Bà đánh giá ra sao về sự phát triển của quan hệ đối ngoại nhân dân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam?
- Đối ngoại nhân dân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong suốt 28 năm, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Điều này được thể hiện qua quyết tâm gác lại quá khứ, thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện, trở thành những đối tác tin cậy; cũng như việc hai nước chung tay ứng phó với những thách thức toàn cầu về an ninh và biến đổi khí hậu.
Đối ngoại nhân dân đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hai nước. Ngay sau tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây được coi là tổ chức hữu nghị đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, qua đó cho thấy giá trị chung mà nhân dân hai nước chúng ta cùng sẻ chia về lòng yêu nước và khát vọng độc lập.
Đối ngoại nhân dân đã tạo nền tảng cho hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thành công đó không chỉ nhờ có đóng góp của các nhà ngoại giao, đại sứ hay giới lãnh đạo mà còn của từng cá nhân trong cộng đồng. Và điểm khởi đầu của những kết nối nhân dân hai nước chính là các chương trình thiết thực như trao đổi văn hóa, giáo dục, du lịch...
Điểm chung giữa nhân dân hai nước còn thể hiện ở việc chúng ta hỗ trợ lẫn nhau để trong xã hội, các cá nhân có thể phát triển cũng như góp sức cho cộng đồng và quan hệ hợp tác song phương.
Đối ngoại nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ thể hiện nỗ lực của những con người yêu chuộng hòa bình, can đảm đối diện với di sản chiến tranh, gác lại quá khứ, chung tay xây dựng tình bạn và quan hệ đối tác cùng nhau học hỏi và tiến bộ. Với những kết quả đạt được thông qua đối thoại và hòa giải, đối ngoại nhân dân cũng góp phần đáng kể vào việc trao quyền cho thế hệ trẻ - những nhà lãnh đạo tương lai.
Xin đưa ra một ví dụ về sức mạnh to lớn của kết nối nhân dân: Thủa còn nhỏ ở California (Hoa Kỳ), tôi đã xúc động khi được nghe câu chuyện của những người dân từ nhiều nơi khác đến sống tại Mỹ. Điều này đã truyền cảm hứng để tôi trở thành một cán bộ ngoại giao với mong muốn đóng góp tích cực cho quan hệ nhân dân giữa Hoa Kỳ và các nước trên thế giới.
Vậy theo bà, đâu là những dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ?
- Như đã chia sẻ, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ cách đây 28 năm, nhưng quan hệ đối ngoại nhân dân giữa hai nước đã có từ rất lâu. Trước khi Đại sứ quán Hoa Kỳ được thiết lập tại Việt Nam, các chương trình trao đổi học thuật đã diễn ra. Điển hình là chương trình Fulbright, tạo điều kiện cho sinh viên, nghiên cứu sinh học hỏi lẫn nhau, góp phần xây dựng các quan hệ thể chế.
Một dấu mốc khác là chương trình hợp tác giảng dạy học thuật Fulbright, qua đó hàng trăm nhà lãnh đạo Việt Nam đã được đào tạo về nguyên lý kinh tế và chính sách công. Chương trình đã phát triển thành Đại học Fulbright Việt Nam - trường đại học tư thục, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam.
Ngoài ra, các nghiên cứu STEAM, viết tắt của Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật), Mathematics (Toán học), thông qua Quỹ Giáo dục Việt Nam của Hoa Kỳ cũng là một trong những dấu mốc quan trọng. Quỹ đã tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học Việt Nam học và làm việc tại các cơ sở đào tạo danh tiếng tại Hoa Kỳ.
Những dấu mốc quan trọng có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng còn có thể kể đến lễ hội BridgeFest. Đây là sự kiện thường niên được khởi xướng lần đầu tiên tại Hà Nội.
Vào năm 2022, lễ hội đã được tổ chức tại Đà Nẵng và dự kiến năm 2023 là ở TP Hồ Chí Minh. Sứ mệnh của BridgeFest là thúc đẩy hòa nhập và khuyến khích sự tham gia của các cá nhân trong cộng đồng. Chương trình nhằm truyền tải thông điệp về sức mạnh tập thể cũng như tôn vinh tiềm năng của mỗi cá nhân. Các đối tác của chúng tôi là Chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan đại diện ngoại giao cũng như người khuyết tật và cộng đồng LGBTQI+.
Theo tôi, sự đồng hành của Việt Nam trong các chương trình và hoạt động cộng đồng nói trên cho thấy sự coi trọng và quan tâm to lớn mà các bạn dành cho đối tác Hoa Kỳ.
Thời gian tới, bà kỳ vọng gì trong quan hệ đối ngoại nhân dân Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như vai trò của thế hệ trẻ hai nước nhằm góp phần phát triển đối ngoại nhân dân?
- Thế hệ trẻ cần tích cực hơn nữa trong các hoạt động trao đổi, góp phần vun đắp quan hệ nhân dân giữa hai quốc gia. Việt Nam có dân số trẻ và năng động, con người chăm chỉ và đặc biệt coi trọng giáo dục. Được biết, số du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ có khoảng 30.000 và còn tăng lên. Điều này đang củng cố năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương sâu, rộng hơn.
Đặc biệt, thế hệ trẻ đóng vai trò định hướng cho các hợp tác giáo dục, đào tạo trong nhiều thập kỷ tới. Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam để giúp phát triển quan hệ đối tác bậc đại học, thu hút khu vực tư nhân và mở rộng liên kết giáo dục đào tạo.
Đồng thời, lĩnh vực giáo dục STEAM cũng được ưu tiên chú trọng. Không gian "Makerspace" tại Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội là một ví dụ về hợp tác lĩnh vực công nghệ, đáp ứng mong muốn của thế hệ trẻ. Vừa qua, Phái đoàn Hoa Kỳ đã cùng với các đối tác Đại học Bách khoa Hà Nội và tổ chức STEAM for Vietnam tổ chức cuộc thi Robot quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó, các đội tuyển trong nước được mời đi tranh tài tại cuộc thi toàn cầu ở Texas (Hoa Kỳ) trong năm nay.
Có thể thấy quan hệ nhân dân ngày càng được củng cố. Do vậy, tôi vô cùng lạc quan về tương lai quan hệ song phương của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tác giả bài viết: Nhung Nguyễn - Thu Hà
Nguồn tin: Tạp Chí Thời Đại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn