Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người tiên phong cải cách kinh tế

Thứ năm - 24/11/2022 02:32
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người tiên phong cải cách kinh tế
Ông Võ Văn Kiệt phát biểu trước Quốc hội sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ ngày 23/9/1992 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX. Ảnh: TTXVN
Ông Võ Văn Kiệt phát biểu trước Quốc hội sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ ngày 23/9/1992 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX. Ảnh: TTXVN

Là Thủ tướng khi lạm phát gần 70%, ngân sách thâm hụt, thất nghiệp nhiều, nhưng với tư duy cởi mở, sẵn sàng "không làm được thì từ chức", ông Võ Văn Kiệt đã mang đến nhiều cải cách kinh tế cho Việt Nam.
Trong trí nhớ của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một lãnh đạo có tư duy kinh tế thị trường, chịu khó học hỏi, biết lắng nghe. "Những gì ông thấy tốt cho người dân thì sẽ tiếp thu rất nhanh", bà Lan nói với VnExpress.
Còn PGS. TS Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia) nhận định về ông Võ Văn Kiệt trên Báo Nhân dân như "một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986", "tổng công trình sư nhiều dự án táo bạo".
Nhậm chức Thủ tướng giữa muôn vàn khó khăn
Năm 1985, sau một thập niên theo mô hình bao cấp, kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào viện trợ và vay nợ nước ngoài, lên đến 8,5 tỷ ruble (khoảng 3.500 tỷ đồng) và 1,9 tỷ USD (gần 45.600 tỷ đồng). Cứ thêm một năm, mô hình càng trục trặc và lỗi thời.
Ngân sách bị thâm hụt và phải bù đắp bằng việc in tiền để chi tiêu. Việc lặp lại sai lầm "giá - lương - tiền" khiến lạm phát phi mã lên gần 775% vào năm 1986 và vẫn ở mức hai chữ số những năm 1990, 1991. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 12,7%.
Những chỉ số đáng báo động đã góp phần thức tỉnh tư duy các nhà lãnh đạo, dẫn đến quyết định đổi mới tại Đại hội VI (tháng 12/1986). Trong đó, đổi mới về kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đưa đất nước thoát khỏi nguy khó.
Ông Võ Văn Kiệt, lúc ấy đang là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, trở thành một lãnh đạo chủ chốt kiến tạo nên công cuộc này.
Thời gian ấy, ông Kiệt cùng tham gia để bắt đầu đưa ra các chính sách đột phá. Ví dụ như xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh đối với xí nghiệp quốc doanh; "thương mại hoá" tư liệu sản xuất; tự do hoá giá cả; tổ chức lại hệ thống ngân hàng bằng soạn thảo "Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước" và "Pháp lệnh về Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính".
Tuy nhiên, trong lúc Chính phủ cật lực thì tình hình bên ngoài lại diễn biến bất lợi. Năm 1991, Liên Xô tan rã tác động sâu sắc đến Việt Nam, khiến nguồn thu từ viện trợ đột ngột biến mất. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các thị trường truyền thống bị đảo lộn trong khi Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận.
Một năm sau đó, giữa vòng vây nguy khó, Quốc hội khóa IX (tháng 10/1992) bầu ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng.
Phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần
Trở thành Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt bắt tay hạ nhiệt lạm phát vốn còn trên 67% vào năm 1991. Ông đề ra phương châm ngân hàng chỉ được nhận tiền gửi để cho vay, tài chính chỉ lấy thu để chi, tuyệt đối không in thêm tiền.
Lãi suất huy động được nâng lên đến 13% một tháng để hút tiền về. Nhờ vậy, đà tăng lạm phát bị chặn lại và giảm dần còn 17,5% vào năm 1992. Giá vàng và USD cũng lần lượt giảm 31,3% và 25,8% so với trước. Đến 1993, lạm phát chỉ còn 5,2%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Cùng với đó, ông tập trung vào thúc đẩy sản xuất, cơ chế khoán hộ trong nông nghiệp, giúp sản xuất bung ra, giải quyết căn bản vấn đề lương thực. Ngay năm 1992, Việt Nam lần đầu xuất siêu, các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Quốc hội đề ra đều đạt và vượt.
Năm 1993, ông Kiệt cũng lập Tổ Tư vấn kinh tế - một quyết định chưa có tiền lệ. Thành viên của tổ rất đa dạng, bao gồm những chuyên gia miền Bắc như Trần Đức Nguyên, Lê Đăng Doanh, Đào Xuân Sâm,..., chuyên gia miền Nam như GS Nguyễn Xuân Oánh, Luật sư Trương Thị Hòa, các chuyên gia nước ngoài như GS Trần Văn Thọ (Nhật Bản), TS Vũ Quang Việt (Mỹ) và thêm một số thành viên trong "Nhóm thứ sáu".
Nhóm thứ sáu tập hợp 24 doanh nhân, trí thức cả những người chế độ cũ, định kỳ ngồi lại với nhau mỗi chiều thứ sáu, có sự tham dự của ông Võ Văn Kiệt lúc ấy là Bí thư Thành Ủy TP HCM, để bàn bạc, thảo luận đề xuất. Nhóm được ví như mô hình thinktank (bể chứa ý tưởng) đầu tiên của TP HCM.
Với sự đóng góp của tổ tư vấn này, ông Kiệt đã định hình nên các chính sách cải cách, đổi mới về ngân hàng, tài chính, đầu tư nước ngoài và kiến tạo nguồn vốn tại Việt Nam, cũng như táo bạo xây dựng những công trình trọng điểm mới. Sau ba năm hoạt động, năm 1996, Tổ tư vấn kinh tế được điều chỉnh về tổ chức, trở thành Tổ Nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính (gọi tắt là Tổ nghiên cứu đổi mới).
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (một thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế), cho rằng tinh thần và thái độ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất thẳng thắn, thân tình, luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân.
"Thủ tướng đi gặp các doanh nghiệp, lắng nghe họ nhiều vấn đề rồi về trao đổi với chúng tôi. Ông nói được phản ánh như thế, các anh thấy cần thay đổi như nào, chính sách phải sửa ra sao, vướng ở đâu... Đấy cũng là bài học với chúng tôi", ông Doanh nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo có tư duy kinh tế thị trường. Ông từng khẳng định Việt Nam cần phát triển theo kinh tế thị trường, tất nhiên phải có tiến độ vừa phải, hợp lý, quan tâm tới doanh nghiệp nhà nước, các khu vực lân cận.
Vì vậy, ông luôn thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả theo yêu cầu của thị trường, giảm dần các cách thức theo kiểu cũ (quản lý quá nhiều, ra các tiêu chí mà không được sử dụng quyền chủ động cho họ).
Cùng với đó, ông rất quan tâm đến sự phát triển của khu vực tư nhân. Khu vực này vốn hình thành khi ra Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 dù còn nhiều phép tắc, xin cho và phân biệt đối xử. "Những điều này ông đều hiểu được", bà Chi Lan cho biết.
Theo bà, đến cuối nhiệm kỳ Thủ tướng, ông đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu sửa đổi hai luật: Công ty và Doanh nghiệp tư nhân trên tinh thần thực sự tạo điều kiện cho khối tư nhân phát triển. Đến lúc các chuyên gia nghiên cứu để sửa luật và báo cáo không thể sửa nổi vì cái cũ quá khó và đề nghị làm luật mới, Thủ tướng chấp thuận ngay.
"Nếu không có khu vực tư nhân phát triển cũng không thể thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước thay đổi được. Cách của ông Kiệt là phải đẩy cho tư nhân vượt lên, vừa tư nhân lớn mạnh, vừa là áp lực cho doanh nghiệp nhà nước cải cách tốt hơn, thị trường hoá tốt hơn", bà Chi Lan nói.
Bên cạnh đó, một loạt luật liên quan cũng ra đời trong thời kỳ này: Luật Đất đai, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Thương mại, Thuế... là những công cụ quan trọng mà Nhà nước cần có để tạo cơ sở cho doanh nghiệp, thị trường vận hành.
Nhờ vậy, giai đoạn 5 năm (1991-1995), Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái, tăng trưởng GDP đạt 8,2% một năm, vượt kế hoạch đề ra cho giai đoạn này là 5,5-6,5%. Trong đó, trung bình tăng trưởng sản xuất công nghiệp là 13,3%, nông nghiệp 4,5% và xuất khẩu 20%.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển đổi khi tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,6% năm 1990 lên 29,1% năm 1995; dịch vụ từ 39,6% lên 41,9%. Việt Nam bắt đầu có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế.
Các chỉ số kinh tế tiếp tục tăng trưởng những năm còn lại cho đến khi ông Kiệt kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng. Theo đó, tăng tưởng GDP năm 1997 đạt 8,15%, đưa tăng trưởng cả giai đoạn 1992-1997 tăng gần 8,8% mỗi năm, so với trung bình 4,67% một năm trong giai đoạn đầu đổi mới 1986 - 1991.
Khi nhìn lại những thành quả đổi mới, các chuyên gia cho rằng đó là nhờ 5 năm điều hành sôi nổi và nhiều đột phá trên hàng loạt mặt trận của ông Võ Văn Kiệt.
Bí quyết của cố Thủ tướng chứa đựng nhiều bài học vẫn còn giá trị về sau, từ việc trọng dụng nhân tài, tiếp thu các đóng góp chuyên môn của đội ngũ tri thức; đến việc xây dựng các công trình trọng điểm để kiến tạo cơ sở hạ tầng và động lực tăng trưởng; cùng với việc tăng cường ngoại giao để tạo điều kiện phát triển ngoại thương.
Kiến tạo các công trình xuyên Việt
Trong suốt giai đoạn giữ vai trò Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt ghi dấu ấn lớn với hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia, tạo lập cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế có cơ hội vươn lên. Lớn nhất và cũng tranh cãi nhất là Đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam.
Ý tưởng xây dựng công trình này được hình thành trong bối cảnh ngành điện lực phát triển không cân đối, miền Nam vẫn thiếu và phải cắt điện luân phiên trong khi miền Bắc thì thừa.
Ông Trần Viết Ngãi, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo công trình đường dây 500 kV, nhớ lại: Cuối năm 1991, ông cùng một số lãnh đạo chủ chốt của Bộ Năng lượng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời tới họp bàn việc đưa điện từ Bắc vào Nam.
Cuộc gặp bắt đầu bằng câu hỏi của cố Thủ tướng: "Miền Bắc thừa điện, các chú có cách nào đưa điện vào Nam được không?". Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải trả lời, chỉ có cách xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV truyền tải điện từ Bắc vào Nam.
Vấn đề là, thế giới chưa nước nào làm đường dây truyền tải điện dài tới gần 1.500 km, một số nước châu Âu có đường dây 400 kV nhưng khoảng cách ngắn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Năng lượng, ngành điện nghiên cứu để đưa ra giải pháp và trả lời ông trong thời gian sớm nhất. "Yêu cầu của Thủ tướng đưa ra lúc đó là làm càng sớm càng tốt, khó mấy cũng phải làm và cần hoàn thành đường dây trong hai năm", ông Ngãi kể với VnExpress.
"Đề bài" cố Thủ tướng đưa ra - xây dựng hệ thống tải điện Bắc Nam trong thời gian hai năm lúc đầu - được cho là không tưởng với nhiều người, kể cả chuyên gia tư vấn nước ngoài.
Trước yêu cầu của cố Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng lúc bấy giờ, ông Vũ Ngọc Hải đã nhóm họp những cán bộ chủ chốt ngành điện, giao nhiệm vụ làm việc với một công ty tư vấn về thiết kế đường dây cao áp của Australia. Tuy nhiên, phía họ chỉ tham gia tư vấn trên bản đồ, còn thực địa đều do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm trách.
Đầu năm 1992, cố Thủ tướng phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam. Tuy nhiên, ngay cả sau khi khởi công, dự án vẫn nhận nhiều tranh luận và nghi ngờ từ các cấp lãnh đạo, Quốc hội và chuyên gia trong - ngoài nước.
"Có lần anh Sáu Dân (tên gọi thân quen của cố Thủ tướng) tâm sự với chúng tôi, nếu đóng điện không thành công, mình xin từ chức", ông Vũ Ngọc Hải kể lại trong cuốn "Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn; Nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân" (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật).
Dưới sự theo dõi và đốc thúc của cố Thủ tướng, dự án hoàn thành đúng tiến độ và chính thức đóng điện thành công ngày 27/5/1994. Công trình có tổng chiều dài 1.487 km, gồm có 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 17 tỉnh thành, về sau được xác nhận mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài đường dây tải điện xuyên Việt 500 kV, ông Võ Văn Kiệt còn được xem là "đại tác giả" của một công trình xuyên Việt khác là đường Hồ Chí Minh. Trong cuốn "Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn; Nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân" , tác giả Hà Đình Cẩn kể, vào một ngày đầu xuân năm 1996, ông Kiệt gặp Bộ Giao thông và nói rằng: Cần sớm khảo sát, lập dự án, xây dựng xa lộ Bắc - Nam.
"Ý tưởng ấy đến với Bộ Giao thông cũng đường đột, bất ngờ nhưng lớn hơn, táo bạo hơn rất nhiều so với những chủ trương xây dựng đường bắc Thăng Long - Nội Bài; đường Láng - Hòa Lạc trước đây của ông", tác giả nhận xét.
Ngày 24/9/1997, ông Kiệt ký "Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc - Nam". Theo một số người, đó là văn bản cuối cùng mà ông ký, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Quyết định được đưa ra sau một năm ròng huy động hơn 1.000 kỹ sư, chuyên gia, công nhân chuyên nghiệp trong cả nước thuộc nhiều lĩnh vực để khảo sát hiện trường và hoàn tất tài liệu thiết kế.
"Đường mòn Trường Sơn năm xưa đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thì đường Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ là con đường của thời đại công nghiệp hóa, làm cho dân giàu nước mạnh, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự liên hệ máu thịt giữa hai miền Nam - Bắc", ông Võ Văn Kiệt nói khi phê duyệt dự án. Vào tháng 8/1998, chủ trương xây dựng công trình đã được Bộ Chính trị khóa VIII thông qua và chính thức đặt tên cho công trình là đường Hồ Chí Minh.
Ngoài hai công trình xuyên Việt, trong sự nghiệp điều hành trên cương vị Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt còn để lại dấu ấn ở nhiều công trình hạ tầng mang tính chất vùng, tạo động lực lan toả như Nhà máy Thuỷ điện Trị An, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hay công trình cải tạo Tứ giác Long Xuyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
 
 
Ở mỗi công trình, tư duy điều hành lãnh đạo của ông gắn chặt với các quan điểm khoa học. Những ý tưởng chung sống với lũ và kiểm soát lũ ở miền Tây để đưa nơi này về sau trở thành vựa lúa cả nước là ví dụ.
Giữa năm 1995, một bản báo cáo quy hoạch thủy lợi được đặt lên bàn chờ Thủ tướng ký, nhưng ông vẫn chưa thật sự yên tâm. Sinh ra ở Vĩnh Long, hoạt động cách mạng ở Nam Bộ, ông hiểu rất rõ đặc tính và điều gì thật sự phù hợp với nơi này.
"Lũ lụt Đồng bằng sông Cửu Long phải được coi như là một tài nguyên cần được lợi dụng, khai thác triệt để các mặt lợi của nó", ông nói trong một hội thảo vào tháng 1/1996, tại TP HCM.
Vì vậy, ông đặt ra mục tiêu chống lũ là Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được mở rộng, đất đai được bồi bổ hàng năm, giao thông (đường bộ và đường thủy), thủy lợi, khu dân cư, quốc phòng phải gắn bó, hỗ trợ, thúc đẩy nhau phát triển, làm cho sản lượng và chất lượng lương thực, cây ăn trái, thủy sản, công nghiệp dịch vụ và nhiều mặt khác ngày càng tăng. Tất cả công trình vùng ngập lũ về sau đều được xem xét theo những nguyên tắc đó của ông.
Nhìn lại những công trình xuyên Việt và liên vùng mà "đại tác giả" Võ Văn Kiệt kiến tạo, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từng nhận xét "đường dây 500 kV là một trong những biểu tượng của đổi mới". Trong khi đó, việc xây dựng hệ thống hạ tầng thủy nông, giao thông, đê bao, cống điều tiết nước, tôn tạo các cụm và tuyến dân cư ở vùng ngập lũ "là hệ thống công trình cực kỳ quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long".
"Nhờ được xây dựng nhanh và quyết liệt, ngày nay khu vực này đã thực sự trở thành vựa lúa lớn không chỉ của Việt Nam mà còn xứng tầm vóc thế giới", ông Trần Đức Lương nhận định.
Hội nhập kinh tế từ 34 chuyến ngoại giao
Cùng với việc hoàn hiện nền kinh tế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng, trong nhiệm kỳ Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã đi thăm chính thức 34 nước và Liên minh châu Âu, đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam. Các sự kiện không chỉ góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong đối ngoại mà còn là chìa khóa để hội nhập kinh tế toàn cầu.
Theo lời kể của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trong cuốn "Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn; Nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân", tại một cuộc họp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong lúc nghỉ giải lao, ông Võ Văn Kiệt gọi ông ra một góc để trao đổi ý kiến.
Ông Kiệt đặt vấn đề đã có sự nhất trí cao về đánh giá tình hình và chủ trương "phá vây", song cần tính kỹ bước đi sao cho có hiệu quả nhất. Theo đó, ông gợi ý chiến thuật "hoa sen nở", đi từ trong ra.
Trước hết, cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đi đôi với việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Từ đó, cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand; rồi vươn sang vòng cung xa hơn là EU. Thành công của những bước đi ấy sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cấm vận.
 Việc cải thiện quan hệ với các nước trong Đông Nam Á thể hiện rõ nhất trong cách ông Kiệt tiếp cận với nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu. Ông Lý là người phản đối rất mạnh Việt Nam về vấn đề Campuchia vào thập niên 70-80. Nhưng quan hệ của Việt Nam – Singapore bắt đầu thay đổi từ năm 1990 mà ông Võ Văn Kiệt giữ vai trò then chốt trong việc phá băng.
Viết trong hồi ký, ông Lý Quang Diệu đã kể lại chuyến thăm Singapore năm 1991 của ông Võ Văn Kiệt. Lúc này, ông Lý đã từ nhiệm nhưng vẫn nắm vai trò quan trọng trên chính trường đảo quốc sư tử.
"Tuy không còn là thủ tướng, chúng tôi vẫn gặp nhau tại bữa tiệc chiêu đãi do người kế nhiệm tôi là Goh Chok Tong chủ trì. Khi bữa tiệc sắp tàn, ông ấy bước lại phía tôi, ôm quàng lấy tôi như cách những người Cộng sản thường làm, rồi hỏi tôi có muốn giúp đỡ Việt Nam không. Tôi hỏi, bằng cách nào? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế của họ. Tôi lặng người đi", ông Lý viết.
Sau đó, ông Kiệt hai lần gửi thư cho ông Lý đề cập đến câu chuyện này. Cuối cùng, năm 1992, ông Lý lần đầu tiên đến Việt Nam, mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai nước mà Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tiên tại Sông Bé (nay Bình Dương) là một biểu tượng.
"Về kinh tế, đối ngoại, đây là một thành công lớn vì sau khi ông Lý Quang Diệu sẵn sàng bắt tay với Việt Nam, một loạt lãnh đạo các nước khác cũng yên tâm, cởi mở hơn với chúng ta", bà Phạm Chi Lan chia sẻ với VnExpress.
Từ những chuyến ngoại giao trong suốt thời gian nắm quyền, ông Võ Văn Kiệt đã mang về trái ngọt cho đất nước. Từ tháng 10/1993, quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam với Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã được nối lại.
Đặc biệt, thành tựu ngoại giao lớn nhất tập trung vào tháng 7/1995. Sau nhiều năm bao vây kinh tế, ngày 11/7, Mỹ đã tuyên bố bình thường hoá quan hệ, sau đó hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Một tuần sau đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định chung về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật.
Đến ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Trước đó, dù có chủ trương nhưng đến phút cuối, ông Nguyễn Mạnh Cầm khi ấy là Bộ trưởng Ngoại giao sang Thái Lan để ký biên bản vẫn còn những sự ngần ngại của một số lãnh đạo ở nhà.
Ông Vũ Khoan lúc đó được ông Cầm điện về yêu cầu xin ý kiến của Thủ tướng. Khi ông Khoan gặp, ông Kiệt nói ngay: "Đã bàn và đã quyết rồi thì anh Cầm ký đi. Nếu có ý kiến khác, tôi sẽ thuyết phục và tôi chịu trách nhiệm".
Với những bước ngoặt ngoại giao mà ông tạo ra trong nhiệm kỳ Thủ tướng, kết quả ngoại thương sau hơn một thập niên đổi mới thay đổi rõ rệt. Đến năm 2000, tổng mức lưu chuyển ngoại thương đã đạt 29,5 tỷ USD, gấp 5,7 lần năm 1990. Trong đó, xuất khẩu đạt 14,3 tỷ USD, gấp gần 6 lần; nhập khẩu hơn 15 tỷ USD, gấp 5,5 lần, theo Tổng cục Thống kê.
Những chuyến đi của ông không chỉ tăng giao thương mà còn để thu hút đầu tư nước ngoài. Bà Phạm Chi Lan đánh giá, trong các chuyến thăm các nước, ở đâu ông cũng đưa ra những lời chào mời, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và có cam kết rất rõ. Kết quả, 1995 và 1996 là những năm mà Việt Nam đón đầu tư nước ngoài kỷ lục.
Theo bà Phạm Chi Lan, ông Kiệt là người tạo khung cho nền kinh tế đổi mới. Tất nhiên, công lao là đóng góp chung của đội ngũ lãnh đạo nhưng từ 1986 đến trước 1993 vẫn còn mang tính "mày mò".
Chỉ từ 1993, nền kinh tế mới đón nhận những cải cách táo bạo hơn như có tỷ giá chính thức, bỏ chính sách hai giá. Hay như đầu năm 1995, khi WTO hình thành chính thức, Việt Nam cũng nhanh chóng nộp đơn xin tham gia, dù biết quá trình đàm phán còn dài, gian nan vất vả.
Cũng theo bà, các công cụ của kinh tế thị trường, chính sách của thị trường được đưa ra vào thời ông Kiệt rất mạnh mẽ, tạo những bước ngoặt đáng kể. Cũng nhờ thế, Việt Nam bình thường hoá được quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, IMF rồi từ đó một số nước nối lại viện trợ ODA như Nhật, Pháp. Và nếu không có khuôn khổ đó, có lẽ Việt Nam cũng khó tham gia ASEAN.
"Thủ tướng là người rất năng động, gần thực tế, luôn phát hiện ra các vấn đề nan giải, tìm ra những giải pháp. Ông đồng thời là người rất sáng tạo và cương quyết trong hành động cũng như thực hiện chứ không phải lý luận dài dòng, thấy vấn đề thì giải quyết, thực hiện ngay", ông Lê Đăng Doanh, nhận xét.
 

 

Tác giả bài viết: Viễn Thông - Phương Ánh - Hoài Thu

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây