Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa Pháp từ ngày 4 - 7/10/2024, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp.
Theo Đại sứ, hai nước đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là nước có vị thế và uy tín chính trị cao trên thế giới, có nền kinh tế phát triển, có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Âu, EU và đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, là thành viên sáng lập và chủ chốt của nhiều tốt chức khu vực và quốc tế quan trọng…, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động về đối ngoại và hội nhập, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nước coi trọng và đánh giá cao vai trò đối tác của nhau trong trong quan hệ giữa hai châu lục, hai khu vực và giữa ASEAN với EU, chia sẻ nhiều quan tâm chung về thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, những giá trị chung như chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Ảnh: TTXVN) |
Trao đổi, giao lưu giữa hai nước trong các lĩnh vực, ở các cấp độ, quy mô khác nhau luôn sôi nổi và được duy trì ở các hình thức khác nhau trong bối cảnh mới. Trong các tiếp xúc gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định nhận thức chung về một tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp trên cơ sở các trụ cột hợp tác đã được xác định và tiếp tục được đổi mới, tăng cường. Nhiều điểm nhấn quan trọng cụ thể đã được định hình trong việc tăng cường tin cậy chính trị và giao lưu nhân dân; thúc đẩy hợp tác, tạo chuyển biến về cả chất và lượng trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hàng không, chuyển đổi năng lượng, khoa học - công nghệ, văn hóa, kỹ thuật…
Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu ngày càng biến động, Việt Nam và Pháp đều nhận thấy cần thiết phải tăng cường sự năng động trong đối ngoại và hội nhập để đưa ra các chiến lược thích ứng, nhằm đảm bảo lợi ích chung và phục vụ cho sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh rằng cộng đồng người Việt tại Pháp đông đảo, lâu đời, có truyền thống yêu nước đóng một vai trò quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ nhân dân giữa hai nước. Với thế mạnh về tri thức và vị thế xã hội, họ là cầu nối vững chắc cho các hoạt động giao lưu, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet. (Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) |
Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cũng bày tỏ sự lạc quan về tương lai hợp tác Việt Nam - Pháp. Ông nhấn mạnh rằng quan hệ này không chỉ bền chặt, hữu nghị, mà còn là sự tin cậy ngày càng cao, với những thành tựu nổi bật như: kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023 và chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu trong dịp kỷ niệm 70 năm trận chiến Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024.
Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp được kỳ vọng sẽ mở ra những hướng hợp tác mới giữa hai quốc gia. Đặc biệt, hai nước đang đặt nhiều kỳ vọng vào các lĩnh vực như phát triển bền vững, năng lượng và giao thông, với trọng tâm là hợp tác trong ngành đường sắt, vốn là thế mạnh của Pháp.
Công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn. Nhiều doanh nghiệp Pháp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên. Một lĩnh vực khác được là giáo dục, trong đó Việt Nam và Pháp dự kiến sẽ ký kết một hiệp định liên chính phủ nhằm tăng cường việc đào tạo tiếng Pháp tại các trường học Việt Nam, nâng cao chất lượng giáo dục và số lượng người nói tiếng Pháp.
Đại sứ Olivier Brochet mong muốn tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, đặc biệt là giao lưu giữa các thế hệ trẻ. Ông kỳ vọng ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn Pháp là điểm đến du học, không chỉ để tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao mà còn để góp phần vào sự phát triển bền vững của quan hệ song phương. Đồng thời, sự gia tăng số lượng sinh viên Pháp đến Việt Nam học tập cũng là tín hiệu tích cực, thể hiện sự gắn kết văn hóa và học thuật giữa hai nước.
Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ, ngày 20/3/2024. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Văn hóa luôn là điểm nhấn trong quan hệ Việt - Pháp. Năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với chủ đề “Văn hóa sẻ chia” đã thể hiện rõ sự hợp tác trong lĩnh vực này, không chỉ mang sản phẩm văn hóa Pháp đến Việt Nam mà còn giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Sự hợp tác giữa Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Hoàng gia Versailles là một ví dụ điển hình, mở ra nhiều cơ hội phát triển nghệ thuật và sáng tạo tại Việt Nam.
Các sự kiện văn hóa nổi bật như Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi’23 đã thu hút gần 200.000 lượt khách tham quan và 5 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam và nghệ thuật nhiếp ảnh. Dự kiến, Photo Hanoi’25 sẽ tiếp tục là một sự kiện văn hóa quốc tế lớn, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam thể hiện tài năng và giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cộng hòa Pháp đánh dấu sự phát triển trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Đây không chỉ là cơ hội để củng cố sự tin cậy chính trị và thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, mà còn mở ra một chương mới trong hợp tác chiến lược, vì hòa bình, hợp tác và phát triển khu vực và toàn cầu.
Tác giả bài viết: Minh Thái (Tổng hợp)
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn