Đại học quốc gia TP HCM ký hợp tác với tỉnh Hậu Giang nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực.
Nội dung hợp tác giai đoạn 2023 - 2028 được Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh và PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM ký ngày 28/7. Lễ ký trong khuôn khổ chương trình làm việc của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt với UBND tỉnh Hậu Giang về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp thúc đẩy các chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một trong những nội dung quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
Trước đó, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 28/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh cho biết, địa phương thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học, công nghệ có trình độ chuyên môn cao, nhất là các chuyên gia đầu ngành ở các ngành, lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, công nghệ sinh học, khoa học xã hội và nhân văn...
"Nhân lực trong công tác quản lý khoa học công nghệ của tỉnh có 21/22 biên chế công chức, 20 viên chức, một số bộ phận phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau gây khó khăn, chậm trễ và hiệu quả công việc chưa cao...", bà Ánh nói.
Còn Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế của địa phương liên tục tăng trưởng cao hơn khu vực và cả nước, đánh dấu sự phát triển cao nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân của cả nước; năm 2022 đạt 13,94%, cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước. Còn 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 14,21%, vươn lên dẫn đầu cả nước.Theo ông Thành, trong thành quả này có sự đóng góp của khoa học công nghệ, tuy nhiên tương xứng. Nguyên nhân là do đầu tư cho khoa học, công nghệ còn nhỏ. Số lượng, chất lượng các nhà khoa học trên địa bàn còn yếu, thiếu; chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư khoa học công nghệ.
Ông Thành cho biết, Hậu Giang đã ban hành nghị quyết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định tập trung đưa hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thành động lực phát triển, đi vào thực tế cuộc sống, thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương... "Địa phương mong muốn được hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các viện, trường", ông nói.
Hậu Giang rộng hơn 1.600 km2, dân số hơn 733.000 người, xếp thứ 54 cả nước. Tỉnh này được thành lập năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Đây là một trong những trung tâm lúa gạo ở miền Tây và đang trở thành địa phương thu hút đầu tư phát triển công nghiệp mạnh trong vùng.
Mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người 77 - 80 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1% mỗi năm; chỉ số cải cách hành chính nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu...
Tác giả bài viết: An Bình
Nguồn tin: vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn