Thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 25/12/2023 10:00
Thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên trao bảng công nhận xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên trao bảng công nhận xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong năm 2023, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.

Hưởng ứng kế hoạch phát động phong trào thi đua của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa tiêu chí thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh.

Nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân

Cùng với ban hành kế hoạch và phát động thi đua thực hiện phong trào, UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực, thường xuyên tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý nghĩa, nội dung, các sự kiện nổi bật, cách làm hay, mô hình sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong công cuộc xây dựng xã nông thôn mới.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng huyện Châu Thành A thông tin, thời gian qua, không chỉ tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện còn đồng hành cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Tiêu biểu như ông Lê Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giavika, ở xã Thạnh Xuân.

Cụ thể, từ việc ý thức được trách nhiệm của doanh nghiệp khi ăn nên làm ra phải nghĩ đến cộng đồng, nên ông Lê Tuấn Khanh, quyết định ủng hộ địa phương vào công tác giảm nghèo, xây dựng cầu đường, nhà tình nghĩa, tình thương, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Nhờ đó, góp phần giúp xã Thạnh Xuân đạt tiêu chí về nhà ở, hạ tầng giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho rằng trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại địa phương, ông Khanh và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Khanh cũng luôn đi đầu trong các phong trào thi đua và công tác an sinh xã hội, góp phần cho địa phương ngày càng phát triển. Thành quả trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thạnh Xuân hôm nay, có một phần đóng góp của ông Khanh.

Cũng theo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng huyện, công tác tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Thành A chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thời gian qua, tương đối đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế và tạo được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đều nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua này; đồng thời, đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Chỉ tính riêng năm 2023, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện đã huy động tổng nguồn lực hơn 233 tỉ đồng.

Tương tự, qua phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Ngã Bảy, cũng nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Cùng với sự hỗ trợ của mạnh thường quân, hạ tầng kỹ thuật như nhà ở, cầu, đường, y tế, trường học... ngày càng khang trang. Ngoài ra, mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao cũng xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Trong đó, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất ở các năm trước tiếp tục phát huy hiệu quả, đã đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương và được nhân rộng. Đặc biệt là mô hình trồng sầu riêng đang mang hiệu quả kinh tế cao, với mức thu nhập từ 600 - 900 triệu đồng/ha. Riêng mô hình trồng mít thái cho thu nhập bình quân khoảng 135 triệu đồng/ha; trồng chanh không hạt cũng cho thu nhập bình quân khoảng 210 triệu đồng/ha.

Hiện 2 xã trên địa bàn thành phố, đều có loại hình du lịch nông thôn. Cụ thể, xã Tân Thành có 2 mô hình du lịch sinh thái theo thời vụ, là vườn chôm chôm Bảy Liễu và vườn chôm chôm Chín Hùng; xã Đại Thành có mô hình du lịch Homstay miệt vườn hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ngoài ra, xã Đại Thành còn được hỗ trợ thí điểm mô hình trồng hoa kiểng gắn với du lịch nông nghiệp trên địa bàn.

Tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp

Vào tháng 8-2023, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Điểm nổi bật ở xã này là sản xuất phát triển, thu nhập bình quân đầu người tính đến thời điểm công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hơn 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo xét theo hướng đa chiều của xã chỉ còn 2,49%. Các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Ngoài ra, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị của xã ngày càng vững mạnh. Trước đó, vào năm 2013, Đại Thành là xã đầu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2019, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Vào tháng 8-2023, sau khi hoàn thiện 6/6 tiêu chí theo quy định, đơn vị tiếp tục vinh dự là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Hoàng Hơn, Chủ tịch UBND xã Đại Thành khẳng định, phát huy kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã quyết tâm duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Còn theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, xã Đại Thành là đơn vị tiên phong trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đơn vị tiếp tục vinh dự là xã đầu tiên của tỉnh đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là thành quả từ sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đại Thành.

Để giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đại Thành tiếp tục tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng và thụ hưởng thành quả nông thôn mới. Địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn, kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương...

Theo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, trong năm 2023, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Đó là nhờ phong trào này được triển khai rộng khắp, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và được sự đón nhận mạnh mẽ của toàn thể Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp “chung sức đồng lòng” cùng chính quyền xây dựng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.

Đáng ghi nhận là thông qua các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều mô hình hay, hiệu quả được xây dựng mới và nhân rộng; Chương trình mỗi xã một sản phẩm đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh hiện có 209 sản phẩm OCOP, trong đó 68 sản phẩm hạng 4 sao (chiếm 32,54%); 141 sản phẩm hạng 3 sao (chiếm 67,46%).

Đến nay, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh là 39/51 xã (chiếm 76,47%); 8/39 xã nông thôn mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 20,51%); tỉnh công nhận 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 46,62% chỉ tiêu Trung ương giao trong giai đoạn 2021-2025. Hiện tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới là thành phố Vị Thanh, Ngã Bảy và huyện Châu Thành A.

Kết quả nêu trên là minh chứng rõ nét nhất cho những chủ trương đúng đắn, cách làm phù hợp của các cấp ủy, chính quyền đã được toàn thể Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chung tay, hưởng ứng thực hiện. Nhờ đó, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh, cũng như phát huy được vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao.

Tác giả bài viết: Gia Nguyên

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây