(TG) - Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng bộ, toàn diện, đột phá và mang nhiều khát vọng.
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV), ngày 26/11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Sau gần một năm thực hiện, từ thực tiễn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhận thấy có nhiều nội dung của Chương trình số 07-CTr/TU cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình của địa phương và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, ngày 9/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 50-CTr/TU (Chương trình 50) thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV với mục tiêu: xác định các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm để cụ thể hóa các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Qua thời gian triển khai thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục nhận thấy một số nội dung của Chương trình 50 cần được cập nhật, bổ sung những chỉ đạo mới của Trung ương nhằm phù hợp với tình hình, bối cảnh mới của tỉnh; đồng thời, tích hợp một số lĩnh vực vào cùng một văn bản để thực hiện đồng bộ.
Với những yêu cầu đó, ngày 25/11/2021, Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 159-KL/TU với 2 nội dung chính điều chỉnh Chương trình 50. Theo đó, điều chỉnh một số nội dung cụ thể hóa các nhiệm vụ đột phá trong công tác tổ chức, cán bộ và đặc biệt là điều chỉnh đột phá về xây dựng Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang.
Về điều chỉnh đột phá về xây dựng Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh xác định tầm nhìn dài hạn: Định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trên quan điểm là “Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm”, trong đó: Nhất tâm là tập trung phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. Nhị tuyến là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Tam thành là ưu tiên phát triển 03 trung tâm đô thị: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Tứ trụ cột là phát triển 4 trụ cột theo định hướng là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. Ngũ trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.
Về nhiệm vụ cần thực hiện ngay, ngày 26/11/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp, nông nghiệp nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo (Nghị quyết 4 trụ cột), trên cơ sở tích hợp từ 03 nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết chuyên đề về xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thương mại và đô thị; Nghị quyết chuyên đề về phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp của tỉnh; Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10/6/2014 về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030) và Đề án phát triển khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 của Chương trình 50.
Nghị quyết xác định “công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là bệ đỡ, đô thị là điểm sáng và du lịch là tiềm năng”, đồng thời với mục tiêu Nghị quyết Đại hội khóa XIV “… huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá”, cho thấy sự điều chỉnh Nghị quyết với 4 trụ cột đã khẳng định tầm nhìn và quyết sách đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, nhằm khai thác, phát huy thế mạnh của tỉnh, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện đồng bộ các lĩnh vực công, nông nghiệp, đô thị và du lịch, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết nhiệm kỳ đã đề ra, với một số điểm nhấn như:
Về công nghiệp, trong 10 năm gần đây, ngành công nghiệp của tỉnh có sự phát triển khá nhanh. Tỉnh đã tập trung phát triển công nghiệp đa dạng ngành nghề và sản phẩm như: may, giày da, nhựa, sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống… trong đó, công nghiệp chế biến chiếm hơn 96% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, sản xuất điện là một lĩnh vực phát triển khá năng động; sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là thủy sản đông lạnh, dệt may, giày da, giấy.
Thời gian tới, tỉnh định hướng phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác; phát triển chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương. Phát triển không gian công nghiệp quy mô lớn, tạo thế mạnh của tỉnh so với các tỉnh, thành trong khu vực về đất công nghiệp. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường.
Về nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp của tỉnh chiếm 26,5% trong cơ cấu kinh tế. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển khá mạnh.
Tỉnh sẽ tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Về đô thị, quá trình xây dựng và phát triển hệ thống đô thị của tỉnh khá nhanh, tỷ lệ đô thị hóa đạt 28,31% (trung bình của vùng là 31%, cả nước khoảng 40%). Các đô thị tiếp tục phát triển khá đồng bộ, từng bước đáp ứng các chỉ tiêu đô thị trung tâm tỉnh lỵ và khu vực. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối giữa tỉnh với các tỉnh ĐBSCL. Thị trường bất động sản khởi sắc, nhiều nhà đầu tư quan tâm và xin tiếp cận đầu tư.
Hậu Giang sẽ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Hậu Giang đảm bảo tính bền vững, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng chiến lược phát triển đô thị và nhà ở quốc gia; đảm bảo tạo được dòng tiền dương để tái đầu tư phát triển.
Về du lịch, tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch khá lớn với hệ sinh thái đa dạng, mạng lưới sông ngòi chằng chịt, những vườn cây ăn trái sum suê, đặc biệt Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng - nơi được xem là “lá phổi xanh” nên thích hợp cho du khách muốn trải nghiệm sinh thái sông nước và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh. Lượng du khách đến tỉnh có bước tăng trưởng khá, trong đó có không ít du khách quốc tế.
Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tập trung phát triển du lịch có trọng tâm, lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đầu tư phát triển nhằm quảng bá hình ảnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước.
Chương trình 50 chính là Đảng văn có tính định hướng cao, hàm chứa nhiều nội dung quan trọng, được xây dựng công phu, khoa học, phù hợp thực tiễn, phát huy được trí tuệ tập thể. Đặc biệt, Chương trình đã cụ thể hóa đầy đủ những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, với tinh thần chiến đấu cao hơn, nỗ lực quyết liệt hơn, các chỉ tiêu đề ra cao hơn so Nghị quyết Đại hội. Điều đó, thể hiện quyết tâm và khát vọng đưa Hậu Giang phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Chương trình 50 đã định ra cách làm, bước đi cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, với trên 20 văn bản phải ban hành (trong đó, có lộ trình ban hành rất cụ thể từng văn bản) và 14 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. Từ đó, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp để xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang trong tháng 7 vừa qua với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” chính là dấu ấn khởi đầu tạo tiền đề để Hậu Giang bắt đầu hành trình khát vọng của tỉnh nhỏ. Tại Hội nghị, tỉnh đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, với tổng mức đầu tư 18.997 tỷ đồng. Ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với 8 nhà đầu tư, với tổng giá trị khoảng 220.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng xuyên suốt quá trình đầu tư tại Hậu Giang, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác đầu tư với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về gói hỗ trợ vay vốn với hạn mức 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.
Qua hơn một năm thực hiện Chương trình 50 và các nghị quyết, đề án cụ thể hóa, tỉnh đã gặt hái được những kết quả bước đầu hết sức khả quan về kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt 14,74%, xếp thứ 5 cả nước, xếp thứ nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - đây là điều chưa từng có tiền lệ trong quá trình xây dựng và phát triển của Hậu Giang.
Có thể nói, những khát vọng lớn mà Chương trình 50 đề ra chính là đòn bẩy để Hậu Giang thực hiện khát vọng của tỉnh nhỏ, xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, từng bước sánh vai với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước./.