Một chiều thu se lạnh tại thành phố Linköping, không khí trong lớp học tiếng Việt ở Trường Trung học Cơ sở Elsa Brandstrom trở nên sôi động hơn thường lệ. Các em học sinh gốc Việt, đang học về kiến thức xã hội, lịch sử, khoa học nghệ thuật Việt Nam, hăng say chuẩn bị bài giới thiệu về quê hương mình. Các em tự hào kể về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và công ăn việc làm tại nơi cha mẹ mình lớn lên. Điều này giúp các em tăng cường kỹ năng tiếng Việt, đồng thời hiểu sâu hơn về nguồn cội và giá trị văn hóa dân tộc.
Hình ảnh các em tự tin giới thiệu về quê hương cha mẹ với niềm tự hào là minh chứng cho thành quả từ những nỗ lực bền bỉ của cô Sally trong suốt tám năm qua. Với cô, lớp học này không chỉ dạy ngôn ngữ, mà còn là nơi nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào về cội nguồn, giúp các em tiếp thu sâu sắc hơn giá trị của tiếng Việt qua những bài học đậm chất văn hóa dân tộc.
Tám năm trước, khi đang quản lý một nhà hàng Việt tại Thụy Điển, cô Sally nhận ra tầm quan trọng của việc giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa cho thế hệ trẻ gốc Việt. Dù bận rộn, cô vẫn nhận lời mời của Trung tâm ngôn ngữ thành phố Linköping để giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại Östergötland. “Tiếng Việt là sợi dây kết nối duy nhất giữa các em với cội nguồn. Nếu để nó mất đi, chúng ta sẽ mất đi nhiều hơn cả ngôn ngữ,” cô chia sẻ.
Tại Thụy Điển, trẻ em có quyền học tiếng mẹ đẻ từ 30 đến 60 phút mỗi tuần, giúp duy trì khả năng ngôn ngữ và gắn kết văn hóa. Với sự hỗ trợ từ ông Lê Sơn Hà, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Thụy Điển, lớp học tiếng Việt được mở tại Trường Trung học Cơ sở Elsa Brandstrom, nơi khuyến khích việc duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ.
Dạy tiếng Việt cho trẻ sinh ra và lớn lên tại Thụy Điển không hề dễ dàng. Tiếng Việt, với 6 thanh điệu và các âm tiết phức tạp là một thách thức đối với những em học sinh vốn đã quen thuộc với ngôn ngữ bản địa. Nhiều em chỉ nói được những câu đơn giản, ngập ngừng, chưa lưu loát. Nhưng với cô Sally, không có tiến bộ nào là nhỏ bé: "Thật xúc động khi nghe các con dần nói rõ hơn từng âm tiếng Việt, dù đó là những âm khó như dấu nặng hay dấu ngã".
Không chỉ dạy tiếng Việt, cô còn khuyến khích các em tự hào về nguồn gốc. “Dù các con nói tiếng Thụy Điển, ăn mặc như người Thụy Điển, nhưng khuôn mặt, tên họ và món ăn yêu thích của các con vẫn luôn mang đậm nét Việt. Hãy tự hào và sử dụng tiếng Việt thường xuyên, vì đó chính là phần hồn của chúng ta”. Học trò của cô thường chào “Xin chào” thay vì “Hej” khi gặp cô, và chỉ điều đó thôi đã là nguồn động lực to lớn để cô tiếp tục hành trình của mình.
Để giờ học trở nên sinh động, cô Sally kết hợp giữa công nghệ và các tài liệu giảng dạy hiện đại. Với các em nhỏ, cô sử dụng các bài hát thiếu nhi Việt Nam, phim tài liệu về Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu. Với các em lớn hơn, cô giới thiệu lịch sử Việt Nam, ca dao, tục ngữ và cả nghệ thuật chèo, cải lương hay nhạc cụ dân tộc. Cô tìm ra phương pháp dạy phù hợp với độ tuổi và trình độ của các em, đồng thời bám sát chương trình học của các em tại trường để vừa học kiến thức vừa rèn luyện tiếng Việt.
Không chỉ được cộng đồng người Việt tại Thụy Điển đánh giá cao, lớp học của cô Sally còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Ban giám hiệu Trường Trung học Cơ sở Elsa Brandstrom.
Bà Sabina Carlsson, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Chúng tôi nhận thức rằng, việc học ngôn ngữ hay “tiếng mẹ đẻ” của các học sinh nước ngoài tại Thụy Điển nói chung hay của các con em người Việt nói riêng là rất quan trọng. Tại Trường Elsa Brandstrom hiện đang có các lớp giảng dạy khoảng 15 ngôn ngữ bản xứ cho các em học sinh. Điều này sẽ giúp các em hòa nhập với môi trường học và có thể tiếp cận các môn học theo từng cấp độ tại Thụy Điển một cách nhanh chóng. Nhà trường luôn tạo điều kiện để các em có thời gian tham gia học tiếng Việt tại trường. Đó cũng chính là lý do vì sao cô Lưu mở lớp và hỗ trợ dạy tiếng Việt tại Trường Elsa Brandstrom”.
Cô giáo Sally Luu Nguyen sinh năm 1975, định cư tại Thụy Điển từ năm 2000. Cô bắt đầu giảng dạy tiếng Việt từ năm 2016. Lớp học của cô hiện có 33 học sinh từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học. Các em học sinh học tiếng Việt với thời lượng và chương trình tương tự các môn học khác, được nhà trường cung cấp sách giáo khoa, tài liệu học tập và cấp chứng chỉ khi hoàn thành chương trình học. |
Tháng 9/2024, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, đã thăm lớp học tiếng Việt tại Linköping. Bà không khỏi xúc động trước sự nhiệt huyết của cô Sally và những nỗ lực không ngừng của các em học sinh.
Trong buổi gặp gỡ, một học sinh đã ngỏ ý mong muốn có sách Tiếng Việt và tập viết chữ ô ly như các bạn học sinh ở quê nhà Việt Nam. Đó là một ước muốn giản dị nhưng sâu sắc, thể hiện khát khao được kết nối với quê hương, dù các em đang sống cách xa nửa vòng trái đất.
Bà Mai nói: "Tiếng Việt còn là dân tộc còn. Dù đi bất cứ nơi đâu thì các con cũng vẫn là người Việt Nam, do đó cũng phải cần giữ gìn tiếng Việt của mình, học và hiểu được cái gốc tiếng Việt sau đó có thể học ngôn ngữ của nước sở tại (Thụy Điển) hay các ngôn ngữ khác”.
Câu chuyện của cô Sally không chỉ dừng lại ở lớp học ngôn ngữ. Đó là hành trình bền bỉ với niềm tin vào giá trị của ngôn ngữ và văn hóa. Lớp học của cô đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực giữ gìn văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt tại Thụy Điển. Sự kiên trì của cô không chỉ giúp thế hệ trẻ học ngôn ngữ, mà còn xây dựng cầu nối bền chặt với quê hương.
Tác giả bài viết: Phan Anh
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn