Đối ngoại Việt Nam 'thăng hoa' 5 năm qua

Thứ năm - 08/04/2021 02:52
Đối ngoại Việt Nam 'thăng hoa' 5 năm qua
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tòa nhà quốc hội ngày 5/4. Ảnh: Giang Huy.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tòa nhà quốc hội ngày 5/4. Ảnh: Giang Huy.
Với hội nhập sâu rộng và tổ chức các sự kiện lớn như APEC hay thượng đỉnh Mỹ - Triều, Việt Nam đã nâng cao uy tín và vị thế trong 5 năm qua, theo giới chuyên gia.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 5,9%/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 543,9 tỷ USD năm 2020. Lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm.Choe Nam-suk, ký giả trang Korea It Times, nhận định năm 2020 là năm thành công nhất của Việt Nam khi Việt Nam trở thành hình mẫu trên toàn thế giới về ngăn chặn Covid-19 trong khi duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. "Trong khi các nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phi thường khi đạt mức tăng trưởng 2,91%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á", Choe viết.
"Việt Nam kết thúc năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố, dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế vào hàng cao nhất thế giới", ông viết thêm.
Ngành đối ngoại đã góp phần quan trọng vào thành tựu này. Trong bài viết tổng kết công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã liệt kê những dấu ấn trong 5 năm qua. Việt Nam đã củng cố quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, đối tác và các nước lớn.Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với 5 nước, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với hai nước gồm Australia năm 2018 và New Zealand năm 2020, từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện với một nước là Ấn Độ năm 2016, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược/ đối tác toàn diện lên 30 nước.
Trong khó khăn của Covid-19, đối ngoại điều chỉnh linh hoạt với hình thức ngoại giao trực tuyến, đẩy mạnh ngoại giao y tế và hợp tác quốc tế phòng chống dịch, nâng cao hình ảnh một Việt Nam có khả năng thích ứng, chống chịu cao với các thách thức bên ngoài và là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hội nhập quốc tế, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, với việc tham gia và ký kết hai Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới là CPTPP và EVFTA và một FTA quy mô hàng đầu thế giới là RCEP. Các hoạt động ngoại giao kinh tế được lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động đối ngoại cấp cao.
"Hội nhập kinh tế là bước tiến lớn trong 5 năm qua, từ hội nhập theo chiều rộng, chúng ta đã sẵn sàng hội nhập theo chiều sâu và đặc biệt sẵn sàng tham gia những hiệp định FTA thế hệ cao, tiêu chuẩn cao cả tầm khu vực lẫn tầm thế giới", ông Phạm Quang Vinh, cựu thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nói với VnExpress. "Các nước coi Việt Nam là tấm gương về hội nhập sâu rộng, khi một nước ở trình độ đang phát triển dám tham gia các hiệp định chất lượng cao. Đây là khuôn mẫu để nhiều nước khác học tập".
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam đã đóng góp vào xây dựng, định hình các thể chế đa phương, từng bước phát huy vai trò hòa giải, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã tổ chức thành công APEC 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai vào tháng 2/2019, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020 - 2021.
Ông Vinh nhắc đến việc Việt Nam đã trúng cử vào HĐBA với số phiếu cao kỷ lục. Khi làm chủ tịch vào tháng 1/2020, Việt Nam đã thúc đẩy chủ đề được nhiều nước ủng hộ là nâng cao vai trò của LHQ và hiến chương LHQ trong hợp tác vì hòa bình và phát triển, vào thời điểm tồn tại nhiều thách thức đa phương, cạnh tranh cọ xát giữa các nước lớn. "Hơn 100 nước đã đăng ký và phát biểu, đây là sự hưởng ứng rất cao", ông nói.
"Về hội nghị Mỹ - Triều, chúng ta đã làm rất tốt trong thời gian chuẩn bị ngắn và được đánh giá cao trong hỗ trợ cả về khâu tổ chức hậu cần lẫn vấn đề an ninh trong hội nghị, cũng như đóng góp vào chủ đề của hội nghị để làm sao hai nước có thể xử lý đối thoại", ông Vinh nói thêm.
Công tác đối ngoại đã đóng góp vào giữ vững chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ. Với Campuchia, Việt Nam đã ký và phê chuẩn hai văn kiện pháp lý hóa thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được 84%. "Lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước Việt Nam hiện đại, ta đã xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước láng giềng", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Mặc dù tình hình Biển Đông phức tạp, Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền đồng thời vẫn duy trì ổn định quan hệ song phương với các đối tác. Việt Nam tích cực đàm phán giải quyết những tranh chấp, khác biệt liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và báo cáo chung ranh giới ngoài thềm lục địa với Malaysia, cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam tích cực triển khai đấu tranh chính trị, pháp lý, ngoại giao và cả trên thực địa ở Biển Đông.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh tại châu Á do Viện Lowy công bố ngày 19/10/2020, Việt Nam tăng một bậc từ 13 lên 12. Trong đó, về ảnh hưởng ngoại giao, Việt Nam tăng ba bậc, vươn lên đứng thứ hai trong Đông Nam Á. Về kinh tế, Việt Nam đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN với GDP ở mức hơn 340 tỷ USD. Hãng định giá thương hiệu Brand Finance của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 29% trong năm 2020, đứng ở vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Ông Phạm Quang Vinh chỉ ra rằng các nước lớn trong thời gian qua cạnh tranh nhau rất phức tạp, đặc biệt là cạnh tranh Mỹ - Trung. Trong cách xử lý mối quan hệ với những nước này, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt với tất cả các nước, không muốn chọn bên, giữ chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia và dựa trên luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng lên tiếng khi cần thiết trước những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, phát triển khu vực. Chẳng hạn, Việt Nam lên tiếng trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng vẫn thúc đẩy hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong nhiều vấn đề. "Việt Nam đã ứng xử vừa có nguyên tắc vừa rất linh hoạt trong vấn đề này", cựu thứ trưởng bình luận.
"Đối ngoại 5 năm qua đã nở rộ, đóng góp rất tích cực vào nâng uy tín và vị thế của Việt Nam", ông kết luận.
Ngày 5/4, ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành tân Chủ tịch nước và ông Phạm Minh Chính nhậm chức Thủ tướng. Alexander Vuving, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii, nhận định "ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm rất tốt nhiệm vụ trong 5 năm qua trên cương vị thủ tướng".
Vuving cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đã giám sát một nền kinh tế bùng nổ và là gương mặt đại diện của chính phủ đối với các nhà đầu tư lớn. Với việc trở thành Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ thúc đẩy chính sách đối ngoại khi tham gia các hội nghị thượng đỉnh.
Nhận định về thách thức của công tác đối ngoại trong 5 năm tới, cựu thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho rằng đối ngoại phải gánh vác nhiệm vụ rất lớn. Đại hội đảng XIII đã đề ra nhiệm vụ đưa đất nước lên một tầm mới với những tầm nhìn, định hướng đến năm 2030 và 2045. Nhiệm vụ của đối ngoại là hội nhập sâu rộng và toàn diện, đồng thời đi tiên phong trong góp phần duy trì hòa bình và hợp tác, phát triển. "Nhiệm vụ đất nước và đối ngoại gia tăng đặt ra câu hỏi làm sao công tác đối ngoại có thể đáp ứng được", ông nói.
Ông cho rằng đối ngoại phải bám sát mục tiêu ưu tiên của đất nước, đáp ứng được khát vọng phát triển, đồng thời tham gia kiến nghị, tạo ra chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất chất lượng cao, phù hợp với lợi ích quốc gia. Cựu thứ trưởng nhấn mạnh cần phải nâng cao dự báo chiến lược, đưa ra tham mưu khuyến nghị tốt, định hướng chiến lược từ sớm và nâng cao chất lượng cán bộ.
Một thách thức cho chặng đường sắp tới là môi trường đối ngoại phức tạp, trong đó có cạnh tranh nước lớn, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Việt Nam cần xử lý để thúc đẩy quan hệ với các đối tác mà không để bị kẹt trong cạnh tranh giữa nước lớn.
"Việt Nam đã làm tốt trong vấn đề này nhưng chắc chắn sắp tới sẽ có nhiều phức tạp cần xử lý. Nguyên tắc xử lý là dựa trên lợi ích quốc gia và luật phát quốc tế", ông Vinh bình luận.
 

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây