Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hậu Giang

Thứ sáu - 30/09/2022 09:24
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hậu Giang
Đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng du lịch ở Hậu Giang.
Đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng du lịch ở Hậu Giang.
Phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV đã xác định. Để phát triển du lịch, ngoài yếu tố tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, thì nguồn nhân lực là một trong các yếu tố không thể thiếu, mang tính chất quyết định đến chất lượng “ngành công nghiệp không khói” này. Do đó, để phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, Hậu Giang cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.
Du lịch là ngành phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Điều làm cho các sản phẩm du lịch trở nên khác biệt và hấp dẫn hơn là cách thức làm cho du khách thực sự cảm thấy thoải mái và có ấn tượng sâu sắc trong suốt quá trình hưởng thụ các sản phẩm du lịch nơi mình đến. Việc làm hài lòng khách hàng đòi hỏi người lao động vừa phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, vừa gây được sự tín nhiệm, ấn tượng tốt đối với khách hàng. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch là vấn đề vô cùng quan trọng.
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ (2021 – 2025), đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng yếu. Bên cạnh việc nhấn mạnh nội dung về công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đảng viên, thì trong nội dung phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội đã rất quan tâm đến việc tận dụng tiềm năng, phát triển du lịch, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10/6/2014 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 26/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 04 đề cập là khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch, phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khai thác và phát huy hiệu quả mô hình du lịch: nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái, tâm linh,... gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh. Thường xuyên phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của Tỉnh trong giai đoạn mới. Xây dựng kế hoạch liên kết và kết nối hình thành các tour, tuyến; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; phát huy giá trị các làng nghề, khuyến khích phát triển ẩm thực, văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng.
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất, xây dựng con người Hậu Giang thân thiện, mến khách. Trong những năm qua, ngành du lịch Hậu Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng du lịch đang được nâng lên tầm cao mới, ngày càng có nhiều di tích, danh lam, với nhiều mô hình du lịch độc đáo như: homestay, du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… đang thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch.
Tuy nhiên, việc khai thác những lợi thế về du lịch ở Hậu Giang còn nhiều bất cập chưa thật sự tương xứng với vị thế của tỉnh. Nhiều mô hình mới xuất hiện nhưng cũng nhanh chóng bị mai một và dần mất đi; công trình du lịch được đầu tư hoành tráng nhưng chưa thu hút, giữ chân được du khách trong thời gian dài; hệ thống các khu vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch còn thiếu, chưa hấp dẫn được du khách; sản phẩm du lịch còn mang tính đơn điệu, chưa đa dạng về mẫu mã, hình thức, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù; sự liên kết của tỉnh với các vùng, miền để phát triển du lịch chưa được phát huy; vốn đầu tư cho nâng cao chất lượng du lịch chưa cao; đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch còn nhiều hạn chế … đã và đang là những lực cản lớn đối với ngành du lịch của tỉnh. Để phát triển du lịch có hiệu quả thì vai trò của yếu tố con người là một trong những nhân tố cơ bản nhất. Do đó, ở nội dung bài viết này, tác giả đi sâu vào phân tích nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang hiện nay.
Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh nói chung đã có bước chuyển biến tích cực. Đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch tăng lên, chất lượng bước đầu đã có sự cải thiện. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở lưu trú đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, 03 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và 05 khu, điểm du lịch. Số lượng lao động trực tiếp trong ngành ngày một tăng lên. Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch luôn được Hậu Giang đặc biệt quan tâm: ngành du lịch tỉnh thường xuyên liên kết mở các lớp sơ cấp nghề du lịch (phục vụ bàn, phục vụ lưu trú và kỹ thuật cắt tỉa, rau, củ, quả), lớp sơ cấp chế biến món ăn căn bản, lớp tập huấn cho cư dân vùng quýt đường Long Trị và khóm Cầu Đúc; lớp tập huấn về du lịch nông nghiệp cho cư dân ở xã nông thôn mới Vị Thanh. Các lớp tập huấn đã cung cấp những kiến thức khái quát về du lịch nói chung, đặc biệt là du lịch cộng đồng, các hoạt động kinh doanh của du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú tại nhà dân, các mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng hiệu quả ở một số địa phương, cách khai thác và kinh doanh các sản phẩm du lịch tại cộng đồng.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 – 2020, đây là cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở địa phương, góp phần nâng cao tay nghề cho lao động ngành du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, góp phần quảng bá hình ảnh con người Hậu Giang, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch tỉnh nhà.
Tuy nhiên, so với nhu cầu của hoạt động du lịch hiện nay và yêu cầu phát triển trong những năm tiếp theo thì nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Trong những năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch vẫn còn thấp so với tổng số lao động phục vụ trong ngành du lịch. Số lượng lao động có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao và cán bộ giỏi về quản lý và điều hành kinh doanh du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở dạy nghề nhưng chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành về các nghề phục vụ du lịch. Số lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 1.043 người (chưa thống kê số lượng lao động thời vụ, lao động tại các hộ kinh doanh dịch vụ và tại các cơ sở tư nhân). Mỗi năm, số lao động tăng bình quân khoảng 5%. Trong tổng số lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch, chỉ có 225 lao động được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, chiếm 20% tổng số lao động của ngành. Số lao động này chủ yếu tập trung tại các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, các khu, điểm du lịch và các đơn vị kinh doanh lữ hành. Thực tế này cho thấy, đa phần các doanh nghiệp phục vụ dịch vụ du lịch chưa xem trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ nên chất lượng phục vụ còn hạn chế.
Cùng với đó, hiện tượng người lao động có trình độ được đào tạo chuyên ngành du lịch chuyển sang làm việc tại các địa phương khác, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch không quay về địa phương làm việc ngày càng nhiều do chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực của các doanh nghiệp và các địa phương khác có sức hút hơn, đó là những nguyên nhân làm giảm đội ngũ lao động về du lịch có chất lượng cao.
Nhiều năm qua, theo đánh giá của các đơn vị sử dụng người lao động thì chất lượng của học viên chuyên ngành du lịch sau đào tạo của tỉnh chưa cao. Điều đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng đa số các trường hiện nay vẫn chưa thoát khỏi lối mòn của quy chế đào tạo tại chỗ, cụ thể là: thiếu cơ sở vật chất thực hành, chưa thống nhất bộ giáo trình chuẩn mới, thiếu đội ngũ giáo viên được tập huấn chuyên ngành, chưa định hướng rõ đối tượng phục vụ (phần lớn hướng đến phục vụ khách trong nước, chưa chú trọng đến du khách quốc tế) dẫn đến một phần không nhỏ học viên ra trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp du lịch cả về nghiệp vụ lẫn giao tiếp, ngoại ngữ.
Từ thực trạng vấn đề trên, để phát triển nguồn nhân lực du lịch phục vụ đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về mọi mặt, chúng tôi đề xuất một số giải pháp, kiến nghị sau:
Một là, đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị; phục vụ cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh xã hội hoá, vận động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy (các phòng thực hành đạt chuẩn, phòng học chuyên môn...), trang thiết bị, dụng cụ dạy học phù hợp và đạt chuẩn đối với các trường, các trung tâm đào tạo nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo - dạy nghề du lịch theo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Huy động các nguồn lực để đầu tư cho các trường, trung tâm đào tạo nghề phục vụ du lịch của tỉnh. Quy hoạch các dự án phát triển du lịch nhằm thu hút và tạo việc làm cho người lao động.
Hai là, thực hiện tốt các chính sách, chế độ hiện hành của Nhà nước đối với các đối tượng tham gia học nghề theo Đề án phát triển du lịch. Xây dựng và ban hành cơ chế chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ thúc đẩy đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp du lịch đầu tư cho đào tạo - dạy nghề và tạo việc làm sau đào tạo. Bố trí một phần kinh phí đầu tư cho ngành du lịch về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Cần có cơ chế thu hút các chuyên gia, thợ lành nghề, cán bộ quản lý giỏi trong lĩnh vực du lịch đến công tác và làm việc tại tỉnh, qua đó, tổ chức toạ đàm, hội thảo, nghiên cứu thực tế để nguồn nhân lực du lịch có điều kiện giao lưu, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm trong phát triển du lịch. Điều tra, khảo sát thực tế về trình độ lực lượng lao động hiện có, nghiên cứu quan hệ cung - cầu lao động du lịch thông qua các nguồn đào tạo về du lịch và nhu cầu sử dụng của các đơn vị kinh doanh du lịch.
Ba là, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương về công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nguồn nhân lực du lịch nói riêng để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở đào tạo và nhân dân biết, tích cực triển khai thực hiện chủ trương đào tạo - dạy nghề phát triển nguồn nhân lực.
Bốn là, đa dạng hoá các chương trình đào tạo, đào tạo lại với nhiều hình thức. Trên cơ sở các chương trình đào tạo theo quy định, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, đổi mới và biên soạn giáo trình đào tạo - dạy nghề phù hợp với trình độ đào tạo, ưu tiên biên soạn giáo trình dạy các nghề ngắn hạn có tính truyền thống, đặc thù của tỉnh. Liên kết với các đơn vị đào tạo trong và ngoài tỉnh xây dựng chương trình giảng dạy về du lịch cho học sinh, sinh viên, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên đối với hoạt động du lịch. Gắn công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch và sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn kinh doanh, dịch vụ của tỉnh, đồng thời thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm.
Năm là, có chính sách biểu dương, tôn vinh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có đóng góp tích cực đối với các nội dung của Đề án; có chế tài thỏa đáng đối với các đơn vị sử dụng lao động không qua đào tạo, không đáp ứng đúng quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp du lịch đầu tư kinh phí đào tạo cho người lao động để làm việc tại doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Giáo dục, có quy định rõ trách nhiệm của người học và chế độ khuyến khích động viên để nâng cao kết quả học tập của người học.
Hậu Giang có tiềm năng về du lịch hết sức phong phú, đa dạng và du lịch có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong những năm qua việc khai thác tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế - xã hội ở Hậu Giang vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong thời kỳ hội nhập. Do đó, việc chú trọng đầu tư các nguồn lực phục vụ phát triển du lịch, nhất là chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tích cực vào việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang thời gian tới. 
 

Tác giả bài viết: Thanh Tâm - Ngọc Vẹn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây