Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam sang thăm các di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam tại Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), từ ngày 27-31/10.
Tọa đàm có sự tham gia của Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các tướng lĩnh, lãnh đạo chủ chốt của các Quân, Binh chủng, đơn vị có hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc; các Quân khu có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, cũng như đông đảo các sinh viên, thầy cô giáo Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây.
Phát biểu tại tọa đàm, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, một số trường học của Việt Nam đã được chuyển đến giảng dạy tại Quảng Tây để đảm bảo sự an toàn cho thầy và trò. Trong đó có con em cán bộ Quân đội của Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi (Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi) thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được sơ tán đến trường Dục Tài Quế Lâm (tiền thân của Đại học Sư phạm Quảng Tây) rèn luyện và học tập.
Từ năm 1951-1975, lần lượt có hơn 14.000 lượt học sinh tốt nghiệp từ Quế Lâm về nước, trở thành đội ngũ cán bộ kế cận đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước của dân tộc. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ, Quân đội Việt Nam.
Trong những năm tháng gian khổ ấy đã xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm thầy và trò, sự sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho con em Việt Nam của cán bộ, nhân dân Trung Quốc. Đây là giai đoạn lịch sử đáng nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc, là tài sản quý báu để nhân dân hai nước cùng nhau góp sức vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đơm hoa kết trái.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định, Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc trong những năm tháng đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước ngày nay. Việt Nam trước sau như một, luôn nhất quán quan điểm coi phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình.
"Hiện nay hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những thời cơ và thách thức mới trong công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, hai bên đều cần môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển ở mỗi nước. Mong rằng Đại học Sư phạm Quảng Tây tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp nhiều hơn nữa cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phát triển bền vững", Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nói.
Theo Đại tá Trần Hữu Dũng, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện nay có rất nhiều thanh niên Việt Nam đã theo dấu chân của lớp người đi trước đến Trung Quốc để học tập và công tác, trong đó có du học sinh Việt Nam đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây. Đây chính là cầu nối cho tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Thầy Tôn Kiệt Viễn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Quảng Tây cho biết, trường luôn coi trọng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Trung Quốc với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2018, trường đã thành lập Viện Nghiên cứu Việt Nam, tạo cơ sở để các học sinh trong trường nâng cao hiểu biết về Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ... Trong thời gian tới, trường Đại học Sư phạm Quảng Tây sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hợp tác giáo dục với Việt Nam.
Trước đó, đoàn công tác đã tham quan Nhà kỷ niệm Việt Nam tại trường Đại học Sư phạm Quảng Tây - nơi ghi dấu nhiều thế hệ học sinh Việt Nam từng học và đến thăm các địa danh lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam như Nhà triển lãm Hồ Chí Minh, Nhà Tưởng niệm khởi nghĩa Long Châu, Bệnh viện Nam Khê Sơn... Mỗi địa danh, di tích đều thể hiện đậm nét sự gắn bó giữa hai bên trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng, giành độc lập của hai dân tộc.
Tác giả bài viết: Tú Anh t/h
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn