Người dân có nhiều đóng góp
Bên cạnh việc chọn hướng đi phù hợp thì một trong những yếu tố then chốt tạo nên sự thành công trong quá trình xây dựng NTM của Hậu Giang trong thời gian qua chính là sự đóng góp khá lớn về vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Theo đó, trong điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn vào thời điểm mới xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, trong khi nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương rất hạn chế thì các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên người dân nông thôn dần thể hiện được vai trò chủ thể của mình trong việc tự nguyện thực hiện nhiều công trình, phần việc thuộc về trách nhiệm của người dân. Nhất là người dân tự nguyện hiến đất, hoa màu, đóng góp ngày công lao động… để nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch… ở nông thôn được đầu tư mới khang trang, đáp ứng nhu cầu về nhiều mặt cho cộng đồng xã hội.
Ông Lê Văn Bé Ba, ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Do được đầu tư lâu nên con lộ trước nhà bị xuống cấp nghiêm trọng và chật hẹp vì bề ngang lộ có 2m. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương thông báo nâng cấp, mở rộng con lộ ra 3m thì bà con rất đồng tình. Cụ thể, người dân nơi đây đã tự nguyện hiến đất và đắp ta-luy, bơm cát làm nền hạ, sau đó Nhà nước thực hiện phần cứng phía trên. Chính nhờ sự đồng thuận của bà con mà toàn tuyến lộ dài khoảng 7km nhưng chỉ mất thời gian ngắn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhờ chương trình xây dựng NTM nên cầu và lộ giao thông ở Long Thạnh bây giờ được đầu tư, nâng cấp mới khang trang nên xe 4 bánh chạy về đến tận nhà, đây là một điều mà bà con không dám nghĩ tới chỉ cách nay vài năm”.
Theo tổng hợp từ Văn phòng điều phối NTM tỉnh, từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 15.033 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương phân bổ 420,3 tỉ đồng (chiếm 2,8%), riêng vốn dân đóng góp 667,8 tỉ đồng (chiếm 4,4%). Từ các nguồn vốn huy động và thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp được 651,1km đường giao thông và 357 cây cầu. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 52/53 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã và 100% ấp trong tỉnh có đường xe 2 bánh đi lại được thuận tiện trong 2 mùa mưa nắng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 215/336 trường ở các cấp học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; có 513/539 ấp, khu vực có nhà văn hóa - khu thể thao... Nhìn chung, sau gần 10 năm đầu tư, hiện cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập hay hội họp, sinh hoạt của người dân. Qua đây, tạo được môi trường đáng sống cho người dân nông thôn, nhất là nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tạo được hiệu quả xã hội tích cực.
Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết thêm: Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM thời gian qua nên hiện Hậu Giang đã có 29/53 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% chỉ tiêu Trung ương giao. Trong đó, tỉnh có một xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, gồm: Châu Thành A, thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy. Số tiêu chí NTM bình quân của tỉnh là 15,6 tiêu chí/xã và hiện Hậu Giang không có xã đạt dưới 8 tiêu chí. Từ kết quả ấn tượng trên, Hậu Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp trong xây dựng NTM của tỉnh. Đây chắc chắn sẽ là động lực vô cùng lớn giúp Hậu Giang tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích trong xây dựng NTM vào thời gian tới…
 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây