UAE, Saudi Arabia và Qatar là những đối tác hợp tác hữu nghị quan trọng, lâu dài và toàn diện trên các lĩnh vực tại khu vực Trung Đông. Ba nước cũng xác định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách "Hướng Đông".
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam với UAE, Saudi Arabia và Qatar đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất, sự phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương ngày càng chặt chẽ hơn.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo đột phá mới thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng và trên hết tạo dựng một cách vững chắc sự tin cậy chính trị để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và ba nước cũng như toàn khu vực.
Chuyến thăm là bước triển khai thiết thực, sinh động đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó ưu tiên đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, góp phần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm 3 nước Trung Đông của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết: UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi, kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD. Từ tháng 6/2023, hai nước bắt đầu đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện (CEPA), và dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán trong chuyến thăm lần này. Hiện tại, UAE có 41 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 71,6 triệu USD. UAE cũng là nơi làm việc của khoảng 3.000 lao động Việt Nam.
Saudi Arabia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 2,68 tỷ USD. Các tập đoàn kinh tế lớn của Saudi Arabia đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Việt Nam hiện có khoảng 4.000 lao động tại Saudi Arabia.
Với tiềm lực mạnh về năng lượng, tài chính, Qatar là đối tác kinh tế, đầu tư tiềm năng lớn đối với Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 497,2 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022). Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) đã và đang nghiên cứu, đẩy mạnh các dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác như giáo dục, lao động thời gian qua cũng có nhiều khởi sắc.
Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp cho biết: hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Qatar đang được lãnh đạo hai nước chú trọng phát triển, tận dụng các lợi thế đặc thù của mỗi bên. Với vị trí cửa ngõ kết nối các khu vực và hệ thống hạ tầng hiện đại, Qatar có thể là cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường vùng Vịnh và các khu vực lân cận. Ngược lại, Việt Nam có thể cung cấp nhân lực có tay nghề và sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cho Qatar, đồng thời học hỏi kinh nghiệm trong các lĩnh vực như chuyển đổi số và năng lượng. Ngoài ra, hai bên cũng thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần nâng cao hiểu biết và tình hữu nghị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách từ cả hai phía.
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, trao đổi với tất cả các lãnh đạo cao nhất, các quỹ đầu tư và các tập đoàn lớn của ba nước nhằm thúc đẩy quan hệ một cách toàn diện, hiệu quả hơn, nhất là về mở cửa thị trường, thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, hợp tác lao động, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân, chống biến đổi khí hậu, hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, năng lượng sạch, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển ngành Halal... Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ có các bài phát biểu quan trọng chuyển tải thông điệp về định hướng phát triển, đường lối đối ngoại của Việt Nam, không chỉ với ba nước mà cũng là thông điệp chính sách với khu vực Trung Đông. Các hoạt động này có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam và các nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau, từ hiểu biết hơn sẽ tin cậy cao hơn, hợp tác chặt chẽ hơn, đồng hành sát cánh cùng nhau hơn trong chặng đường phát triển của mỗi nước cũng như trong nỗ lực đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. |
Tác giả bài viết: Phan Anh t/h
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn