Thủ tướng: Tiếp tục chính sách quốc phòng 'bốn không'

Thứ năm - 03/08/2023 14:54
Thủ tướng: Tiếp tục chính sách quốc phòng 'bốn không'
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, sáng 2/8. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, sáng 2/8. Ảnh: Nhật Bắc

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng 'bốn không' và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa.

Chủ trì phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế sáng 2/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chính sách quốc phòng của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chính sách đối ngoại quốc phòng theo nguyên tắc "bốn không" được nêu trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019. Việt Nam tiếp tục là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam tranh thủ các xu thế mới như cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, mạng lưới FTA đã tham gia, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn tiện để "đưa đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới". "Hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa có thách thức, là việc khó, nhạy cảm nhưng không thể không làm", ông nói.
 

Thủ tướng yêu cầu giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Trong đó, hội nhập phải gắn với nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh, sức chống chịu và khả năng thích ứng; phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Để hội nhập có biến đổi tích cực về chất, yếu tố nền tảng là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực thể chế, xây dựng chính sách trong nước theo kịp cam kết và môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, các thỏa thuận và cam kết quốc tế cần triển khai hiệu quả, gồm song phương và đa phương trên tinh thần "đã nói là phải làm, cam kết phải thực hiện, thực hiện phải có kết quả cân đo đong đếm được".

Sau 10 năm thực hiện nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, từ chỗ chỉ hội nhập chủ yếu về kinh tế, Việt Nam đã chuyển sang hội nhập toàn diện trên tất cả lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa. Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước; tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế.

Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 730 tỷ USD, thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 đạt 431 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn. Nhiều chỉ số, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng so với các nước ASEAN không nhiều thay đổi sau 10 năm. Nguồn nhân lực, mức độ kết nối giữa khu vực kinh tế FDI và quốc nội, liên kết vùng trong nước chưa đạt kỳ vọng.

Tác giả bài viết: Viết Tuân

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây