APEC 2017, dấu ấn trong tiến trình hợp tác
Tổ chức Năm APEC 2017 là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy các quan tâm chung, hợp tác kinh tế khu vực và tạo được những dấu ấn trong tiến trình hợp tác của Diễn đàn.
Trong bài viết "Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao APEC với vai trò và vị thế của Việt Nam," Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Việt Nam một lần nữa tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC.
Cam kết của các nhà lãnh đạo APEC “hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm” thể hiện thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm giữ vững các giá trị cốt lõi của APEC là thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.”
Chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017 đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi và nhất trí cao của các thành viên, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, tự do hóa thương mại và đầu tư, duy trì cam kết của APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.
Cùng với việc góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương theo hướng mở, công bằng, minh bạch và vì phát triển, APEC đã khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng và điều phối các ý tưởng, sáng kiến liên kết kinh tế.
Nhiều hiệp định tự do thương mại đã được hình thành từ những ý tưởng hợp tác giữa các thành viên. Những năm gần đây, APEC cũng tiên phong trong các vấn đề mới như tăng trưởng bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu, các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới… nhằm đáp ứng nhu cầu mới về phát triển của khu vực và toàn cầu, giúp các thành viên nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các kết quả Năm APEC 2017 đã tạo nền tảng quan trọng cho hợp tác của APEC trong giai đoạn mới.
Tuần lễ Cấp cao đã thông qua tám văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế.
Lần đầu tiên APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam đã đóng góp vào nỗ lực chung củng cố vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực. Điều này đặc biệt quan trọng khi xu hướng chống toàn cầu hóa, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số nước trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo APEC đã đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác APEC đến năm 2020 và chuẩn bị tầm nhìn sau năm 2020, hướng tới một APEC vì người dân và vì doanh nghiệp; góp phần xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng; phát huy vai trò lãnh đạo của APEC trong ứng phó các thách thức mới trên toàn cầu.
Đặc biệt, Tuần lễ Cấp cao APEC đưa ra những định hướng lớn cho hợp tác APEC trong thời gian tới, đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư và xây dựng tầm nhìn dài hạn cho APEC sau năm 2020. Theo đó, các thành viên nhất trí thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC.
Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC tiến hành đối thoại với lãnh đạo của tất cả 10 thành viên ASEAN nhằm tăng cường phối hợp trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực.
Với tiềm năng hợp tác to lớn và khả năng thích ứng linh hoạt nhờ cơ chế đối thoại mở, dựa trên nguyên tắc cùng có lợi, đồng thuận, tự nguyện, hướng tới mục tiêu dài hạn là duy trì sự tăng trưởng, phát triển của châu Á-Thái Bình Dương vì lợi ích chung của các nền kinh tế trong khu vực, các nền kinh tế APEC sẽ tiếp tục có vai trò nòng cốt duy trì đà tăng trưởng và liên kết của châu Á-Thái Bình Dương, qua đó đóng góp vào việc tạo động lực cho tăng trưởng và liên kết toàn cầu.
Những kết quả của Năm APEC 2017 đã góp phần đưa Diễn đàn bước sang một giai đoạn phát triển mới, khơi dậy các tiềm năng hợp tác và liên kết mới của từng nền kinh tế, từng doanh nghiệp và từng người dân, để tạo những kết quả thiết thực, cụ thể, là động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm của cả khu vực.
Nâng cao vị thế Việt Nam
Trong năm 2017, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, dẫn dắt hợp tác APEC, qua đó nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC và quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam.
Trong các hoạt động APEC, Việt Nam đã ký tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với các đối tác có tổng trị giá gần 20 tỷ USD.
Nhiều bè bạn, đối tác, trong đó có Nga, Trung Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand đã các nhiều hình thức trợ giúp, với tổng trị giá khoảng 9 triệu USD, dành cho người dân ở các tỉnh miền Trung đã trải qua những mất mát do cơn bão số 12 gây ra. Đây là sự động viên kịp thời, đầy tình nghĩa bạn bè, tương thân tương ái.
Việt Nam đã quảng bá tiềm năng, cơ hội mới về phát triển, kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối, du lịch. Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút con số kỷ lục hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam có khoảng 2.200 doanh nghiệp tham dự, trong đó khoảng 850 doanh nghiệp Việt Nam.
Nhân dịp các hoạt động APEC đã có hơn 80 cuộc gặp gỡ, kết nối giữa địa phương với các doanh nghiệp. Nhiều kế hoạch hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp đã được hình thành.
Trong dịp này, đã có ba chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng thống Chile, một chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Canada.
Đây đều là những chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam và đạt được các thỏa thuận mang tầm chiến lược, mở ra những trang mới cho quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng và cũng là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền. Điều đó cho thấy vị thế mới của đất nước.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 của Thủ tướng Canada Justin Trudeau chính là cơ hội để hai nước, nhất là các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đánh thức những tiềm năng hợp tác, nỗ lực đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới.
Theo tiến sỹ Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, nước chủ nhà Việt Nam được đánh giá cao trong công tác chuẩn bị cho APEC năm nay, có rất nhiều cuộc họp của APEC được tổ chức, trong đó có Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Đối với nhiều quốc gia, Việt Nam cũng được đánh giá là mô hình phát triển thành công với thế mạnh là nền kinh tế phát triển liên tục ở mức cao trong nhiều năm, có sự cải tổ, thay đổi tích cực để thu hút đầu tư, đặc biệt là từ sau khi gia nhập APEC.
Thông qua APEC, các nền kinh tế khu vực đã biết đến sự năng động và đổi mới của kinh tế Việt Nam, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch mới vào Việt Nam.
Các chương trình văn hóa, quảng bá Việt Nam với APEC và thế giới với Việt Nam như Công viên APEC tại Đà Nẵng, đã cho thấy một Việt Nam giàu truyền thống và đổi mới, sáng tạo.
Đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương, đã trưởng thành về năng lực điều hành, tổ chức, ngoại ngữ.
Năm APEC 2017 đã tạo cơ sở hình thành, phát triển văn hóa hội nhập phục vụ thời kỳ đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập sâu rộng của đất nước, hình thành một thế hệ mới có tình cảm với Việt Nam.
Trong Năm APEC 2017, Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các thành viên, điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC, góp phần gia tăng vị thế của đất nước.
Thành công của Năm APEC 2017 đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương, với mục tiêu cao nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.