Thông điệp hòa bình từ những kỷ vật của một cựu binh Mỹ

Thứ hai - 10/06/2024 14:32
Thông điệp hòa bình từ những kỷ vật của một cựu binh Mỹ
Ông Thomas Eugene Wilber, con trai Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber tại lễ khai mạc trưng bày “Thang âm cuộc chiến” vào tháng 12/2023. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị)
Ông Thomas Eugene Wilber, con trai Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber tại lễ khai mạc trưng bày “Thang âm cuộc chiến” vào tháng 12/2023. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị)
Thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò (phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào một ngày đầu tháng 6/2024, chúng tôi thấy một số vật dụng được trưng bày ở đây như: chiếc ca, quần áo, bao diêm, lá thư..., đó là những kỷ vật của Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber, tù binh phi công Mỹ ở trại giam Hỏa Lò trong thời gian từ năm 1968 đến năm 1973.

Tài liệu lưu trữ tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò nêu: ngày 16/6/1968 Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber bắt đầu tham chiến tại Đông Nam Á, cùng đồng nghiệp lái máy bay F4J Phantom II ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.

Chiếc máy bay bị phi công Đinh Tôn, lái máy bay MiG21 bắn rơi tại Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Người đồng đội của Walter Eugene Wilber tử nạn, còn ông nhảy dù, rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ông bị bắt và chuyển về trại giam Hỏa Lò. Trong 5 năm bị giam tại đây, ông Walter đã nhận được sự đối xử nhân đạo, khoan dung. Ngày 12/2/1973, ông được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Những kỷ vật sử dụng trong thời gian sống tại trại giam Hỏa Lò được Walter Eugene Wilber xin mang về Mỹ và lưu giữ cẩn thận. Sau gần nửa thế kỷ, Thomas Eugene Wilber, con trai ông đã tặng lại nhiều kỷ vật cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Trong số các kỷ vật ấy có chiếc ca Walter dùng để uống nước. Chiếc ca làm bằng sắt tráng men, có nắp đậy phía trên. Đây là sản phẩm của Nhà máy sắt tráng men - nhôm Hải Phòng (nay là Công ty cổ phần sắt tráng men - nhôm Hải Phòng). Được thành lập từ năm 1960, đây là nhà máy đứng hàng đầu cả nước về sản xuất các sản phẩm sắt tráng men - nhôm. Các sản phẩm của nhà máy đều có logo hình tròn màu xanh, bên trong hình tròn có hình chim bồ câu và dòng chữ “Sắt tráng men - nhôm, Hải Phòng”.
Mỗi buổi sáng, Walter sử dụng chiếc ca để đựng nước hoặc cà phê. Cà phê do gia đình tiếp tế, được trại giữ và cấp phát dần. Do sử dụng nhiều nên nắp, miệng, đáy ca bị tróc men. Bên cạnh việc cấp loại ca sắt, những ca uống nước làm bằng nhôm cũng được trại giam cấp cho phi công Mỹ sử dụng.

Trong thời gian ở Hỏa Lò, Walter viết nhiều thư về cho gia đình mình. Một trong những bức thư ấy là thư gửi cho con trai cả của ông khi cậu tròn 17 tuổi vào mùa Giáng sinh năm 1970. Bức thư được lưu giữ ở Di tích Nhà tù Hỏa Lò (do các bức thư này không được gửi mà sẽ được các cựu binh đọc, thu âm và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng quốc tế).

Bức thư có nội dung: "Chúc mừng sinh nhật con trai. Tuổi 17 là khoảng thời gian thật vui. Chân trời đang rộng mở ra trước mắt và con sẽ trở nên tự tin hơn. Đừng bỏ lỡ bất cứ ngày vui nào của tuổi trẻ, thế nhưng vẫn phải tiếp tục rèn luyện thân thể và tâm trí của mình, đặc biệt là học cách suy nghĩ và giải quyết các vấn đề. Hãy thành thật, nhưng đừng trở nên sợ hãi trước đám đông. Bố không biết gửi cho con thứ gì ngoài tình yêu của bố và những lời chúc tốt lành nhất. Con biết đấy, lòng tin và sự yên lành vốn chỉ là những từ ngữ sáo rỗng cho tới khi ta thực hiện nó bằng cả kỷ luật".

Trong nhiều lá thư, Walter Eugene Wilber kể về cuộc sống của những tù binh phi công Mỹ tại Hỏa Lò và động viên gia đình hãy yên lòng, sức khỏe ông vẫn tốt, ông được cán bộ quản lý trại giam đối xử nhân văn, ông luôn mong muốn cuộc chiến phi nghĩa này sẽ sớm chấm dứt.


 

ky vat ke chuyen cuu binh my o hoa lo 20240609064254
Chiếc ca phi công Mỹ Walter Eugene Wilber sử dụng trong thời gian bị giam giữ ở Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Hồ sơ hiện vật năm 2017/Di tích Nhà tù Hỏa Lò)

Một kỷ vật khác là mảnh giấy gói quà do chính tay con trai ông - Thomas gói để gửi sang Việt Nam cho cha vào năm 1972, đã được Walter giữ lại và mang trở về Mỹ khi được trao trả tự do.
Những kỷ vật đã kể câu chuyện sống động, khách quan, trung thực về một phần cuộc sống của Walter Eugene Wilber cũng như những tù binh phi công Mỹ trong những ngày bị tạm giam tại Hỏa Lò; khẳng định sự đối xử nhân đạo của chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với tù binh Mỹ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời gửi gắm thông điệp về hòa bình của những người trong cuộc đến thế hệ mai sau.

Buổi giới thiệu trưng bày “Thang âm cuộc chiến” do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức vào tháng 12/2023 có sự tham dự của Thomas Eugene Wilber. Ông kể, sinh thời cha mình rất mong muốn được trở lại Việt Nam, thăm lại trại giam Hỏa Lò nhưng ông không kịp thực hiện. Thomas đã nỗ lực thực hiện tâm nguyện này thay cha. Ông đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2014 và đã 43 lần trở lại mảnh đất này. Trong những lần trở lại ấy, ông luôn tìm đến trại giam Hỏa Lò, nay đã thành Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Kể từ những bước chân đầu tiên trên di tích Hỏa Lò, ông đã cảm thấy được kết nối với những bước chân của cha mình hơn nửa thế kỷ trước, như được trở về nhà mình.

Tác giả bài viết: Minh Thái

Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây