Trường Hồ Chí Minh ở Mông Cổ: Biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó

Thứ ba - 30/07/2024 08:47
Trường Hồ Chí Minh ở Mông Cổ: Biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên giao lưu với học sinh Trường Hồ Chí Minh ở Mông Cổ, ngày 3-7-2024. Ảnh: NGÔ BÌNH
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên giao lưu với học sinh Trường Hồ Chí Minh ở Mông Cổ, ngày 3-7-2024. Ảnh: NGÔ BÌNH
Tọa lạc bên đại lộ Hòa Bình lớn nhất Thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ), Trường Liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, gắn bó Việt Nam - Mông Cổ, nơi lan tỏa văn hóa Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh đến người dân Mông Cổ.

Vun đắp quan hệ

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng...” - Các thành viên đoàn đại biểu cấp cao TPHCM trong chuyến thăm Trường Hồ Chí Minh (Trường Liên cấp số 14) mới đây không khỏi bất ngờ, xúc động khi lời bài hát Nhớ ơn Bác (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) được cất lên bởi giọng ca của một bé gái người Mông Cổ tại ngôi trường mang tên Bác ở giữa lòng Thủ đô Ulaanbaatar. Cùng với những lời ca về Bác, hình ảnh tà áo dài và chiếc nón lá mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam phối hợp hài hòa với những điệu múa của người dân Mông Cổ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đoàn đại biểu.

Sau lễ dâng hoa Bác Hồ tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Phòng truyền thống Hồ Chí Minh, không gian trưng bày hình ảnh các thế hệ lãnh đạo Việt Nam đến thăm Mông Cổ và xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, xúc động cho rằng, Trường Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động chứng minh tình hữu nghị đoàn kết giữa hai dân tộc, hai nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên đặc biệt ấn tượng về tình cảm sâu sắc của thầy, trò Trường Hồ Chí Minh với Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn hóa con người Việt Nam. Điều đó nói lên tình cảm, giá trị kết tinh mối đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Đồng chí cũng tin tưởng những gì Trường Hồ Chí Minh làm được trong thời gian qua sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới và TPHCM sẽ góp phần cùng với trường vun đắp mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết cũng như hiện thực hóa các quan điểm, hợp tác của các thế hệ lãnh đạo để tình hữu nghị ngày càng tốt đẹp hơn.
 

Lan tỏa văn hóa Việt

Được thành lập năm 1949, Trường Liên cấp số 14 là một trong những cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước Mông Cổ. Mỗi năm, ngôi trường này đào tạo hàng ngàn học sinh, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Mông Cổ. Đặc biệt, Tổng thống đầu tiên của Mông Cổ cũng từng học tại trường này.

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14-5-1980, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ đã ra quyết định cho phép Trường Liên cấp số 14 được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 2009, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang trọng đặt tại vị trí trung tâm trong khuôn viên của trường, nhìn ra đại lộ Hòa Bình - đại lộ lớn nhất của Thủ đô Ulaanbaatar. Cũng trong năm 2009, Phòng truyền thống Hồ Chí Minh với những hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ được khai trương tại ngôi trường.
 

truong ho chi minh o mong co bieu tuong cua tinh huu nghi doan ket gan bo 20240729160216
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày hình ảnh Bác Hồ tại Trường Hồ Chí Minh ở Mông Cổ.

Ông E.Gungaajav, Hiệu trưởng Trường Hồ Chí Minh, cho hay, trường có khoảng 6.000 học sinh và 238 giáo viên, nhân viên. Mục tiêu đồng thời cũng là phương châm giáo dục của nhà trường là “tất cả vì từng học sinh”. Với tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, tôn vinh sự nghiệp của lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ Tiếng Việt, ca nhạc, thơ và khiêu vũ Việt Nam, thu hút hơn 500 học sinh tham gia.

Ông E.Gungaajav chia sẻ, học sinh của trường được dạy và hiểu nội dung các bài hát về Bác Hồ, về văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam. “Với tình cảm quý mến, nhà trường luôn vui mừng vì sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân Việt Nam nhằm cải thiện môi trường học tập như trao tặng máy tính, dàn nhạc dân tộc, trang phục múa cũng như áo dài Việt Nam. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn với đoàn TPHCM đã tặng 10 bộ máy tính để cải thiện điều kiện, môi trường học tập của giáo viên và học sinh của nhà trường”, Hiệu trưởng Trường Hồ Chí Minh bày tỏ.

Qua tìm hiểu về lịch sử của trường cũng như tham quan thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ ấn tượng với những kết quả mà Trường Hồ Chí Minh đạt được trong thời gian qua. Nhất là học sinh của trường luôn tìm tòi, học hỏi về lịch sử, văn hóa đất nước Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM sẵn sàng tăng cường thúc đẩy hợp tác giáo dục đào tạo với nhà trường thông qua việc cung cấp học bổng cho các em sinh viên sang Việt Nam học tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Hai bên cũng có thể triển khai chương trình giao lưu học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, TPHCM sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ về trang thiết bị dạy học với nhà trường.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chúc các em, các cháu học sinh của trường giữ vững truyền thống và nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, trở thành những người tài năng, tiếp bước cha anh xây dựng đất nước Mông Cổ ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, nâng cao vị thế trên trường quốc tế; đồng thời góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai đất nước Mông Cổ - Việt Nam ngày càng phát triển bền vững. Đồng chí mong rằng các em, các cháu luôn là những vị đại sứ mang tình hữu nghị và giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc của đất nước Mông Cổ đến với người dân Việt Nam.

Tác giả bài viết: Theo Báo Sài Gòn giải phóng

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây