Chiều 4/1, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược” phân tích, đánh giá về những quyết sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, triển vọng năm 2022.
Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời: TS.Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Các ý kiến tại Tọa đàm khẳng định trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng đã bám sát tình hình, điều chỉnh các quyết sách đúng thời điểm, phù hợp với thực tiễn, công tác chỉ đạo, điều hành chủ động – quyết liệt – chính xác – kịp thời – hiệu quả - nhạy bén, sâu sát, cụ thể, đồng bộ, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Với những biện pháp phù hợp ở từng giai đoạn, từng địa phương, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch với biến chủng Delta. Đặc biệt, quyết định chưa có tiền lệ nhưng kịp thời, sáng suốt, quyết đoán là điều động hàng trăm nghìn cán bộ chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch đã tạo bước ngoặt để kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh trong một thời gian ngắn là 3 tháng, trong khi nhiều nơi trên thế giới phải mất 6 đến 9 tháng với cấp độ dịch tương đương.
Sau đó, với chiến lược ngoại giao vaccine thành công, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, giúp kinh tế xã hội khởi sắc, tăng trưởng GDP phục hồi mạnh theo hình chữ V. Đồng thời, dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp của Đảng, Nhà nước các hoạt động kinh tế, giao lưu hàng hoá được triển khai bình thường…
Chính phủ đặt trọng tâm chống dịch song vẫn triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ thường xuyên, chú trọng triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài về hoàn thiện thể chế, xây dựng hạt tầng chiến lược… Các kết quả đạt được cho thấy triển vọng về sức bật của nền kinh tế trong năm 2022 là rất khả quan, củng cố niềm tin mạnh mẽ vào sự phục hồi và phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.
Quyết định cân não, sáng suốt
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, giai đoạn đầu, chúng ta chống dịch theo phương châm “Zero COVID”, đó là cách thức chống dịch phù hợp với các chủng cũ, giúp chúng ta thành công trong năm 2020, khi số lượng tiêm chủng chưa nhiều.
“Nếu chúng ta đưa ra phương châm sức khỏe người dân là trên hết, là quý giá nhất thì chúng ta phải có những biện pháp cực kỳ mạnh để không lây lan và không ảnh hưởng sức khỏe người dân. Nếu tiêm đầy đủ, phủ rộng rồi thì có thể hành xử theo cách khác. Khi dịch bùng phát thì thực tế chúng ta mới có những lô đầu tiên về, lúc đó mới bắt bầu khởi động chiến dịch vaccine, ngoại giao vaccine... Và khi có vaccine để tiêm, chúng ta là một trong những nước tiêm vaccine nhanh và nhiều nhất thế giới. Rõ ràng, chuyển hướng chiến lược đã mang lại thành công”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng bày tỏ.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, chúng ta đưa ra những giải pháp theo tình hình đất nước và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tham khảo kinh nghiệm của các nước.
Khi xuất hiện biến chủng Delta, chúng ta tiếp tục nghiên cứu và phân loại, điều chỉnh hợp lý việc điều trị, giúp người bệnh tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở để giảm thiểu số ca chuyển nặng và tử vong. Vai trò trung tâm, chủ thể của người dân cũng được khẳng định mạnh mẽ, chung sức, đóng góp sức lực, cơ sở vật chất cùng các cấp chính quyền để chúng ta đẩy lùi các đợt dịch.
Hơn nữa, theo dự báo của WHO, trong năm 2021-2022, chúng ta chưa thể kiểm soát được hết tình hình dịch có nguy cơ bùng phát. Thực tế đã xuất hiện chủng mới Omicron. Nhưng chúng ta đã bao phủ vaccine đạt tỉ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%, bảo đảm miễn dịch cộng đồng.
“Căn cứ vào thực tiễn, chúng ta đã đưa ra những biện pháp linh hoạt, cụ thể, tuỳ tính chất của từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đợt 4 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, một trong những quyết sách đáng chú ý là việc không ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng điều động một lực lượng lớn “chưa từng có kể từ sau chiến tranh” (cả y tế, quân đội, công an) vào các tỉnh phía Nam chống dịch.
Trung tướng Ngô Minh Tiến cho rằng, đây là một vấn đề hết sức “cân não” lúc bấy giờ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có một quyết định rất đúng đắn, kịp thời, sáng suốt. Chính điều này đã tạo ra bước ngoặt để sau đó chúng ta chỉ trong một thời gian ngắn (3 tháng, trong khi nhiều nơi trên thế giới phải mất 6 đến 9 tháng) đã kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Nam.
Lý giải về quyết định này, theo Trung tướng Ngô Minh Tiến, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đã họp bàn rất kỹ, trực tiếp làm việc với các địa phương, các chuyên gia, nhà quản lý và các cơ quan chức năng để đánh giá sát, đúng tình hình; tìm biện pháp hữu hiệu, khả thi để ngăn chặn dịch hiệu quả. Trong bối cảnh việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở TPHCM và các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch, trong bảo đảm an sinh cho người dân;, tình trạng hệ thống y tế địa phương quá tải, làm tăng nhanh số ca lây nhiễm và tử vong…, việc tăng cường lực lượng có chọn lọc là biện pháp tối ưu nhất. Cùng với đó, nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ tác động tiêu cực đến tâm trạng của người dân, chưa kể những vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý. Và điều này rất bất lợi cho công tác phòng, chống dịch, cũng như việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
"Chúng ta không áp dụng biện pháp khẩn cấp, nhưng vẫn thành công bởi các quyết sách đưa ra đều vì người dân, được nhân dân ủng hộ. Đây là thành công lớn", trung tướng Ngô Minh Tiến chia sẻ.
Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện
Tại Tọa đàm, các khách mời cũng đã làm rõ hơn ý nghĩa của Nghị quyết 128 đối với công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế, về thực hiện 3 mũi giáp công trong thực hiện chiến lược vaccine: Quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và “thần tốc tiêm chủng diện rộng vaccine phòng COVID-19”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc. Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân sau quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát.
Về kinh tế, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay.
“Phải nói rằng nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V. Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu, hơn -6% nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương dẫn chứng.
Tìm hiểu kinh nghiệm của các quốc gia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, việc chúng ta ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa chống dịch.
Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỉ lệ phủ vaccine trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam.
Nói thêm về chiến lược ngoại giao vaccine, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho hay, đây là một trong những điểm sáng thời gian qua. Trước đó, Chính phủ đã lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine và chỉ đạo quyết liệt hoạt động triển khai ngoại giao vaccine.
Đến nay, chúng ta đã tiếp cận được khoảng 190 triệu liều vaccine, trong số đó có khoảng 68 triệu liều vaccine là các đối tác tài trợ. Ngoài ra, chúng ta còn mua thương mại rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine rất khó khăn và cạnh tranh trong tiếp cận vaccine diễn ra rất gay gắt, nhất là trong lúc dịch bùng phát như vậy, kết quả đó có ý nghĩa rất thiết thực để chúng ta có độ phủ vaccine.
Tại Tọa đàm, các khách mời cũng đều chung nhận định năm 2022 và những năm tiếp theo, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, song với những kết quả đạt được vừa qua, chắc chắn chúng ta sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, từng bước hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.